EU bắt đầu gây áp lực lên Hy Lạp, kêu gọi nước này chuyển giao các hệ thống S-300 cho Kiev. Tuy nhiên, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis loại trừ khả năng này bất chấp áp lực từ các đồng minh EU và NATO.
"Hy Lạp sẽ không gửi S-300 hay Patriot tới Ukraine", ông Mitsotakis tuyên bố trên kênh truyền hình quốc gia Hy Lạp.
Ông giải thích: "Chúng tôi đã được hỏi và giải thích lý do tại sao chúng tôi không thể làm điều đó. Bởi đơn giản là những hệ thống này rất quan trọng đối với khả năng phòng thủ của Hy Lạp".
Cùng với đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler cũng đưa ra tuyên bố tương tự, Ankara đã mua hệ thống phòng không S-400 Triumph từ Nga và không thể chuyển chúng cho nước khác dù có bất kỳ áp lực nào.
"Dù có áp lực nào đi nữa cũng không thể có chuyện cung cấp hệ thống S-400 của chúng tôi cho bất kỳ quốc gia nào khác", Bộ trưởng Guler nhấn mạnh.
Hệ thống S-300 đã được Hy Lạp triển khai đến Crete vào cuối những năm 1990 do căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một thời gian dài, các hệ thống phòng không này được lưu trữ ở trong kho và chỉ đến năm 2013, Hy Lạp mới tiến hành huấn luyện phóng tên lửa từ các hệ thống S-300 lần đầu tiên.
Thổ Nhĩ Kỳ đã mua S-400 trực tiếp từ Nga, nhận chúng vào năm 2019. Sau đó Ankara phải đối mặt với lệnh trừng phạt từ Mỹ và bị loại khỏi danh sách mua máy bay chiến đấu F-35 thế hệ mới.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn từ chối loại bỏ các hệ thống phòng không của Nga dù đổi lấy việc quay trở lại chương trình F-35. Mặc dù vậy, theo Forbes, Ankara vẫn chưa đưa S-400 vào trực chiến trong hệ thống phòng thủ quốc gia và chưa tiến hành các cuộc phóng thử nghiệm.
Nguồn tin này cho biết thêm, Hy Lạp hiện có khoảng 175 tên lửa đánh chặn cho 32 bệ phóng S-300, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ có hơn 120 tên lửa cho các hệ thống S-400 của mình.
"Việc hai thành viên NATO chưa bao giờ là thành viên của Hiệp ước Warsaw tiếp tục sở hữu những tên lửa tiên tiến như vậy của Nga thực sự là điều đáng kinh ngạc", Forbes lưu ý.
Nga đã thực hiện một chiến dịch tấn công tên lửa quy mô lớn vào các cơ sở năng lượng của Ukraine trong những tuần qua. Đáp lại lời kêu gọi của Ukraine về hệ thống phòng không, Đức là nước đầu tiên cung cấp khẩn cấp cho Ukraine một khẩu đội Patriot.
Tuy nhiên các quốc gia NATO còn lại cho đến nay vẫn tránh cung cấp thêm các hệ thống phòng không cho Ukraine. Theo Ngoại trưởng nước này Dmytro Kuleba, Kiev hiện đang đàm phán để nhận thêm 4 khẩu đội Patriot mà các đối tác phương Tây đang sở hữu.