Bí quyết tự học của nam sinh nghèo lọt top 10 thí sinh có điểm THPT cao nhất xứ Thanh

GD&TĐ - Những nỗi nhọc nhằn của cha mẹ giữa đồng cói nắng chói đã khiến cho cậu học trò nghèo Phạm Đình Minh, lớp 12 B1, Trường THPT Quảng Xương 2 (Thanh Hóa) càng thêm quyết tâm phải đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia. 

Cậu học trò Phạm Đình Minh.
Cậu học trò Phạm Đình Minh.

Minh là một trong những thí sinh có điểm xét tuyển vào đại học trong top 10 của tỉnh với tổng điểm 28,5 điểm (Toán 9,8, Lý 9,5, Hóa 8,75).

Món quà ngọt ngào dành tặng cha mẹ

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, Minh cho biết: Em là con út trong gia đình có 4 chị em tại xã Quảng Vọng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đều làm nông, ngoài thời gian đi học ở trường, về nhà Minh theo bố mẹ ra đồng làm cói.

Lớn lên trong gia đình nghèo khó, Minh luôn có ý thức vươn lên trong học tập.

Hàng ngày, hầu hết các bạn trong lớp đến trường bằng xe đạp điện thì Minh vẫn lóc cóc đến trường bằng chiếc xa đạp cà tàng. Thế nhưng, Minh chưa bao giờ đi học muộn. Thành quả bước đầu chính là ước nguyện của em, nhưng cũng là món quà ngọt ngào nhất mà Minh dành cho cha mẹ.

Chiếc xe đạp hàng ngày cùng em đến trường.
Chiếc xe đạp hàng ngày cùng em đến trường.

Minh tâm sự: Bố mẹ làm việc vất vả nên em phải cố gắng học tập để đền đáp công ơn sinh thành. Hơn thế nữa, em sinh ra ở vùng đất nông thôn, ruộng lúa nên em nghĩ chỉ có học mới cho tương lai em và gia đình được tốt hơn.

Khi hỏi về việc học, Minh cho biết, trong 3 môn, em thích nhất là môn Vật lý. Đây là môn học có nhiều ứng dụng trong cuộc sống.

Với niềm đam mê ấy, trong cuộc thi chọn học sinh giỏi tỉnh, Minh đạt giải 3 và trở thành nơi gửi gắm nhiều kì vọng của thầy cô giáo.

Hiểu hoàn cảnh của Minh, các thầy cô giáo trong trường luôn tạo cho em điều kiện tốt nhất để em học tập. Đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm Mai Thị Hiếu, cũng là cô giáo dạy Vật lý. Cô như người bạn, luôn động viên, định hướng và chia sẻ với em trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Nỗ lực vượt lên hoàn cảnh

Chia sẻ về phương pháp học tập, Minh cho hay, em không học thêm bên ngoài, cũng không học online. Em chỉ bám sát bài học của sách giáo khoa và khái quát kiến thức theo hệ thống.

Năm lớp 11, em bắt đầu tập trung ôn luyện. Đầu tiên em đọc cẩn thận sách giáo khoa lớp 11 và 12 cả ba môn Toán, lý, Hóa, thực hành từ những bài toán cơ bản trong sách giáo khoa và sách bài tập thật chắc rồi mới đọc thêm một số sách để luyện dạng bài tập nâng cao hơn.

Khi có kiến thức nền vững, em mới bắt đầu luyện đề. Dưới sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô, em đã xác định cho mình một phương pháp ôn luyện rất cụ thể: Tự căn thời gian làm đề, đối chiếu đáp án để tự chấm điểm một cách nghiêm túc.

Những vấn đề hay sai sót em ghi chú lại vào một quyển sổ nhỏ và đọc đi đọc lại thường xuyên, trong đó em còn lưu ý những phương pháp tiếp cận bài toán và những kinh nghiệm khi luyện đề để có phương pháp điều chỉnh.

Ngôi nhà của gia đình em Phạm Đình Minh.
Ngôi nhà của gia đình em Phạm Đình Minh.

Cô giáo Mai Thị Hiếu rất mừng khi hay tin Minh đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia. Nhưng cô cũng không quá bất ngờ bởi theo cô, Minh nắm kiến thức rất vững.

Trên lớp, em là học sinh ngoan, cần cù, chăm chỉ. Em có tố chất rất thông minh lại hiền lành, chăm ngoan nên được bạn bè và thầy cô rất quý mến. Thành quả của em cũng là sự nỗ lực rất lớn của cậu học trò biết vượt lên hoàn cảnh.

Cô Hiếu tâm sự, mỗi lần đến nhà Minh, nhìn căn nhà tềnh toàng chỉ có mỗi bộ bàn ghế gỗ đơn sơ, cô Hiếu luôn cầu mong cho ước mơ bay cao bay xa của em thành hiện thực.

Với Minh, con đường phía trước còn rất nhiều gian khó. Ước mơ trở thành kỹ sư máy tính tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đang rộng mở. Hi vọng với sự nỗ lực, cần cù, cậu học trò nghèo sẽ thực hiện được điều ước và thành công trên những chặng đường tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...