Tự tin giúp trẻ trưởng thành

GD&TĐ - Làm sao để trẻ luôn tự tin trong cuộc sống? Việc giúp cho con có phương pháp học tập hợp lý, khoa học cũng như rèn các con có nền nếp sinh hoạt tích cực sẽ tạo cho trẻ có lối sống lành mạnh. Khi các con có đủ sự tự tin chúng sẽ biết biến ước mơ thành hiện thực trên con đường trưởng thành của mình.

Tự tin giúp trẻ trưởng thành

Trẻ thiếu tự tin dễ rơi vào trầm cảm

Con số thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính năm 2015 Việt Nam có khoảng 3,6 triệu người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4% dân số. Trên thực tế số lượng trẻ bị rối loạn tâm lý cũng gia tăng.

Nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân gây trầm cảm cũng rất đa dạng. Nhiều trường hợp học sinh, sinh viên do áp lực thành tích học hành từ phía gia đình khiến bản thân luôn cảm thấy yếu kém, lo lắng, mất ngủ triền miên, hay cáu gắt giận dữ, lâu dần dẫn đến trầm cảm.

Tình trạng trầm cảm xảy ra ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới. Trong đó có ba nhóm tuổi tỉ lệ mắc trầm cảm cao hơn là học sinh và thanh thiếu niên, phụ nữ trước và sau sinh, người cao tuổi.

Người bị trầm cảm thường có biểu hiện buồn chán kéo dài, mệt mỏi, không còn thích thú với các hoạt động thường thích làm, không có khả năng thực hiện công việc hằng ngày, thời gian kéo dài từ hai tuần trở lên.

Trao đổi về điều này, thầy Trần Minh Trọng, Chủ nhiệm CLB Dạy con nên người chia sẻ: “Tiếp xúc với nhiều học sinh, sinh viên, tôi thấy có một nguyên nhân rất cốt lõi khiến các em chán nản và có những hành vi tự hủy hoại bản thân: Các em cảm thấy tự ti, không còn niềm tin vào chính mình và những người xung quanh.

Trẻ tự ti thường do những xung đột của cha mẹ trong gia đình hoặc do chính phương pháp giáo dục từ cha mẹ hoặc nhà trường.

Bởi vậy để giảm thiểu và ngăn ngừa chứng bệnh trầm cảm đối với trẻ, cha mẹ cần tạo môi trường sống thân thiện trong gia đình. Bên cạnh đó phụ huynh cần chú ý hướng dẫn trẻ các kỹ năng để thích ứng trong cuộc sống”.

Tạo điều kiện cho trẻ thực hiện điều mình muốn

Cha mẹ có thể trang bị cho con đầy đủ về vật chất. Nhưng việc nuôi dưỡng ước mơ và hiện thực hóa bằng sự tự tin của các con không phải là điều dễ dàng. Chị Trần Thu Lan công tác tại Siêu thị Điện máy Trần Anh (Hà Nội) tâm sự:

Nhiều khi chị không biết làm thế nào để con mình mạnh dạn tự tin. Con chị thường hay xấu hổ, mất bình tĩnh khi phải trình bày một điều gì đó trước mọi người. Lúc đầu chị cũng nghĩ dần dần khi lớn con sẽ thay đổi. Tuy nhiên năm nay đã bước sang tuổi thứ 14 vậy mà cháu vẫn sống khép kín, vì vậy việc giao tiếp bạn bè rất hạn chế. Chị luôn lo sợ điều này ảnh hưởng tới việc học tập cũng như sự phát triển toàn diện của con.

Cô giáo Nguyễn Thị Nha Trang và nhóm HS của Trường THPT Nguyễn Thái Học (Vĩnh Phúc) trong quá trình nghiên cứu về tâm sinh lý của tuổi vị thành niên (VTN) cũng đã đưa ra những chia sẻ:

Sự thay đổi về thể chất ở lứa tuổi học sinh THCS đã làm cho các em có những đặc điểm nhân cách khác với các em ở lứa tuổi trước. Lứa tuổi này là lứa tuổi có nghị lực dồi dào, có tính tích cực cao, có nhiều dự định lớn lao.

Tuy nhiên sự không cân bằng trong phát triển tâm sinh lý dễ dẫn đến những trạng thái tâm lý thất thường e dè, khép kín, tự ti, nhút nhát đến hung hăng, dễ bị kích động. Những luồng thông tin có tính chất tiêu cực chưa được kiểm soát rất dễ gây ra những hiện tượng rối loạn và khủng hoảng cho các em.

Khi trẻ VTN bắt đầu làm quen với những thay đổi về môi trường học tập vui chơi như trường học, thầy cô, bạn bè, các mối quan hệ xã hội của các em được thiết lập đa dạng và nhiều chiều hướng hơn.

Áp lực học tập cũng nhiều hơn so với tuổi THCS. Một số em gặp cú sốc tâm lý đầu tiên là thất bại trong kì thi vào THPT không như mong muốn đã luôn có xu hướng tự đổ lỗi và dày vò bản thân. Thậm chí có những em rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc dùng những vật sắc nhọn gây tổn thương chính cơ thể mình.

Để giảm thiểu những hành vi tiêu cực giúp các em xác định được mục tiêu phương hướng học tập của mình, thầy Trần Minh Trọng, Chủ nhiệm CLB Dạy con nên người cho rằng: Sự tự tin chính là món quà quý giá nhất mà cha mẹ và nhà trường trao tặng cho con trẻ. Khi có niềm tin vào bản thân, trẻ sẽ can đảm vượt qua những khó khăn trong cuộc sống…

Cha mẹ, thầy cô có thể trao sự công nhận cho trẻ bằng việc dành thời gian lắng nghe chân thành, khuyến khích trẻ nói thật những điều trẻ suy nghĩ dù có khác biệt với người lớn, tạo điều kiện cho trẻ thực hiện những ước mơ đơn giản như: Làm một thí nghiệm khoa học, hay thực hiện một điều gì đó theo cách của riêng mình. Bên cạnh việc học những môn học chính khóa, năng khiếu, trẻ có thể cảm thấy rất thích thú khi được hướng dẫn từng bước và làm những công việc cần thiết cho cuộc sống như rửa chén, nấu ăn, đi xe đạp, thuyết trình trước mọi người…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ