Trẻ thiếu tự tin khi không dùng khẩu trang

GD&TĐ - Các chuyên gia gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên có dấu hiệu “lệ thuộc khẩu trang”.

Nhiều học sinh chia sẻ các em sẽ đeo khẩu trang suốt trong thời gian đến trường, trừ lúc ăn uống. Ảnh minh họa
Nhiều học sinh chia sẻ các em sẽ đeo khẩu trang suốt trong thời gian đến trường, trừ lúc ăn uống. Ảnh minh họa

Đeo khẩu trang để che giấu

Trong thời kỳ đại dịch, khẩu trang đã trở thành đồng minh quan trọng. Những chiếc khẩu trang trong thời “bình thường mới” không còn là thứ bắt buộc ở nhiều nơi trên thế giới và đang dần trở nên ít phổ biến hơn trong cuộc sống hàng ngày. Đây là tin vui nhưng đối với nhiều người, “bình thường mới” lại là vấn đề. Đặc biệt là sự lo lắng ở những người mà việc đeo khẩu trang mang lại cho họ cảm giác an toàn nhất định.

Bên cạnh nỗi lo về vẻ ngoài, người trẻ ngại cởi bỏ khẩu trang vì không muốn để lộ cảm xúc thật. Ẩn mình sau lớp vải đó, họ dễ dàng bày tỏ sự “bằng mặt nhưng không bằng lòng” với các vấn đề đang diễn ra. Ngoài ra, một số chuyên gia tin rằng sự lo lắng có thể tăng lên vì mọi người cảm thấy không thoải mái khi tiếp xúc với những người không đeo khẩu trang.

Ở Việt Nam, khi đại dịch đã được kiểm soát chặt chẽ và đẩy lùi, học sinh không yêu cầu phải đeo khẩu trang, thế nhưng lạ là phần lớn các em vẫn giữ thói quen này khiến lớp học khó nhận diện được khuôn mặt của nhau.

Cô Nguyễn Thu Hương - giáo viên một trường THPT của quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, cả lớp có 45 bạn thì 40 bạn ngày nào cũng sử dụng khẩu trang. Trong giờ học, giờ ra chơi, nói chuyện với bạn bè… các em đều bịt kín mít, trừ giờ ăn. Khi ăn xong lại vội vàng tìm khẩu trang để đeo như vật bất ly thân. Điều này sẽ tốt nếu đó là ý thức để phòng chống dịch bệnh nhưng nằm ngoài lý do đó thì cũng là yếu tố khiến cản trở sự giao tiếp xã hội.

Cô Hương chia sẻ: “Thậm chí có những em đeo khẩu trang đến mức đỏ cả tai nhưng chúng đã quen với việc đó và không có ý định từ bỏ. Tôi cũng lo lắng về việc trẻ em sẽ có khả năng nhận diện khuôn mặt kém nếu tiếp tục đeo khẩu trang”.

Nhiều học sinh cho biết các em không có ý định tháo khẩu trang ngay cả khi đại dịch kết thúc.

Em Nguyễn Phương Thuỳ, Trường THPT Xuân Đỉnh (Hà Nội) cho hay, trước đây em không thích đeo khẩu trang nhưng thói quen này hình thành từ những năm có dịch Covid-19. Sau đó, thành thói quen không ai muốn bỏ ra để lộ khuôn mặt nữa. Phần vì đeo khẩu trang cảm thấy an toàn khi thể hiện cảm xúc vui, buồn, cười, khóc cũng không ngại xấu hổ, bị mụn hay chẳng may xuất hiện đặc điểm gì đó không đẹp trên khuôn mặt cũng không ái ngại.

Đồng quan điểm, Lê Trường Sơn, học sinh lớp 10 Trường THPT Trương Định (Hà Nội) cho rằng, đeo khẩu trang khiến em cảm thấy tự tin hơn. Nhờ có lớp khẩu trang, em thoải mái bày tỏ quan điểm mà không cảm thấy ngại ngùng. Do đó, dù dịch đã qua nhưng em không có ý định tháo ra chỉ để thông thoáng, dễ chịu hơn.

Giới trẻ hiện còn có thuật ngữ “thời trang khẩu trang”, chỉ những người sử dụng khẩu trang không vì mục đích sức khỏe mà liên quan nhiều hơn đến vẻ ngoài. Thậm chí, nhiều học sinh hiện nay việc cởi khẩu trang trước mặt người khác khiến các em cảm thấy xấu hổ.

Còn đối với Lê Thuỳ Dương (học sinh lớp 10) thì điều này khiến em không mất thời gian trang điểm khi đến trường. Cô gái này cho biết, trước đây em thường phải dưỡng da, đánh son nhẹ nhàng… khi đi học nhưng giờ tất cả những công đoạn đó không cần nữa nhờ đeo khẩu trang.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng về mặt cảm xúc

Đeo khẩu trang mang lại nhiều bất tiện như khó thở, nóng bức, khó cảm nhận được cảm xúc của người khác hay thậm chí bị giáo viên phê bình vì nói nhỏ do khẩu trang hạn chế khi phát biểu. Tuy nhiên, việc đó không lớn bằng thói quen đã có khẩu trang trên mặt, lo sợ có thể truyền bệnh cho người khác, thậm chí xấu hổ về ngoại hình của mình, bị soi xét vì biểu cảm khuôn mặt…. đã khiến nhiều em không muốn xa rời vật dụng này.

Theo cô Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hà Nội), một số trẻ e ngại rằng nếu tháo khẩu trang, chúng sẽ bị gọi là xấu xí hoặc có thể khiến mọi người thất vọng. Có những trường hợp lo lắng đến mức từ chối ăn trưa ở trường.

“Chúng ta cần nhận ra rằng có một số trẻ em cảm thấy an toàn trong lớp học vì chúng đeo khẩu trang. Nếu tự ý yêu cầu các em tháo khẩu trang, có thể các em sẽ bị tổn thương tâm lý, cảm thấy khó chịu và không đến trường nữa. Vì thế, để thay đổi điều này, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo rằng trẻ được chuẩn bị sẵn sàng về mặt cảm xúc để thay đổi khi tháo lớp khẩu trang xuống”, cô Hà nói.

Cô Hà cho biết, đôi khi việc đeo khẩu trang khiến các em ngày càng thu mình, thiếu tự tin, bị lệ thuộc. Chưa kể đến việc suốt ngày đeo như vậy cũng chưa hẳn mang lại lợi ích cho sức khoẻ. Do đó, nhà trường cần chung tay để giúp các em vượt qua lớp khẩu trang tuy mỏng manh nhưng lại là rào cản lớn trong giao tiếp trường học.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, nhà trường đang lên kế hoạch để “lôi kéo” các em tham gia các hoạt động ngoại khoá mang tính nhận diện nhau. Điều này dần dần giúp các em làm quen, sau đó hình thành thói quen mới trong điều kiện bình thường mới.

“Mặc dù khẩu trang là yếu tố để bảo vệ con người khỏi dịch bệnh, nó cũng là công cụ khiến con người xa cách. Bỏ khẩu trang và nhìn thấy khuôn mặt của đối phương là cách giúp chúng ta điều chỉnh cảm xúc và làm chủ chính mình. Chúng tôi sẽ triển khai theo từng lớp, từng tổ nhóm rồi mới nhân rộng ra toàn trường. Như vậy, học sinh sẽ không cảm thấy bị áp lực tâm lý khi phải tháo bỏ lớp che mặt trong suốt thời gian dài”, cô Hà chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.