Công việc làm thêm cho sinh viên và những ý tưởng độc đáo

GD&TĐ - 38% những sinh viên đại học bây giờ cho biết họ cần có một công việc bán thời gian chỉ để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Nhưng rất nhiều người cũng muốn một công việc khiến họ thỏa mãn với nó. Dưới đây là một số ý tưởng độc đáo để tìm được một công việc như vậy.  

Công việc làm thêm cho sinh viên  và những ý tưởng độc đáo

Tìm kiếm một công việc bán thời gian thú vị, được trả lương cao, phù hợp với việc học tập đối với nhiều sinh viên là vô cùng khó khăn. Trong một cuộc khảo sát hơn 10.000 sinh viên gần đây của diễn đàn trực tuyến Student Room ở Anh, 38% nói rằng tìm việc làm thêm là điều cần thiết để trang trải các chi phí sinh hoạt. Nhưng gần gấp đôi số người đó xếp hạng yếu tố thỏa mãn cao hơn tăng lương và lương cao khi được hỏi về khía cạnh quan trọng nhất của công việc.

Hannah Morrish của Student Room cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, mặc dù tất cả các cuộc thảo luận về chi phí sinh hoạt cao và vấn đề thắt lưng buộc bụng thường trực, những bạn sinh viên rời trường vẫn còn rất lý tưởng. Họ đánh giá cao ý nghĩa, sự thỏa mãn trong công việc trên cả mức lương và lợi ích nơi làm việc”.

Vậy cách tốt nhất để kiếm thu nhập khi vẫn còn ở trường là gì? Và làm thế nào bạn có thể tăng cơ hội tìm được một công việc bạn thực sự có thể yêu thích?

Sử dụng các kỹ năng của bạn

Sinh viên đại học thường không được trả tiền để nhảy lên trên mái nhà hay cố gắng chạy lên tường đâu. Nhưng khi George Mayfield 19 tuổi và đang học khoa học y sinh học tại Đại học Newcastle ở Anh, các công ty đã trả 400 bảng một ngày để anh làm những điều đó.

Là một vận động viên thể thao có kinh nghiệm trong môn parkour (một môn thể thao mạo hiểm), Mayfield bắt đầu chạy tự do khi anh 13 tuổi và chuyển sang chuyên nghiệp vào năm 16 tuổi. Anh nói: “Parkour là cực đối của ngồi trong thư viện học. Đó là một cách xả stress tuyệt vời”.

Anh đã tham gia biểu diễn trực tiếp và làm người mẫu quảng cáo quần áo và giày dép cho các nhãn hiệu thiết kế, tham gia đóng phim. “Nó không giống như công việc. Tôi thích khía cạnh sáng tạo cần thiết phải suy nghĩ trên đôi chân của mình, điều này đã dẫn tôi đến với một sự nghiệp marketing số sau này”.

Trong khi đó, khi Campbell Findlay rời khỏi Scotland để học văn học Pháp tại Viện Đại học London ở Paris, anh đã mang theo chiếc kèn túi của mình.

Anh nói: “Cha mẹ tôi luôn bảo tôi hãy sử dụng kỹ năng của mình, và tôi đã chơi với các ống kèn này từ khi tôi chín tuổi”. Anh đi biểu diễn dạo, nhưng sau đó nhanh chóng phát hiện ra các quán rượu của người Scotland, và một số nhà hàng của người Paris, sẽ thuê anh vào những ngày lễ Scotland như Burns Night.

Anh chia sẻ: “Những người chơi kèn túi giỏi ở Paris còn thiếu. Tôi có thể kiếm được 1.400 euro trong một buổi tối”. Anh cũng có thể kiếm được 200 euro nửa ngày chơi kèn tại đám cưới và đám tang. “Tôi học cách đẩy mình tiến tới và có được sự tự tin, điều này đã giúp ích cho tôi trong công việc hiện tại tại văn phòng báo chí của Hospice Bắc London”.

Attila Olah làm một nhà điêu khắc bán thời gian trong khi đang học cử nhân thiết kế tại trường Đại học Liverpool Hope. Anh nói: “Tôi không thể hoàn thành bằng cử nhân của mình nếu không làm việc thêm để kiếm tiền”.

Đã từng dành ba năm tại công ty chuyên ngành Glacial Art làm một nhà điêu khắc trên băng, anh thấy mình có thể kiếm được 15 đô la một giờ để tạo ra các tác phẩm điêu khắc trong đám cưới và các sự kiện của công ty.

Đến năm thứ hai thì anh được trả tiền cho một tác phẩm khắc băng cho một tập trong chương trình truyền hình nổi tiếng Game of Thrones. Olah bây giờ đã là một nghệ sĩ đoạt giải thưởng, sử dụng cả đồ gốm và đá trong tác phẩm của mình.

Còn Will Bentinck đang học cử nhân ngành triết học thì làm thêm với nghề chia bài tự do. Anh nói: “Chia bài khá là máy móc và lặp lại, tôi thì thấy nó rất thư giãn. Không có gì khiến tôi phân tâm khỏi những suy nghĩ của mình, và suy nghĩ về nội dung khóa học là một phần quan trọng trong chương trình học triết học của tôi”.Là một người chia bài được đào tạo bài bản đã từng làm việc tại casino trước khi bắt đầu vào đại học, anh có thể kiếm được 15 bảng mỗi giờ và thường làm việc khoảng 25 tiếng một tháng. Anh kể: “Đó là một công việc thú vị và tôi kiếm được khá nhiều, điều này đã tạo ra sự khác biệt lớn trong việc học của tôi. Nhưng tôi đã phải đấu tranh với đạo đức của công việc đó”.

Hợp nhất công việc và niềm vui

Ngày hôm nay, Scott Christie là giám đốc dịch vụ khách hàng của công ty MVF. Nhưng khi học hóa học tại Đại học Aberdeen, anh đã làm việc bán thời gian như một vũ công ở hộp đêm Amadeus. Anh nói: “Tôi đã múa ballet và nhảy theo nhịp gõ khi còn bé. Một biên đạo múa cho sinh viên ở trường đại học đã đưa tôi và mấy người bạn tiến tới làm việc ở hộp đêm”. Họ có thể kiếm được 50 bảng khi nhảy hai đến ba tiếng đồng hồ trên sân khấu vào những đêm nhạc disco theo chủ đề của những năm 1970. “Chúng tôi đã rất vui. Đó là một cơ hội tuyệt vời để giải phóng bản thân, tôi không bao giờ lo lắng về kỳ thi hay phòng thí nghiệm khi tôi lên sân khấu”.

Celia Forshew cũng vậy, cô kết hợp làm việc với niềm vui khi làm đại diện du lịch sinh viên trong khi học phương tiện truyền thông, văn hóa và xã hội ở Birmingham. Forshew cho biết: “Tôi chỉ cần gõ cửa phòng các sinh viên khác và hỏi liệu họ có muốn đến Amsterdam hay Cornwall”.

Hàng trăm người sẽ tham gia mỗi chuyến đi và cô kiếm được 10 bảng hoa hồng cho mỗi vé cô bán được. Cô hiện đang điều hành Seed – một công ty marketing sử dụng sinh viên làm đại sứ thương hiệu. Cô nói: “Công việc đó rất quan trọng. Nó đặt tôi trên con đường sự nghiệp này và cho tôi tiếp cận với những người mà tôi có thể cộng tác với”.

Sử dụng cơ thể của bạn

Trong khi Claire Fulton Ray đang học về cử nhân truyền thông tại Cardiff, cô làm việc trong bar công đoàn sinh viên để kiếm sống, nhưng lại rất vui mừng khi cô bị cảm lạnh hoặc đau cổ họng. Cô kể: “Tôi ngay lập tức đi đến Trung tâm Cảm lạnh thông thường (tại Đại học Cardiff) và tham gia vào một thử nghiệm lâm sàng về điều trị cảm lạnh thông thường. Tôi chỉ cần hút một ly sữa, để họ làm một số xét nghiệm và tôi sẽ được trả 20 bảng. Đó là khoản tiền dễ kiếm nhất mà tôi từng kiếm được”. Đáng buồn thay, trung tâm đã đóng cửa vào tháng 3.

Sophie Turton muốn làm một công việc yêu thích và đóng góp cho xã hội trong khi cô đang học văn học và sáng tạo Anh tại Hull. Cô đã chọn làm người chăm sóc, kiếm được 6,2 bảng Anh một giờ.

Cô nói: “Tôi luôn phải đứng trên đôi chân của mình. Đó là một công việc cực nhọc”. Cô dành thời gian để đọc thơ cho khách hàng của mình và nói về cuộc sống của họ. “Câu chuyện của một người đàn ông trong số họ là nguồn cảm hứng cho bài luận văn sáng tạo của tôi”. Cô bắt đầu sáng tác để kiếm sống và bây giờ là người đứng đầu mảng nội dung cho công ty marketing số Bozboz. “Ngay cả bây giờ, nhiều năm sau, tôi vẫn thường nghĩ về những người mà tôi gặp”.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.