Trẻ em trở thành nạn nhân, mặt trái của mạng xã hội

GD&TĐ - Thế giới mạng mang đến nhiều điều kỳ thú, giúp trẻ kết bạn, học hỏi cũng như được hiện thực hóa bản sắc của riêng mình.

Cha mẹ nên đồng hành cùng con sử dụng mạng xã hội. Ảnh: Thu Hằng
Cha mẹ nên đồng hành cùng con sử dụng mạng xã hội. Ảnh: Thu Hằng

Thế nhưng nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng thế giới mạng thực hiện những hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật và trẻ em dễ dàng trở thành nạn nhân.

Dùng mạng xã hội để tiếp cận trẻ em

Lang thang trên Facebook, Nguyễn Hữu Khanh (24 tuổi, Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) làm quen với em N.T.M.T. (14 tuổi). Sau thời gian làm quen, Khanh đã dụ dỗ em T. khỏa thân qua camera và lợi dụng chụp màn hình. Sau đó Khanh đòi quan hệ tình dục và đòi tiền em T. Khanh đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai phạt 12 năm tù vì tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

Một trường hợp khác, một trẻ gái 11 tuổi ở tỉnh Bắc Ninh sử dụng tài khoản Zalo của phụ huynh để lên mạng Internet và bị xâm hại tình dục sau khi kẻ xấu tiếp cận, dụ dỗ.

Theo Thượng tá Khổng Ngọc Oanh - Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, để tiếp cận và nắm tâm lý trẻ, đối tượng sẽ thu thập thông tin cá nhân trên mạng xã hội, hoặc lợi dụng sự quen biết thông qua bạn bè trên Facebook, hội nhóm. Sau đó, tội phạm sẽ tạo hình tượng dễ gần, thân thiện, chu đáo với những thông tin giả về tên, tuổi, hình ảnh, nghề nghiệp.

Sau thời gian trò chuyện về sở thích, học hành, kẻ xấu dụ dỗ trẻ chụp hoặc quay bộ phận nhạy cảm để từ đó phát tán, mua bán hoặc ép buộc trẻ phải cho quan hệ tình dục. Ngoài ra, các đối tượng xấu tìm đủ mọi thủ đoạn để thu hút trẻ như lập các hội nhóm trên mạng, làm quen qua game online, lập phòng chat ảo...

Tại Việt Nam, chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng theo một khảo sát của Bộ Công an, từ năm 2010 – 2018, lực lượng cảnh sát hình sự đã phát hiện 319 vụ với 337 đối tượng lợi dụng mạng xã hội để xâm hại tình dục trẻ em; trong đó, có 33 đối tượng là người nước ngoài, hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Không chỉ có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm, trẻ khi sử dụng mạng Internet cũng vô tình bị tiêm nhiễm thông tin độc hại, mê tín dị đoan như trường hợp kênh YouTube Timmy TV.

Kênh YouTube này đã bị Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM buộc xóa vì có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn. Trước khi bị xóa, kênh có 777 nghìn lượt đăng ký, thu hút hơn 140 triệu lượt xem.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Chỉ 1/3 trẻ em được dạy về an toàn trên mạng

Theo phân tích của Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em, môi trường Internet có sức thu hút với trẻ vì trong thế giới mạng này, trẻ có thể được tự do, không bị ràng buộc bởi những luật lệ của gia đình, của trường lớp cũng như được thể hiện là chính mình.

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEP), 92% trẻ em Việt Nam có sử dụng thiết bị kết nối Internet, trong đó 89% trẻ lên mạng hàng ngày. Tuy vậy, trẻ chưa đủ kiến thức và kỹ năng để nhận biết các nguy hiểm cũng như cách xử lý để tự bảo vệ mình. Chỉ có khoảng 1/3 trẻ em được dạy, tập huấn về đảm bảo an toàn trên mạng.

Trong một khảo sát vào năm 2022 của UNICEF, trên 994 trẻ em Việt Nam có độ tuổi từ 12 đến 17, có đến 2% trẻ báo cáo tình trạng bị yêu cầu trò chuyện liên quan đến chủ đề tình dục khi bản thân không hề mong muốn; 1% bị yêu cầu chia sẻ clip, ảnh khỏa thân; 5% phải xem những hình ảnh nhạy cảm không mong muốn; 8% nhận được những bình luận khiếm nhã.

Trong năm 2022, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) cũng đã ghi nhận 1.500 cuộc gọi can thiệp hỗ trợ, trong đó có 419 cuộc gọi báo cáo về tình trạng trẻ bị xâm hại khi sử dụng mạng Internet. Trong số các cuộc gọi này, Cục Trẻ em đã 21 lần can thiệp để giúp đỡ trẻ. Còn trong 5 tháng đầu năm 2023, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em đã tiếp nhận 128 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó có 30 cuộc gọi liên quan xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.

Ngoài ra, khảo sát này cũng phát hiện tình trạng trẻ em đối mặt với những yêu cầu phải nộp tiền, quà để chuộc lại những hình ảnh, clip nhạy cảm hoặc bị đe dọa để ép phải thực hiện quan hệ tình dục.

Làm sao để bảo vệ trẻ?

Theo nhận định của Cục Cảnh sát hình sự, trong thời gian tới, các vụ xâm hại trẻ em sử dụng mạng xã hội rất phức tạp, khó kiểm soát, phát hiện. Vì vậy, Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo phụ huynh và trẻ em phải tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội, không dễ dãi kết bạn, làm quen; không nhận quà tặng từ những người mới quen qua mạng xã hội.

ThS Vũ Mạnh Tuấn – giảng viên khoa Cảnh sát hình sự, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 2 (TPHCM) cho biết, các đối tượng luôn tìm mọi cách có được thông tin của trẻ để dễ tiếp cận. Chẳng hạn, từ những hình ảnh của trẻ, thậm chí là từ những hình ảnh phụ huynh chụp lại giấy khen, áo đồng phục có tên học sinh, tên lớp. Vì vậy, phụ huynh cần cẩn trọng khi tung hình ảnh có liên quan đến thông tin cá nhân của con lên mạng xã hội.

Theo ThS tâm lý Hà Văn Phúc, Trung tâm Kỹ năng sống V-Life, sự tò mò của trẻ em về giới tính, tình dục, đặc biệt là khi trẻ đến tuổi dậy thì sẽ khiến các em dễ bị thu hút bởi các hội nhóm trên mạng xã hội. Những thông tin sai lệch, nhạy cảm, đồi trụy trên mạng xã hội cộng với sự thiếu quan tâm của cha mẹ, thiếu kỹ năng bảo vệ lại càng khiến các em có nguy cơ bị bắt nạt, bị xâm hại. Chính vì vậy, cha mẹ nên đồng hành cùng con lựa chọn các trang mạng phù hợp với độ tuổi, chủ động giải đáp các thắc mắc về giới tính khi con đến tuổi dậy thì.

“Có một xu hướng là để bảo vệ trẻ, nhiều phụ huynh lại không cho con sử dụng điện thoại, máy tính để sử dụng mạng xã hội. Nhưng trẻ em đang trong tuổi phát triển nên không thể không sử dụng mạng Internet để học hành, kết bạn. Vì vậy, bố mẹ nên đồng hành cùng con trên mạng xã hội; chủ động đưa ra các tình huống nguy hiểm khi con sử dụng mạng, cùng con thảo luận cách xử lý và cùng con giải quyết vấn đề. Từ đó, trẻ sẽ học được các kỹ năng tự bảo vệ trên mạng xã hội một cách rất nhẹ nhàng”, ThS Vũ Mạnh Tuấn nhấn mạnh.

Tổ chức quốc tế ChildFund Vietnam cũng đã đưa ra 6 nguyên tắc an toàn trẻ cần nhớ khi sử dụng Internet. Đó là tuân thủ nguyên tắc của gia đình và nhà cung cấp dịch vụ Internet; không bao giờ chia sẻ các hình ảnh mang tính riêng tư; không tiết lộ thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại, trường học, địa điểm hay lui tới; không gặp người chỉ quen trên mạng nếu không được cha mẹ, người giám hộ cho phép hoặc hỗ trợ; không trả lời những thông tin đe dọa; báo cho cha mẹ, hoặc người mà bạn tin tưởng nếu có thông tin nào đó làm cho bạn khó chịu.

Một nghiên cứu của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) chỉ ra rằng, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm. Khu vực châu Á có rủi ro xâm hại trẻ em trên mạng cao nhất với tỷ lệ lên đến 33%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ