Để hoạt động Đoàn không là “bề nổi”

GD&TĐ - Công tác Đoàn trong trường ĐH và trường phổ thông có vai trò quan trọng trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, trang bị kỹ năng cho học sinh (HS), sinh viên (SV).

Phong trào Hiến máu nhân đạo ý nghĩa đã được nhiều đoàn viên, thanh niên các trường ĐH, CĐ tích cực tham gia. Ảnh: IT
Phong trào Hiến máu nhân đạo ý nghĩa đã được nhiều đoàn viên, thanh niên các trường ĐH, CĐ tích cực tham gia. Ảnh: IT

Tuy nhiên, để phát huy được vai trò, hoạt động Đoàn phải thiết thực, ý nghĩa và tạo ra sức lôi cuốn, hấp dẫn…

Tạo sức hút cho phong trào Đoàn

Có thể thấy, nhiều hoạt động được tổ chức Đoàn trong các trường ĐH, CĐ, trường THPT… phát động, triển khai đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, đem lại hiệu quả thiết thực và thu hút đông đảo đoàn viên tham gia. Không ít công trình, hoạt động ý nghĩa trong Tháng Thanh niên hay chiến dịch thanh niên tình nguyện do đoàn viên, thanh niên thực hiện phục vụ thiết thực cho đời sống người dân và xã hội.

Bí thư Đoàn thanh niên Học viện Quản lý giáo dục - Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ: Công tác Đoàn dù mang tính chất phong trào nhưng vẫn phải thực hiện đúng chủ trương của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện vừa phải đáp ứng được nhu cầu, tạo được sân chơi bổ ích cho đông đảo SV. Mặt khác, hiện SV không thiếu sân chơi và hoạt động xã hội… Do đó, hoạt động Đoàn phải thực sự chất lượng, ý nghĩa, thiết thực và tạo sức hút riêng.

Mới đây, Đoàn thanh niên Học viện Quản lý giáo dục tổ chức hoạt động  “Về quê ăn Tết” để quyên góp ủng hộ SV nghèo, khiếm thính về quê ăn Tết. Các bạn SV - đoàn viên bán bao lì xì Tết. Lì xì được bán với giá cao hơn và thông báo rõ mục đích. Vì vậy ai cũng vui vẻ ủng hộ. Hoạt động đã thu được hơn 5 triệu đồng để hỗ trợ 16 SV nghèo, SV khiếm thính (mỗi bạn một phần quà trị giá 500.000 đồng là hộp bánh và tiền vé tàu xe chiều về).

Theo kế hoạch, trong tháng 3, Đoàn thanh niên Học viện Quản lý giáo dục tiếp tục tổ chức hoạt động hiến máu nhân đạo. Để SV chủ động tham gia, hiểu và thấy được ý nghĩa hoạt động, không chỉ công tác tuyên truyền được triển khai kĩ càng mà đoàn viên trong ban tổ chức đều tham gia hiến máu.

Anh Nguyễn Văn Tòng – Bí thư Đoàn thanh niên Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng cho biết: Tại Học viện, các hoạt động Đoàn được phân chia theo mảng như: Văn hóa văn nghệ; Thể dục thể thao; Hoạt động tình nguyện giúp người dân các địa phương; Hoạt động học tập (Rung chuông vàng). Cùng đó là hoạt động hiến máu nhân đạo mỗi năm 2 lần... Mỗi hoạt động đều có sức  hút riêng với từng SV.

Cũng theo Bí thư Đoàn thanh niên Học viện Phụ nữ Việt Nam, với giới trẻ, “thủ lĩnh” Đoàn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sức mạnh lan tỏa, cuốn hút cho phong trào Đoàn. Ví như khi hoạt động hiến máu diễn ra, Bí thư Đoàn cùng những đoàn viên đều là những người đã từng hiến máu nhân đạo tham gia tuyên truyền sẽ dễ thuyết phục bạn trẻ, mọi thắc mắc được giải đáp hiệu quả…

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, nhiều SV dành thời gian đi làm thêm, vui chơi thay vì tham gia phong trào Đoàn. “Do đó, muốn phong trào Đoàn có sức lan tỏa nhất định phải đổi mới cách làm. Phải tuyên truyền để đoàn viên hiểu ý nghĩa hoạt động Đoàn, tạo ra niềm vui và thấy được giá trị mới có thể “truyền lửa” để SV, HS tham gia” - Bí thư Đoàn thanh niên Học Viện Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Văn Tòng chia sẻ kinh nghiệm.

Đoàn thanh niên Học viện Quản lý giáo dục thông qua phong trào Đoàn đã trao 16 phần quà giúp SV nghèo về quê đón Tết. Ảnh: NTCC
Đoàn thanh niên Học viện Quản lý giáo dục thông qua phong trào Đoàn đã trao 16 phần quà giúp SV nghèo về quê đón Tết. Ảnh: NTCC

Khát vọng cống hiến

Lê Nguyễn Hà Anh – sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội bày tỏ: Khi là học sinh THPT em thường tham gia vào các hoạt động Đoàn trường. Em được tăng cường nhiều kĩ năng, giao lưu học hỏi với bạn bè. Các hoạt động Đoàn cũng giúp em mạnh dạn, tự tin hơn. Vào đại học, em tiếp tục được tham gia các hoạt động Đoàn bổ ích, ý nghĩa và ở tầm vóc lớn hơn. Chẳng hạn dạy học miễn phí cho các em nhỏ nông thôn, khó khăn về ngoại ngữ, tin học; tham gia hiến máu nhân đạo; hỗ trợ HS trong kỳ thi tốt nghiệp…

Thông qua các phong trào do tổ chức Đoàn phát động, ngày càng nhiều tấm gương HS, SV học tập, rèn luyện tốt, truyền được cảm hứng cho bạn bè đồng trang lứa trong môi trường học đường.

Vương Văn Công – sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Mặc dù, việc học tập, thực hành tại các bệnh viện, làm thêm gia sư khá bận và chiếm khoảng thời gian lớn. Tuy nhiên, với các hoạt động Đoàn ý nghĩa (khám bệnh, giúp đỡ người bệnh, tuyên truyền về phòng dịch…), em sẵn sàng thu xếp thời gian để tham gia. Điều đó không chỉ cho em những trải nghiệm mà còn tăng cường ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Được cống hiến cho xã hội vì mọi người cũng là hạnh phúc, trách nhiệm của những SV ngành Y.

Bí thư Đoàn thanh niên Học viện Quản lý giáo dục Nguyễn Huy Hoàng khẳng định: Chỉ cần những phong trào Đoàn có ý nghĩa, thiết thực với cộng đồng và có sức hấp dẫn chắc chắn SV, đoàn viên sẽ tham gia tích cực. Được khẳng định khả năng và cống hiến cho xã hội, được cho đi để nhận về những giá trị đích thực… đã và đang là “phương châm” sống được nhiều SV, HS lựa chọn thông qua các hoạt động Đoàn ý nghĩa. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.