Trẻ ngày nay ít cảm nhận được giá trị của Tết

"Thời bé, ngày Tết rất vui, nhiều sự kiện, bây giờ thấy Tết của con đơn giản quá. Không biết sau này lớn con có nhớ Tết như mình không?", chị Thanh Giang (Hoàng Mai, Hà Nội) băn khoăn.

Trẻ em ngày nay ít cảm nhận được sự thiêng liêng của ngày Tết. Ảnh: Kim Kim
Trẻ em ngày nay ít cảm nhận được sự thiêng liêng của ngày Tết. Ảnh: Kim Kim

Ngày chị Giang còn nhỏ, Tết nào bố mẹ cũng nấu thịt đông, gói giò xào, bánh chưng. Con cái ai cũng phải tham gia, có khi việc chỉ đơn giản như rửa và lau lá chuối. Bây giờ tất cả những món ăn ngày Tết, chị đều đặt người làm sẵn. 

Từ ngày chị lên Hà Nội học rồi lấy chồng, việc xông đất ngày Tết chẳng mấy khi quan tâm vì là nhà trọ, đến khi vợ chồng mua được nhà riêng thì Tết cũng ít khi ở nhà. Năm thì gia đình về quê, năm thì đi du lịch.

Và biết bao phong tục ngày Tết chị Giang cũng chẳng để ý, chỉ mong Tết được ngủ vùi trong chăn, dưỡng sức sau một năm làm việc vất vả. 

Chồng chị thì chỉ khoái tụ tập bạn bè uống bia rượu. Hai đứa con ngày Tết được xem đĩa và chơi điện tử thoải mái, khỏi làm phiền bố mẹ. Đôi lúc chị cũng thấy thương con khi không thể cho chúng cái cảm giác ngày Tết như chị đã trải qua thời thơ ấu.

Nói chuyện với các bậc phụ huynh của Hội quán các bà mẹ, giáo sư tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền thấy tiếc khi trong quan niệm của nhiều người, đặc biệt những người sống ở đô thị, Tết Nguyên đán giờ đây chỉ là một kỳ nghỉ lễ dài ngày sau một năm lao động vất vả. 

Bản thân cha mẹ không hiểu được giá trị thiêng liêng của ngày Tết, và cũng quên dạy cho trẻ hiểu ngày Tết để làm gì. Đây chính là thiệt thòi của trẻ nhỏ ngày nay. Theo ông, nếu được truyền những giá trị thiêng liêng, trẻ sau này sẽ ngoan và trưởng thành hơn.

Giáo sư cho rằng dân tộc ta có ba ngày rất quan trọng là lễ (mang tính thiêng liêng), hội (mang tính vui vẻ) và Tết (có ý nghĩa kết nối trời đất với con người, con người với con người, đặc biệt kết nối những thành viên trong gia đình với nhau). 

Chỉ Tết Nguyên đán mới là ngày tết thực sự, còn những ngày tết nhỏ như Hàn Thực, Trung Thu chỉ là tết dành riêng cho một số người. Tết Nguyên đán cũng là ngày để kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Theo giáo sư, Tết vui nhưng phải thiêng liêng, cha mẹ phải truyền được cho trẻ cảm xúc thiêng liêng. Có thể còn bé, trẻ sẽ không hiểu được lý do cũng như ý nghĩa của các sự việc, nhưng những cảm xúc linh thiêng của ngày Tết sẽ còn theo mãi trẻ đến tận lúc trưởng thành. Truyền cho con ký ức, truyền cho con giá trị linh thiêng chính là bạn đã truyền cho con một giá trị vĩnh cửu.

Giáo sư cũng nêu lên một vài phong tục để giúp trẻ cảm nhận được giá trị thiêng liêng của ngày Tết. 

Theo truyền thống, Tết Nguyên đán được chuẩn bị từ rằm tháng chạp âm lịch. Tối 14 tháng chạp, các gia đình cúng gốc đào, gốc mai để ngày 15 bứt lá, chờ cây ra hoa đúng vào mồng một Tết. Rằm tháng chạp, các gia đình thắp hương, cúng cơm cho ông bà tổ tiên. Khi cúng, cha mẹ phải truyền được cho con trẻ cảm giác về sự nghiêm trang.

Vào ngày 23 tháng chạp, buổi trưa, các gia đình cúng tiễn ông Táo về trời. Tối 23, người ta bắt đầu lau dọn ban thờ rồi thắp 3 nén hương thay lời mời ông bà về ăn Tết. Sau khi ông Táo đi, ngôi nhà trở thành không gian riêng tư hoàn toàn của gia đình. 

Thời gian từ ngày 24 đến 30 tháng chạp được coi là thời gian chính chủ trong năm. Các gia đình bắt đầu dựng cây nêu trước cửa nhà để ngăn không cho ma quỷ vào nhà.

Giao thừa là thời khắc ông bà chính thức về ra mắt con cháu. Vì thế, trong thời điểm này không ai trong gia đình được ngủ. Bố mẹ có thể cho bé ngủ từ 6-7h tối để đến 23h thì đánh thức em bé dậy. Đó chính là đêm duy nhất trong năm bé được ngủ một giấc kỳ lạ như thế. Cảm xúc sẽ thấm mãi trong lòng em bé dù chưa thực sự hiểu gì.

Giao thừa, con cháu sẽ đi chào các cụ, các ông bà trong nhà. Khi chào, phải khoanh tay và cúi đầu, chào lần lượt từ người bậc cao nhất. Nếu là cụ, phải cúi đầu chào năm lần; bậc ông bà phải cúi chào ba lần; cha mẹ phải cúi chào một lần. Tất cả những lần cúi chào đều là số lẻ bởi theo quan niệm người xưa, số lẻ tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, còn số chẵn là số tử.

Sau giao thừa, cha mẹ phải dặn con không được chạy ra khỏi cửa, chỉ khi ông bà, cha mẹ đi ra ngoài trước rồi thì em bé sẽ được đi ra. Bởi theo tâm linh, nếu em bé chạy ra ngoài đầu tiên trong gia đình thì sau này bé sẽ dễ đi lang thang.

Theo phong tục, ngày mồng 1 là ngày lễ cha, cha mẹ hãy đưa con đi thăm họ hàng bên nội, cho con biết bên nội gồm những ai. Mồng 2 là ngày lễ mẹ, cha mẹ hãy đưa con đi thăm họ hàng bên ngoại. Mồng 3 là lễ thầy, nếu con đang học mẫu giáo, cha mẹ hãy xin địa chỉ của cô giáo thân nhất với bé và ngày mồng 3 đưa bé đến. Mồng 4 là ngày đi hội, cho trẻ đến các khu vui chơi, nếu để bé đi hội ngay ngày mồng 1 là không đúng phong tục. Mồng 5 là ngày đi lễ chùa. Mồng 6 là ngày chuẩn bị cho công việc trong năm mới. Mồng 7, buổi trưa cúng cơm tiễn ông bà đi, buổi tối cúng đón ông Táo về.

Cha mẹ ngày nay thường sai lầm khi chỉ cho con tiền bạc và quần áo đẹp mà quên mất việc cho con ký ức và cảm xúc ngày Tết. Giáo sư cảnh báo, nếu chỉ cho con vật chất, cha mẹ sẽ mất con trong tương lai. Quần áo đẹp chỉ nên là một trong những sự chuẩn bị cho ngày Tết của trẻ. 

Để làm giàu ký ức về ngày Tết của trẻ, cha mẹ nên cho trẻ cùng tham gia làm việc nhà đón Tết, cho bé cùng gói bánh chưng, cùng tỉa cây, thu dọn nhà cửa, đừng bao giờ đẩy con ra ngoài cuộc.

Xã hội ngày nay thay đổi, rất nhiều hoạt động trong dịp Tết khiến con người ta dễ bị phân tán. Bản thân người lớn cũng cần phải làm gương cho trẻ. Cha mẹ là những người phải tôn trọng tôn ti trật tự, tôn trọng ông bà linh thiêng đầu tiên. 

Hãy lên lịch cho em bé để em bé biết trước ngày nào làm gì, ngày nào được đi chơi và cả gia đình phải tuân thủ nghiêm túc.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ