Lý giải sinh viên khó kiếm việc từ góc nhìn văn hóa

GD&TĐ - Tiếp cận dưới góc nhìn văn hóa, TS Nguyễn Thị Phương Thảo - Trưởng khoa Sau ĐH, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương – đã có những kiến giải riêng liên quan đến những trở ngại khiến sinh viên tốt nghiệp khó kiếm được việc làm.

Lý giải sinh viên khó kiếm việc từ góc nhìn văn hóa

Những kiến giải dưới đây được TS Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ trong tham luận tại hội thảo “Tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường lao động cho thanh niên và sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp” vừa được tổ chức tại Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương.

Ảnh hưởng của Nho giáo

Trong cơ cấu ngành nghề truyền thống của người Việt là “sĩ, nông, công, thương”, tầng lớp sĩ tử (những người có học thức, biết chữ) được xã hội coi trọng nhất.

Dưới thời phong kiến, học là để làm quan, để tham gia các kỳ thi: thi Hương, thi Hội, thi Đình. Những người đỗ đạt thì được triều đình phong hàm, phong tước. Do đó, tâm lý đi học, thoát ly ra khỏi cổng làng là để làm rạng danh tiên tổ, gia đình, dòng họ đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân Việt.

Đến nay, về cơ bản các gia đình khi có con học xong lớp 12 đều xác định đi thi đại học, cao đẳng trước. Thi để làm gì? Chắc chắn ý nghĩ đầu tiên là để “mở mày, mở mặt” với hàng xóm, láng giềng; để thoát khỏi làng quê; để cho bố mẹ tự hào về con cái...

Phần lớn những lý do trên chủ yếu là vì người khác, vì tập thể chứ không chắc hẳn là vì “cá nhân” - lại là chủ thể quan trọng nhất. Nhiều gia đình, vai trò của cá nhân có khi lại được bàn cuối cùng.

Vì vậy, nhiều khi việc xác định mục tiêu, lựa chọn ngành học, trường học, việc làm sau khi ra trường của các em lại đa số là do bố mẹ, họ hàng quyết định thay chứ không phải do chính các em lựa chọn.

Với tâm lý luôn muốn che chở, bao bọc con, các bậc cha mẹ thường thiên về những ngành “an toàn”, mang lại danh tiếng, như kỹ sư, bác sĩ.

Mặt khác, xu hướng thị trường cũng là một điều đáng nói. Một số bạn trẻ còn có xu hướng chạy theo các nghề “hot” để theo kịp bạn bè, chứ không thực sự vì đam mê và đúng sở trường.

Đây là nguyên nhân chính của việc hướng nghiệp không phù hợp, dẫn đến xác định sai ngành học, phù hợp với năng lực, sở trường của con em mình. Khi ra trường các em cũng dễ chán nản và nhanh chóng bỏ việc.

Thực trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm đã được Bộ GD&ĐT quan tâm và yêu cầu các cơ sở đào tạo phải công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm trên website của các trường trong nội dung “3 công khai” (công khai cam kết chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực phục vụ đào tạo, thu chi tài chính).

Tuy nhiên, con số công bố của các cơ sở đào tạo chỉ mang tính chung chung, chưa cụ thể (Các trường đại học Châu Âu thường công bố cụ thể những thông số như công ty, công việc, vị trí, mức lương. Số liệu này được cập nhật định kỳ hàng năm).

Học thụ động

Cha ông ta thời xưa đi học chủ yếu là học trong “Tứ thư” và “Ngũ kinh”. Lấy “Tứ thư”, “Ngũ kinh” làm chuẩn mực nên hầu như không mở rộng, hội nhập kiến thức từ các nền văn minh khác.

Nền kinh tế hiện nay phát triển, giao lưu và hội nhập nhiều hơn song trong giáo dục, cách dạy và cách học vẫn bị động, phần nào ảnh hưởng của cách học truyền thống.

Chính vì chọn ngành không phù hợp, các sinh viên dễ rơi vào tình trạng thụ động, lười tìm kiếm thêm thông tin. Thậm chí cả giáo viên giảng dạy cũng thụ động. Chương trình đào tạo chưa có sự gắn kết với các doanh nghiệp.

Học thụ động là cách học lỗi thời, chờ đợi kiến thức từ giáo viên đưa xuống, không chuẩn bị cho môn học, và dĩ nhiên, lười áp dụng bài học vào cuộc sống.

Với cách học này, sinh viên không những không nắm được kiến thức, mà còn quen với tính cách lười nhác, thiếu chủ động trong tất cả các công việc sau này. Mà rõ ràng, sẽ không có nhà tuyển dụng nào lại muốn bỏ tiền ra để mời một nhân viên máy móc, lười nhác, và không có tinh thần cầu tiến về làm việc.

Việc học thụ động dẫn tới kiến thức không được cập nhật và thiếu thực tiễn. Khi ra trường được tuyển dụng làm việc thì quá bỡ ngỡ vì thực tế khác xa với việc học trên giảng đường và thư viện dẫn tới bị “sốc” về tâm lý, dễ chán nản và kết quả là bỏ việc hoặc bị sa thải.

Không chú trọng trang bị kỹ năng mềm

Một trong các lý do sinh viên không tìm được việc làm liên quan đến khả năng ngoại ngữ, trong đó chủ yếu là tiếng Anh. Thực ra, hầu hết sinh viên ở các trường đại học đều được học tiếng Anh, nhưng chính thái độ học thụ động, không áp dụng thực tế thì khi ra trường, kỹ năng ngoại ngữ vẫn kém.

Chỉ có được động lực học, cách học phù hợp, khoa học, áp dụng vào môi trường thực tế mới có thể nâng cao trình độ tiếng Anh, đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Lý do khác cũng rất quan trọng, đó là sinh viên khi đi làm hầu hết đều thiếu kỹ năng mềm. Kiến thức chuyên môn cần phải có là một trong những yêu cầu bắt buộc, nhưng trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay thì kỹ năng mềm cũng là yêu cầu không thể thiếu.

Đó là những kỹ năng như: kỹ năng làm việc độc lập và theo nhóm (lắng nghe và hợp tác với đồng nghiệp), kỹ năng cập nhật kiến thức mới, kỹ năng kiểm soát cái tôi, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng thu thập và phân tích thông tin, kỹ năng ghi chép, ghi nhớ, tự quản thời gian, kỹ năng báo cáo, thuyết trình, lên kế hoạch công việc cụ thể, chủ động báo cáo tình hình, kỹ năng xử lý tình huống, xử trí xung đột trong các cuộc tranh luận căng thẳng, kiềm chế cảm xúc cá nhân...

Do thiếu kỹ năng nên khi không giải quyết được những áp lực công việc, các bạn sinh viên dễ bỏ việc, tùy tiện nghỉ việc. Tâm lý dễ hài lòng với bản thân, bảo thủ, không tiếp nhận cái mới nên nhiều sinh viên chưa thực sự cố gắng, nỗ lực cải thiện bản thân để khẳng định vị trí trong công việc.

Hoặc luôn có tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ”, chưa cống hiến được bao nhiêu đã cảm thấy không hài lòng về mức độ ưu đãi, hay so sánh với công ty khác nên có người 1 năm chuyển tới 3 đến 4 công ty. Việc này sẽ làm cho các nhà tuyển dụng lo ngại khi đào tạo vì họ mất niềm tin vào người lao động.

"Thông điệp về giáo dục của UNESCO trong thế kỷ 21 đã nêu rõ: “Học để biết, học để làm, học để làm người và học để chung sống”. Vì vậy, bạn sinh viên cần thay đổi tư duy “cổ xưa” là chọn những công việc theo thị hiếu, theo “danh dự”... mà cần chọn đúng công việc theo năng lực, sở trường của mình.

Công việc nào cũng đều danh giá nếu bạn thực sự yêu thích và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Sinh viên cần tự chủ nắm bắt thông tin, không nên bị động sống trong cái “kén” có sẵn của gia đình, nhà trường và xã hội. Sự hội nhập là cần thiết để có một tương lai tốt đẹp"  - TS Nguyễn Thị Phương Thảo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.