Thực trạng báo động học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tình trạng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật đang gia tăng. Nhiều chuyên gia giáo dục, pháp luật đã đưa ra những lời cảnh báo.

Đội CSGT Chợ Lớn (Quận 8, TPHCM) xử phạt học sinh chạy xe phân khối lớn. Ảnh: INT
Đội CSGT Chợ Lớn (Quận 8, TPHCM) xử phạt học sinh chạy xe phân khối lớn. Ảnh: INT

Khi người phạm tội là học sinh, sinh viên

Ngày 18/7, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) cho biết đã khởi tố và bắt tạm giam 8 người về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Những người trong nhóm này ở độ tuổi 19 - 21. Họ đã lên kịch bản, phân công nhiệm vụ cho từng người, sau đó lập các trang mạng xã hội Facebook, Zalo với tên “thầy Thế” có khả năng làm lễ giải hạn, lừa người dân hàng tỉ đồng.

Đây không phải là vụ vi phạm pháp luật hình sự đầu tiên mà người liên quan là học sinh, sinh viên. Mới đây, vụ án nam sinh lớp 10 đâm bạn học tử vong ở huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) được cơ quan chức năng xác định là vụ án trọng điểm, được dư luận xã hội chú ý. Người dùng dao đâm bạn học là Bùi Ngọc K., nạn nhân là một học sinh cùng trường với K. Nhiều vụ học sinh gây gổ, mang hung khí đâm chém nhau, gây thương tích cũng xảy ra ở một vài nơi.

Nghiên cứu sâu về thực trạng trên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, tội phạm ngày càng trẻ hóa. Có những người dưới 18, thậm chí có em 12 - 13 tuổi nhưng đã thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội như giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma tuý.

Theo Bộ Công an, từ năm 2018 đến quý 1/2021, cả nước ghi nhận hơn 10.000 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với 16.000 đối tượng có liên quan. Trong đó, nữ giới chiếm 5%, nam giới chiếm đến 95%. Riêng TPHCM, dữ liệu từ công an cho thấy, trong khoảng thời gian trên, thành phố có 884 nghi phạm là người dưới 18 tuổi, nhiều em đang độ tuổi đến trường… Phân tích về trình độ văn hóa thì có 3,75% không biết chữ, tiểu học 29,33%, THCS 46,51%, THPT 20,41%.

Tình trạng vi phạm pháp luật hành chính, trật tự xã hội của học sinh, sinh viên còn đáng báo động hơn. Ở nhiều trường học, dễ dàng bắt gặp học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Chỉ tính riêng TPHCM, số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố cho biết, từ năm 2020 đến năm 2022, hơn 1.500 trường hợp vi phạm pháp luật an toàn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên. Chưa đầy 3 tháng đầu năm 2023, hơn 240 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm.

Những hành vi lệch chuẩn như bạo lực học đường, bạo lực tinh thần, sử dụng chất kích thích, gây gổ đánh nhau, hay nghiêm trọng hơn là sử dụng ma tuý, lừa đảo, kỳ thị giới tính, lạm dụng tình dục cũng thường xuyên diễn ra trong và ngoài nhà trường.

ThS Trần Nam, giảng viên Xã hội học, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) nhận định, những hiện tượng trên chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Ông Nam dẫn thống kê của Bộ GD&ĐT năm 2019 cho biết, mỗi năm trung bình cả nước có khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học; khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau và 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì bạo lực học đường.

“Những hành vi lệch chuẩn trong môi trường giáo dục là hiện tượng phát sinh từ khi hình thành thiết chế này, không phải mới có gần đây, cũng không phải chỉ có ở nước ta mới có. Tuỳ cấu trúc xã hội, văn hóa, đặc điểm của hệ thống luật pháp… mà mỗi quốc gia sẽ phải đối mặt với những vấn đề khác nhau”, ThS Nam nhận định.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Những vết nứt từ nhà trường, gia đình

Luật sư Đặng Văn Cường nêu một số nguyên nhân của tình trạng nhiều người trẻ vi phạm pháp luật, gồm: Đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi; Những đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình khiến đứa trẻ không được quan tâm, giáo dục đúng mức;

Trẻ sống trong môi trường bạo lực, thiếu lành mạnh, bị lôi kéo bởi bạn bè xấu; Thiếu sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan đoàn thể, các tổ chức xã hội và địa phương; Nhiều trường vẫn coi trọng giáo dục kiến thức văn hóa mà chưa chú trọng giáo dục đạo đức, đặc biệt là đối với các học sinh cá biệt…

Theo LS Cường, học sinh ở độ tuổi (dưới 18) đang được giáo dục cơ bản về nhận thức, ý thức, đạo đức, trong đó có ý thức chấp hành pháp luật. Ở độ tuổi này, các em phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn. Nếu giáo dục cứng nhắc hoặc không đúng cách thì có thể biến những đứa trẻ ngoan ngoãn, hiếu thảo trở thành những đứa trẻ ngỗ ngược, bất trị, chúng có thể bỏ học, thậm chí trở thành tội phạm.

Ở góc độ nhà giáo, ThS Trần Nam cho rằng, một phần nguyên nhân từ việc giáo dục ở nhà trường đang tập trung nhiều vào truyền thụ tri thức, thiếu hụt các mô hình giáo dục thái độ, kỹ năng ở bậc học tiểu học, trung học. Giáo viên quá tải với số lượng học sinh trong lớp, thiếu hụt công cụ bổ trợ nên khó chu toàn trong giáo dục kỹ năng. Ngoài ra, vai trò của gia đình chưa được thực hiện tốt trong việc giáo dục trẻ.

Cũng theo ThS Trần Nam, các quy tắc của học đường chưa được thực hành triệt để hoặc thực hành bị méo mó, lạm dụng dẫn đến các quy tắc không hoàn toàn tạo nên chuẩn mực, mà có khi lại phát sinh ra sự chống đối, bất mãn, xem thường. Giáo dục bằng một số hình phạt hiện nay trong trường học là hoàn toàn không phù hợp. Trong giáo dục, dùng bạo lực để khắc chế bạo lực, sẽ tiếp tục phát sinh bạo lực.

“Ngoài ra, sự du nhập của các lối sống mới cũng là một nguyên nhân đáng kể. Truyền thông mới phát triển trên nền tảng Internet đang khiến cho nhiều mô thức hành vi mới du nhập, phát triển”, ThS Nam nhấn mạnh.

Với những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến người thầy, ThS Trần Nam đưa ra 2 giải pháp. Thứ nhất, khâu tuyển dụng cần sàng lọc kỹ lưỡng những người có năng lực, phẩm chất và đạo đức. Thứ hai, mỗi trường cần kiến tạo môi trường tốt, chuẩn mực, tương hỗ để các thầy cô thực hiện tốt chức trách của mình, rèn luyện để ngày một hoàn thiện hơn. Trong môi trường này, các lãnh đạo trường học có vai trò nêu gương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Giá trị của hòa bình

GD&TĐ - Ralph Waldo Emerson từng nói: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Về U Minh Hạ theo chân thợ rừng 'ăn ong'

GD&TĐ - 'Ăn ong' như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, có lẽ chỉ những người thợ rừng lâu năm ở U Minh Hạ mới biết.