Trẻ nên ăn gì khi bị tiêu chảy?

GD&TĐ - Tiêu chảy gây nên hậu quả như suy dinh dưỡng, nếu nặng có thể dẫn đến tử vong.

Trẻ nên được ăn nhiều bữa nhỏ.
Trẻ nên được ăn nhiều bữa nhỏ.

Ngoài việc đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị thích hợp, chế độ dinh dưỡng cũng được cho là vô cùng quan trọng.

Tránh suy dinh dưỡng

Tiêu chảy là bệnh hay gặp ở trẻ em nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân gây tiêu chảy là do nhiễm khuẩn virus (Rotavirus…), vi khuẩn (E.Coli, Shigella, Campylobacter Jejuni, Samonella, phẩy khuẩn tả…), ký sinh trùng (Amip, L.Giardia).

Bệnh tiêu chảy ở trẻ em là khi trẻ nhũ nhi có số lần đi ngoài nhiều gấp 2 lần bình thường. Trong khi đó, trẻ lớn hơn có thể đi ngoài trên 3 lần/ngày và phân lỏng, hoặc toàn nước. Bệnh tiêu chảy được chia thành 3 loại chính đó là: Tiêu chảy cấp; Tiêu chảy kéo dài; Tiêu chảy xâm lấn có nhầy máu.

Theo các chuyên gia, quá trình chăm sóc cùng chế độ ăn uống đối với trẻ là vô cùng quan trọng, góp phần giúp tăng cường sức khỏe cho bé. Chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng sẽ giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh và thuận lợi hơn.

Khi bị tiêu chảy, trẻ thường mệt mỏi, ăn ít, biếng ăn. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến trẻ bị sụt cân, dễ suy dinh dưỡng. Do cơ thể trẻ thải ra quá nhiều nước nên cần uống để bù lại. Nếu không đủ lượng nước cần thiết, cơ thể có thể bị khô và dẫn đến bệnh khác.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiêu chảy để phòng tránh gồm: Tuổi hay gặp (từ 6 - 11 tháng tuổi bắt đầu tập ăn dặm); bé bị suy dinh dưỡng; suy giảm miễn dịch. Ngoài ra, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa nên trẻ dễ bị mắc bệnh tiêu chảy do vi khuẩn.

Đặc biệt, rotavirus hay hoành hành vào mùa khô lạnh. Trẻ cũng có thể tiêu chảy do thói quen không tốt như: Bú chai, ăn dặm không đúng cách, nước ô nhiễm, không rửa tay khi dọn phân, khi chế biến thức ăn, xử lý phân không hợp vệ sinh.

Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh (Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec) cho biết, trẻ bị tiêu chảy khiến cơ thể mất nhiều dinh dưỡng. Từ đó, dẫn đến xuất hiện những biến chứng nguy hiểm như mất nước và suy dinh dưỡng. Để giúp trẻ phục hồi nhanh sau tiêu chảy và tránh suy dinh dưỡng, cần cho bé ăn uống đầy đủ và khoa học.

Vì vậy, việc duy trì chế độ ăn thích hợp là vô cùng quan trọng. Khi bị tiêu chảy, trẻ thường biếng ăn. Do đó, các phụ huynh cần hết sức kiên nhẫn. Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gạo (bột gạo), khoai tây, thịt gà nạc, thịt lợn nạc, cá nạc, sữa đậu nành, sữa chua, dầu thực vật. Ngoài ra, trẻ cũng có thể ăn cà rốt, hồng xiêm, chuối, hoặc thực phẩm chế biến dưới dạng cháo, súp.

Lưu ý, cha mẹ cần cho trẻ uống nước khi bé muốn. Đồng thời, tiếp tục bù dịch bằng đường uống đến khi hết tiêu chảy. Cha mẹ không nên cho trẻ uống bằng bình. Thay vào đó, cần sử dụng thìa, cứ 1 - 2 phút uống 1 thìa. Trẻ lớn hơn cho uống bằng cốc, từng ngụm một. Không nên cho trẻ uống quá nhanh. Nếu trẻ bị nôn, cần ngừng cho uống trong 10 phút. Sau đó, tiếp tục cho uống chậm hơn, 2 - 3 phút/1 thìa.

“Dung dịch bù nước thông dụng là dung dịch ORS (Oresol). Pha 1 gói ORS với 1 lít nước sôi để nguội (không nên pha 1⁄2 gói với 1⁄2 lít nước). Dung dịch bù nước pha quá 12 giờ thì phải bỏ đi và pha dung dịch mới. Nếu trẻ còn bú mẹ, phải tiếp tục cho trẻ bú vì sữa mẹ là nguồn thực phẩm vô cùng quý giá. Nếu trẻ bú sữa ngoài, vẫn tiếp tục cho bú bình thường”, bác sĩ Thanh lưu ý.

Trong khi đó, với trẻ trên 6 tháng tuổi, cha mẹ có thể cho trẻ ăn thêm dầu mỡ, thức ăn mềm. Lưu ý, cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm. Đồng thời, ăn thêm các loại quả chín hoặc nước quả như chuối, cam, chanh, xoài, nước dừa, đu đủ... để tăng lượng kali.

Trẻ nhỏ ăn 6 lần/ngày

Trẻ bị tiêu chảy không nên kiêng ăn.

Trẻ bị tiêu chảy không nên kiêng ăn.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Thanh, có một số loại thực phẩm và đồ uống trẻ bị tiêu chảy cần tránh. Cụ thể, cha mẹ không nên cho trẻ uống các loại nước giải khát công nghiệp. Đồng thời, tránh các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như các loại rau thô. Không dùng các loại thức ăn có nhiều đường. Sau khi khỏi tiêu chảy, cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa nữa trong 2 tuần liền để giúp cho trẻ nhanh phục hồi và không bị suy dinh dưỡng.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, mặc dù trong thời gian bị tiêu chảy cấp, quá trình hấp thu thức ăn có giảm hơn bình thường. Tuy nhiên, lượng hấp thu qua ruột vẫn được khoảng 60%. Do vậy, trong suốt quá trình tiêu chảy, trẻ cần được cho ăn đủ khẩu phần.

Phụ huynh không nên bắt trẻ nhịn, kiêng khem. Như vậy, trọng lượng cơ thể sẽ tiếp tục tăng với tốc độ gần như bình thường. Nếu không ăn đủ khẩu phần, trẻ sẽ bị sụt cân, dẫn đến suy dinh dưỡng. Tùy theo lứa tuổi và chế độ ăn của trẻ trước khi bị tiêu chảy để sử dụng chế độ ăn thích hợp.

Trong trường hợp trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, nếu không có sữa mẹ, phụ huynh có thể cho bé ăn sữa bò hoặc sữa bột công thức. Tuy nhiên, phải pha loãng 1/2 trong vòng 2 ngày.

Viện Dinh dưỡng quốc gia lưu ý, ngoài sữa mẹ và sữa thay thế như trên, cần cho trẻ ăn thêm nhiều lần và từng ít một các thức ăn giàu chất dinh dưỡng như: Thịt nạc, cá nạc, trứng, sữa... và cho thêm một ít dầu, mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần.

Thức ăn cần mềm, nấu kĩ, nấu loãng hơn bình thường. Nếu phải cho trẻ ăn những thực phẩm đã nấu sẵn, cần đun lại trước khi cho ăn. Ngoài ra, phụ huynh cần khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt. Trẻ nhỏ nên được cho ăn 6 lần/ngày hoặc nhiều hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.