Đa dạng hình thức phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học

GD&TĐ - Công tác phổ biến giáo dục pháp luật được trường học chú trọng triển khai với nhiều hình thức, cách làm phong phú...

Hội nghị hưởng ứng 10 năm Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam của huyện Kỳ Sơn và ký cam kết không tảo hôn, tổ chức tại Trường PTDTBT THCS Nậm Cắn. Ảnh: NTCC
Hội nghị hưởng ứng 10 năm Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam của huyện Kỳ Sơn và ký cam kết không tảo hôn, tổ chức tại Trường PTDTBT THCS Nậm Cắn. Ảnh: NTCC

Với khoảng 24 triệu người học, công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường là một trong những giải pháp căn cơ nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân.

Phong phú hình thức, đa dạng cách làm

Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được Trường THCS Thụy Trường (Thái Thụy, Thái Bình) đặc biệt chú trọng; thực hiện thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động, thiết thực, bám sát đặc điểm, điều kiện thực tế ở địa phương, phù hợp với tâm lý, nhận thức của học sinh.

Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hương, nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể trong từng tháng, theo từng chủ điểm và phân công các tổ chức, cá nhân trong trường thực hiện. Thường xuyên lồng ghép giáo dục pháp luật vào các môn học, như Giáo dục công dân, các tiết dạy kỹ năng sống, giáo dục Quốc phòng an ninh…; lồng ghép tuyên truyền vào tiết chào cờ, sinh hoạt lớp.

Trường cũng tích cực tổ chức hoạt động ngoại khóa… bằng các hình thức phong phú như thuyết trình, thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt theo chủ đề pháp luật, rung chuông vàng, sân khấu hóa... Đồng thời, phát động học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật vào hoạt động văn hóa, văn nghệ…

Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức cho cán bộ giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh ký các cam kết không vi phạm pháp luật. Tích cực phối hợp với Hải đoàn 11/Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 Ban Chỉ huy quân sự tỉnh, Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng Diêm Điền, công an và các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều nội dung, hình thức phong phú…

Nằm trên địa bàn vùng biên giới, việc phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật rất được Trường PTDTBT THCS Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) chú trọng. Chia sẻ của Hiệu trưởng Nguyễn Văn Sơn, nhà trường đã thành lập ban chỉ đạo tuyên truyền giáo dục pháp luật; thành lập các tổ tư vấn thực hiện tuyên truyền tại khu bán trú của nhà trường.

Cùng đó là tổ chức các hoạt động ngoại khóa tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh. Lồng ghép tuyên truyền giáo dục pháp luật trong các tiết học Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm, trong hoạt động chào cờ đầu tuần.

Công tác phối hợp với các cơ quan trong triển khai nhiệm vụ này được nhà trường thực hiện hiệu quả. Như phối hợp với UBND huyện tổ chức tuyên truyền, tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật; phối hợp với ban công an xã tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông, phòng chống tội phạm buôn bán người; phối hợp với Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn tuyên truyền Luật Biên giới, chủ quyền biển đảo quốc gia; phối hợp với Chi cục Hải quan tỉnh Nghệ An, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy trong trường học...

Theo ông Trịnh Ngọc Hải, Trưởng phòng GD&ĐT Than Uyên (Lai Châu) cho biết: Phòng GD&ĐT Than Uyên ban hành kế hoạch, văn bản hướng dẫn các đơn vị trường học thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; công tác quản lý, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục; thường xuyên chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trong toàn ngành.

Các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tuyên truyền nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật của đơn vị mình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương.

“Cơ quan Phòng GD&ĐT và 35 đơn vị trường có tủ sách pháp luật với hơn 3 nghìn đầu sách. Toàn bộ trường tiểu học, THCS có thư viện được vận hành thường xuyên, hiệu quả. Các trường tuyên truyền cán bộ, giáo viên, nhân viên tìm hiểu pháp luật qua tủ sách pháp luật, khuyến khích tìm hiểu sách pháp luật qua mạng Internet,... Ngoài ra, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, trực tiếp, nhà trường luôn tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia”, ông Trịnh Ngọc Hải chia sẻ thêm.

Phòng GD&ĐT thường xuyên kiểm tra công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại các trường, lồng ghép trong các cuộc kiểm tra thực hiện nhiệm vụ năm học. Đánh giá, rà soát các trường học trong công tác này để kịp thời chấn chỉnh. Qua kiểm tra, các trường, cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh đều tuân thủ nghiêm minh, có ý thức thượng tôn pháp luật, không có cán bộ, giáo viên, người lao động, học sinh vi phạp pháp luật.

Thông tin từ thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp), ngay đầu năm học, Sở GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường và thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục pháp luật. Trong đó, chú trọng huy động toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường tham gia thực hiện kế hoạch, chỉ đạo lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật vào kế hoạch giảng dạy các môn học một cách cụ thể và soạn tài liệu giảng dạy phù hợp.

Các đoàn thể trong trường là nòng cốt tổ chức hoạt động, các hội thi tìm hiểu pháp luật nhằm tăng tính sinh động, đa dạng hình thức triển khai. Phối hợp với công an, các ngành liên quan, đoàn thể ở địa phương đến tuyên truyền để đa dạng hình thức, tính thực tiễn.

Còn có nhiều khó khăn

Dù được tích cực thực hiện, nhưng vẫn còn khó khăn khi triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học. Từ thực tiễn Trường THPT Mỹ Quý, thầy Trần Văn Hân chia sẻ: Việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh thường chỉ tập trung vào đầu năm học, các đợt cao điểm, chưa thành hoạt động thường xuyên gắn với từng hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Trường THCS Thụy Trường (Thái Thụy) phối hợp với Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng Diêm Điền, Công an huyện tuyên truyền về An toàn giao thông, Nghị định 137. Ảnh: NTCC

Trường THCS Thụy Trường (Thái Thụy) phối hợp với Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng Diêm Điền, Công an huyện tuyên truyền về An toàn giao thông, Nghị định 137. Ảnh: NTCC

Lựa chọn nội dung tuyên truyền, giáo dục nhiều khi xuất phát từ chủ quan của nhà trường và công tác phối hợp các ngành, đoàn thể liên quan, chưa thật sự xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu, mong muốn của học sinh.

Nội dung giáo dục pháp luật chưa được cô đọng, hình thức triển khai còn khô cứng, dễ gây nhàm chán. Bản thân người được phân công tổ chức thực hiện giáo dục pháp luật cũng không có nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Các hoạt động, hội thi bổ trợ cho việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường thường chỉ thu hút một bộ phận học sinh tích cực tham gia.

Với đặc thù huyện miền núi khó khăn của Kỳ Sơn, thầy Phạm Viết Phúc, Trưởng phòng GD&ĐT chia sẻ, vì địa hình phức tạp nên công tác tuyên truyền của một số trường chưa được thường xuyên. Trình độ dân trí thấp nên vẫn còn hiện tượng bị kẻ xấu lợi dụng để nhờ vận chuyển hàng cấm. Đặc thù đồng bào dân tộc nên vẫn còn hiện tượng tảo hôn xảy ra với học sinh THCS…

Cũng thuộc địa bàn vùng khó, khó khăn được ông Trịnh Ngọc Hải chia sẻ với huyện Than Uyên là tài liệu tuyên truyền còn ít, chưa phong phú. Một số tuyên truyền viên kỹ năng chưa tốt. Phối hợp với các đoàn thể trong trường chưa được thường xuyên. Hình thức tổ chức hoạt động, phương pháp tuyên truyền chưa phong phú, linh hoạt, thu hút.

Công tác tuyên truyền đôi khi chưa thường xuyên do nhiều tuyên truyền viên làm kiêm nhiệm, ít thời gian nghiên cứu sâu tài liệu, cũng như thời gian cho công tác tuyên truyền. Một số trường hàng năm có sự thay đổi cán bộ phụ trách công tác này, ảnh hưởng đến hiệu quả tuyên truyền. Số lượng báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân hàng năm được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cần thiết để tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật chưa nhiều.

Cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Thuỵ Trường chia sẻ, một số cán bộ, giáo viên, phụ huynh còn nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của giáo dục pháp luật với học sinh; chủ quan, lơ là, tập trung vào dạy kiến thức mà chưa chú trọng giáo dục pháp luật, rèn kỹ năng sống cho các em.

Việc bố trí cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống chưa bảo đảm, còn phân tán; chưa có hợp đồng chuyên trách cho giáo viên làm tư vấn tâm lý tại trường. Bên cạnh đó, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, nội dung, thông tin trên các trang mạng chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc bảo vệ học sinh “an toàn trên không gian mạng” đang là thách thức lớn.

Ngoại khóa phòng chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục tại Trường THCS Thụy Trường. Ảnh: NTCC

Ngoại khóa phòng chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục tại Trường THCS Thụy Trường. Ảnh: NTCC

“Mưa dầm thấm lâu”

Trước khó khăn đã được nhận diện, để nâng cao nhận thức pháp luật từ trường học, cô Nguyễn Thị Hương cho rằng, trước hết cán bộ, giáo viên phải nhận thức giáo dục pháp luật là việc làm thường xuyên, lồng ghép linh hoạt vào tất cả các hoạt động giáo dục. Đồng thời đổi mới hình thức giáo dục pháp luật một cách sáng tạo, sinh động, hấp dẫn; khai thác hiệu quả “Mô hình tự quản”, câu lạc bộ “Tư vấn tâm lí học đường”… trong nhà trường và liên hệ chặt chẽ với phụ huynh trong giáo dục học sinh.

Ông Phạm Viết Phúc cũng cho rằng, nếu công tác tuyên truyền thực hiện thường xuyên sẽ làm cho học sinh quan tâm nhiều hơn, nắm bắt được những việc nên làm và không nên làm để phân tích cho mọi người trong gia đình thực hiện tốt hơn. Đối với Kỳ Sơn, các trường học đa số có học sinh ở nội trú, vì vậy cho học sinh xem phim ảnh, phóng sự liên quan đến tuyên truyền pháp luật sẽ giúp các em hứng thú tiếp thu hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm của huyện Than Uyên, ông Trịnh Ngọc Hải cho biết: Phòng GD&ĐT, các trường học củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nhân lực trong công tác này. Tổ chức rà soát, thống kê, kiện toàn đội ngũ kiêm nhiệm, đáp ứng được nhu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, chủ động đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Phát huy tốt vai trò nòng cốt của các tổ chức đoàn thể tại cơ quan và trường học. Thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của các trường nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn…

Ông Trần Văn Hân thì nhấn mạnh cần có kế hoạch giáo dục pháp luật cụ thể, chi tiết trong tổ chức thực hiện gắn với nhiệm vụ năm học của từng cá nhân. Phát huy sức mạnh của tập thể nhà trường, đảm bảo việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện thường xuyên, liên tục gắn với từng hoạt động giáo dục nhà trường trong suốt năm học.

Tạo điều kiện để giáo viên, nhân viên được tiếp cận các lớp bồi dưỡng về lựa chọn nội dung, phương pháp, kỹ năng tổ chức giáo dục pháp luật trong nhà trường. Tạo điều kiện đa dạng nguồn tài liệu, giúp giáo viên thuận lợi cập nhật kiến thức pháp luật mới. Giúp học sinh có ý thức tiếp thu kiến thức pháp luật là quyền lợi thiết thực, từ đó các em yêu thích, hào hứng, tích cực tham gia tiếp nhận với nội dung pháp luật được tuyên truyền, phổ biến trong nhà trường.

Để việc tuyên truyền gần gũi, thu hút phụ huynh, học sinh quan tâm, Đội phát thanh Măng non Trường THCS Thụy Trường thường xuyên tuyên truyền các nội dung về pháp luật trên hệ thống phát thanh của xã. Giáo viên chủ nhiệm gửi các clip có nội dung tuyên truyền pháp luật vào từng nhóm lớp… Trường còn thành lập “Mô hình tự quản” hoạt động hiệu quả, kết hợp xây dựng hộp thư “Điều em muốn nói”, thành lập Câu lạc bộ “Tư vấn học đường”… nhằm phát hiện kịp thời sự việc để giải quyết.

Các trường học trên địa bàn huyện Than Uyên đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền: Thông qua phát hành tài liệu; các hội thi, cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật, luật trên các phương tiện truyền thông đại chúng; qua tủ sách pháp luật ở các trường; qua giờ học Giáo dục công dân, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giờ sinh hoạt lớp, lồng ghép, tích hợp giáo dục pháp luật cho học sinh,... - Ông Trịnh Ngọc Hải (Trưởng phòng GD&ĐT Than Uyên, Lai Châu)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...