Đó là dự án “Tác động của video ngắn đến hoạt động học tập và tương tác xã hội của học sinh THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội” của Nguyễn Vũ Gia Nguyên và Lê Đức Minh, học sinh Trường THPT Chu Văn An, do cô Phan Hồng Hạnh hướng dẫn.
Và dự án “Nghiên cứu công nghệ sản xuất N-Acetyl-DL-Leucin quy mô Pilot làm nguyên liệu bào chế thuốc” của Hoàng Nam Khánh (THPT Việt Đức), Đinh Phan Anh (THPT chuyên Nguyễn Huệ), do cô Bùi Thanh Huyền - giáo viên Trường THPT Việt Đức hướng dẫn.
Bày tỏ niềm vui khi được tham dự sân chơi khoa học kỹ thuật lớn nhất thế giới ISEF 2024, Lê Đức Minh, học sinh Trường THPT Chu Văn An chia sẻ: Trong quá trình chuẩn bị cho Hội thi, chúng em luôn nhận được sự quan tâm của các thầy cô hướng dẫn, Ban Giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo tại Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT. Nhờ đó các đề tài được hoàn thiện hơn trước Hội thi.
"Được tham dự cuộc thi, được giao lưu với các bạn đến từ các nước trên thế giới, em nhận thấy tinh thần, trách nhiệm của thế hệ trẻ và mong muốn sẽ đóng góp sức mình cho một sân chơi bổ ích, lý thú, mang tầm cỡ quốc tế. Đây là cơ hội để các em thể hiện tiếng nói và quan điểm khoa học của bản thân".
Nguyễn Vũ Gia Nguyên và Lê Đức Minh, học sinh Trường THPT Chu Văn An. |
Đức Minh cho biết, dự án xuất phát từ trải nghiệm thực tế: Thời gian Covid-19, học sinh phải học online kéo dài, em và các bạn đã chịu sự tác động nhất định của video ngắn. Dưới khía cạnh khác, em muốn đi sâu tìm hiểu về tác động của video ngắn lên học sinh như thế nào.
Nói về sự kết hợp ăn ý từ ý tưởng đến nghiên cứu, Lê Đức Minh cho hay: Chúng em học cùng trường, trước đó không quen biết nhau nhưng đều tỏ bày mong muốn nghiên cứu và đề xuất ý tưởng với cô giáo Phan Hồng Hạnh. Từ cơ duyên tình cờ này, chúng em bắt tay vào nghiên cứu dưới sự dẫn dắt bài bản của cô.
Theo tác giả dự án, thời gian thực hiện đề tài là tròn 1 năm, từ tháng 1- 12/2023. Suốt quãng thời gian đó, cả hai vừa sắp xếp việc học vừa dồn tâm huyết, thực hiện các khảo sát. Nhóm đã khảo sát trên đối tượng là hơn 1.500 học sinh ở nhiều trường THPT ngoại thành, nội thành, công lập, dân lập trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đó là những học sinh có điều kiện công nghệ, khả năng tiếp cận khác nhau nên đã cho kết quả khá toàn diện, chính xác và đảm bảo tính tính khách quan.
Trong khi đó, Hoàng Nam Khánh - học sinh Trường THPT Việt Đức nói về dự án của mình: Qua tìm hiểu, chúng em nhận thấy tỷ lệ mắc chứng rối loạn chóng mặt ngày càng tăng ở những học sinh THPT (15-40%). Do đó, em đã trình bày ý tưởng đến cô giáo và thực hiện nghiên cứu hướng tới điều trị bệnh tiền đình bằng acetyl-DL-leucin (ADLL, một liệu pháp trên toàn thế giới).
Lấy cảm hứng từ hóa học hữu cơ cổ điển, ADLL đã được tổng hợp và kết tinh trong polyethylene glycol (PEG 6000) dùng trong dược phẩm. Quá trình acyl hóa L-leucine bằng anhydrit axetic (Ac2O) đã được tiến hành, trong đó các điều kiện phản ứng (tỷ lệ mol, thể tích, nhiệt độ, và các yếu tố tăng quy mô) đã được điều tra; dữ liệu được phân tích bằng mạng thần kinh nhân tạo (ANN).
Hoàng Nam Khánh và Đinh Phan Anh thuyết trình về dự án. |
Đây là dự án được đánh giá có tính mới và sáng tạo, đã thực hiện thí nghiệm gồm các quy trình phản ứng theo thứ tự nâng cấp dần quy mô từ 1g, 100g, đến 1 kg ở quy mô Pilot. Đồng thời giải mã được các thông số kỹ thuật trong quy trình sản xuất đạt ưu thế hơn so với tài liệu tham khảo (lượng nước, tỷ lệ mol, lượng acid cần dùng, độ pH, nhiệt độ), thích ứng với thực tiễn.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho biết, những năm qua, trường luôn quan tâm, đầu tư các điều kiện để học sinh nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Kết quả trường đạt được năm nay rất đáng tự hào, là động lực để thầy và trò tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa.
Đáng chú ý, học sinh Hoàng Nam Khánh không chỉ có kết quả học tập tốt, đạt giải cao tại các cuộc thi mà còn là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Khánh vinh dự là một trong hai học sinh của trường sẽ được kết nạp Đảng đúng sinh nhật Bác 19/5 tới đây.
ISEF là hội thi khoa học và kỹ thuật quốc tế hàng năm lớn nhất dành cho học sinh trung học được tổ chức từ năm 1950. Mỗi năm có khoảng hơn 1500 học sinh trung học từ trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia.
Năm 2012, Việt Nam lần đầu tham dự hội thi và xuất sắc giành giải Nhất. Liên tục từ đó đến nay, hằng năm Việt Nam đều cử học sinh tham dự ISEF và năm nào cũng là một trong số các quốc gia có học sinh đoạt giải.