Ngành Giáo dục chỉ đạo quyết liệt phòng chống vi phạm pháp luật ở HSSV

GD&TĐ - Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật hiện nay diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi, có chiều hướng đang tấn công, len lỏi vào trường học...

Trường học Hà Nội hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trường học Hà Nội hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bộ GD&ĐT đã phê duyệt Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi là Dự án). Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Đạt - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên về nội dung Dự án này.

Nhiều mục tiêu cụ thể

- Xin ông cho biết sự cần thiết và vai trò của Dự án?

- Nhận thức rõ nhiệm vụ, trách nhiệm trong công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học, Bộ GD&ĐT cũng như toàn ngành Giáo dục đã luôn chú trọng, quan tâm chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp cụ thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật hiện nay diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi, có chiều hướng đang tấn công, len lỏi vào các trường học. Do đó, công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học cần phải được tập trung chỉ đạo quyết liệt, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện.

Để nâng cao hiệu quả của công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong trường học, Bộ GD&ĐT phê duyệt Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

- Mục tiêu cụ thể của Dự án là gì, thưa ông?

- Mục tiêu chung của Dự án nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật của các nhà trường góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng về công tác phòng ngừa tội phạm, phòng, chống vi phạm pháp luật và nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật của các thành viên trong nhà trường.

Dự án đặt ra các mục tiêu cụ thể như: 100% nhà trường kiện toàn, thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ đạo “Phòng, chống tội phạm”; 100% nhà trường tổ chức ký cam kết giữa nhà trường - gia đình - xã hội về nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật; 100% nhà trường xây dựng, duy trì ít nhất 1 mô hình về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật...

Các nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật gắn với nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên của nhà trường trong từng năm học; thiết lập các kênh tiếp nhận những thông tin, phản ánh để tư vấn, hỗ trợ, kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong nhà trường.

Ông Trần Văn Đạt.

Ông Trần Văn Đạt.

Kiện toàn Ban Chỉ đạo “Phòng chống tội phạm”

- Để thực hiện Dự án này, Bộ GD&ĐT đề ra những nhiệm vụ, giải pháp thế nào, thưa ông?

- Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT, các nhà trường kiện toàn Ban Chỉ đạo “Phòng chống tội phạm” để chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý.

Tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm; các quy chế, quy định về công tác đảm bảo an ninh, trật tự nhà trường, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học; tuyên truyền về hậu quả, ảnh hưởng; các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến; những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và sự tác động, lôi kéo đối với người học.

Các nhà trường tổ chức lồng ghép, gắn kết nội dung tuyên truyền phòng ngừa tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật thông qua các chương trình và hoạt động giáo dục của nhà trường; tuyên truyền, giáo dục thông qua hoạt động của Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên, Đội TNTP Hồ Chí Minh.

Xây dựng tài liệu truyền thông dành cho thành viên trong nhà trường và gia đình người học về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học; xây dựng tin, bài, phóng sự tuyên truyền về các gương người tốt, việc tốt, các mô hình, điển hình về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật của người học đăng tải trên trang tin điện tử, cổng thông tin điện tử của nhà trường, các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.

Tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật vào chương trình và hoạt động giáo dục trong nhà trường. Nâng cao năng lực của các thành viên trong nhà trường về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật.

- Việc triển khai Dự án sẽ được thực hiện thế nào trong thời gian tới?

- Bộ GD&ĐT giao Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên là đơn vị chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan triển khai thực hiện Dự án; đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện Dự án; làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan của các bộ, ngành trong việc tham mưu phối hợp chỉ đạo theo ngành dọc triển khai thực hiện Dự án.

Giao các sở GD&ĐT tham mưu với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch thực hiện Dự án trong ngành Giáo dục tại địa phương; đôn đốc, triển khai thực hiện Dự án phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể tại địa phương. Các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Dự án, báo cáo kết quả việc triển khai Dự án của nhà trường đến cơ quan quản lý trực tiếp.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các bộ, ban, ngành liên quan phối hợp với Bộ GD&ĐT chỉ đạo triển khai, thực hiện Dự án. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt kế hoạch triển khai Dự án trong ngành Giáo dục tại địa phương; chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan của địa phương phối hợp với ngành Giáo dục trong việc triển khai thực hiện.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Cần có sự phối hợp hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan ban, ngành của địa phương trong công tác quản lý, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý người học nhằm nâng cao công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.