Trao thí sinh quyền chủ động, rộng mở cơ hội vào ĐH

GD&TĐ - Kỳ thi THPT quốc gia kết thúc được đánh giá cao về cách tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, dư luận vẫn còn một số thắc mắc, băn khoăn xung quanh kỳ thi này, nhất là trong thời điểm các trường ĐH, CĐ thực hiện công tác xét tuyển.

Kỳ tuyển sinh 2015, thí sinh được tạo điều kiện để hoàn toàn chủ động nắm bắt cơ hội vào đại học.
Kỳ tuyển sinh 2015, thí sinh được tạo điều kiện để hoàn toàn chủ động nắm bắt cơ hội vào đại học.

Tất cả những vấn đề trên đã được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận - kịp thời trả lời người dân trên các phương tiện truyền thông với tinh thần thẳng thắn, cầu thị.

Đổi mới đúng hướng và trên tinh thần cầu thị

Kỳ thi THPT quốc gia kết thúc với nhiều nhìn nhận, đánh giá rất tích cực. Là người trong cuộc, trực tiếp đưa ra các quyết sách và dành nhiều tâm huyết vào kỳ thi đổi mới, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kỳ thi vừa qua?

- Chúng tôi mới tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2014 – 2015, có sự tham gia của nhiều bộ, ban, ngành trung ương, các giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh phụ trách văn xã.

Đánh giá của hội nghị cũng đồng thuận, thống nhất với các phản ánh trên các phương tiện truyền thông, đó là việc tổ chức thi cử có nét tiến bộ, nhẹ nhàng hơn, đơn giản hơn, tiết kiệm hơn và nghiêm túc, độ tin cậy cao hơn.

"Chúng tôi vẫn "trực chiến", sẵn sàng, cả hệ thống, các trường đại học, Sở GD&ĐT để kiểm soát tình hình. Đồng thời chờ đánh giá của xã hội, có tổng kết rút kinh nghiệm nghiêm túc về kỳ thi này"               Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Riêng việc xét tuyển vào ĐH, CĐ, xã hội cũng còn những băn khoăn, lo lắng, các thầy cô giáo trong Ngành cũng có phàn nàn, vất vả thêm trong công việc.

Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục xử lý và theo dõi tình hình. Một mặt, động viên các thầy cô trong cả hệ thống, cả khối đại học và phổ thông, tiếp tục khắc phục khó khăn, chủ động nhận phần khó khăn vất vả về mình để tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, giúp các cháu có đủ thông tin để cân nhắc, đưa ra quyết định hết sức quan trọng trong bước đầu đời, khi vào môi trường sau phổ thông.

Còn các giải pháp kỹ thuật chúng tôi triển khai trong cả quá trình cũng như mới bổ sung mấy ngày hôm nay nhằm tạo điều kiện cho các cháu vùng sâu, vùng xa đang vận hành tốt và công việc đang trong tầm kiểm soát và đúng như dự tính.

Chúng tôi biết chắc chắn rằng, năm đầu tiên triển khai sẽ không thể nuột nà, hoàn hảo được, sẽ phải rút kinh nghiệm sâu sắc để bổ sung các giải pháp.

Thưa Bộ trưởng, sẽ như thế nào nếu năm tới, nhiều trường ĐH, CĐ tổ chức tuyển sinh riêng và không sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia để xét tuyển?

- Theo Luật Giáo dục ĐH, việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ. Bộ GD&ĐT khuyến khích, hỗ trợ các trường triển khai phương thức tuyển sinh riêng.

Hiện nay, do điều kiện thực tế của các trường ĐH Việt Nam, bên cạnh một số trường đã thành lập lâu năm, có đủ điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng, còn không ít trường chưa đủ điều kiện, chưa đủ khả năng để tổ chức kỳ thi.

Kinh nghiệm tuyển sinh của các nước phát triển, việc thi tuyển sinh được tổ chức ở các Trung tâm Khảo thí độc lập, các trường ĐH dùng kết quả thi này để xét tuyển. Phương thức tuyển sinh Bộ GD&ĐT áp dụng hiện nay đang đi theo hướng đó. Đây cũng là tinh thần của Nghị quyết 29.

Trao quyền chủ động quyết định cho thí sinh

Một số phụ huynh phản ánh, họ lo lắng, mệt mỏi vì liên tục phải theo dõi thông tin từ các trường ĐH, xem tình hình nộp hồ sơ. Bộ trưởng suy nghĩ thế nào về phản ánh nói trên và có cách nào để khắc phục việc này?

- Thời tôi đi thi đại học cách đây hơn 40 năm, lúc đó không có thông tin gì cả. Từng học sinh một, thi khối nào, trường đại học nào đều do Hội đồng tuyển sinh quyết định.

Sau này, vào thời kỳ đổi mới, chúng ta đã cho học sinh được quyền lựa chọn khối thi và lựa chọn trường mà các cháu đăng ký dự thi. Để lựa chọn, các cháu bắt đầu phải tính toán, cân nhắc xem mình nổi trội về khối nào, phù hợp với trường nào để lựa chọn... Dù lo, nhưng đó là nỗi lo tiến bộ.

"Trước đây, các cháu lo nhưng không có giải pháp gì để thay đổi, chỉ lo và chấp nhận kết quả, dựa vào sự đăng ký lúc đầu mang tính may rủi.

Giờ thì lo, nhưng có thông tin để tính toán, cân nhắc, thay đổi, để có quyết định phù hợp với tình hình chung và vừa với sức mình. Các nhà trường cũng chọn được học sinh giỏi vào học" Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Qua quá trình triển khai bằng phương thức đó, dư luận xã hội trong nhiều năm vừa rồi đều phàn nàn và tôi thấy phàn nàn đó rất chính đáng là: Vì thiếu thông tin, cả từ phía học sinh và các trường nên có hiện tượng nhiều thí sinh điểm rất cao nhưng trượt đại học, trong khi đó có cháu điểm thấp hơn lại đỗ, dẫn đến không công bằng với các cháu. Các nhà trường cũng không chọn được hết học sinh giỏi.

Tiếp nhận những băn khoăn, phản ánh đó của xã hội và với sự phát triển của công nghệ thông tin, quán triệt tinh thần Nghị quyết 29 là mọi hoạt động hướng vào sự phát triển, hình thành năng lực, phẩm chất của học sinh, tạo thuận lợi hết mức cho học sinh trong tất cả các công việc của mình và tập dần việc cân nhắc, lựa chọn, quyết định công việc liên quan đến bản thân, chúng tôi quyết định cho công bố, không chỉ kết quả thi mà cả tổ hợp điểm các khối thi.

Đồng thời, cập nhật, công bố thông tin tình hình hồ sơ mà thí sinh đăng ký vào các trường để thí sinh thường xuyên biết mình ở vị trí nào trong bảng đăng ký trong trường mình muốn vào học.

Trước đây, các cháu lo nhưng không có giải pháp gì để thay đổi, chỉ lo và chấp nhận kết quả, dựa vào sự đăng ký lúc đầu mang tính may rủi.

Giờ thì lo, nhưng có thông tin để tính toán, cân nhắc, thay đổi, để có quyết định phù hợp với tình hình chung và vừa với sức mình. Và bởi vậy, cả phụ huynh cũng cùng lo lắng để hỗ trợ con em tính toán.

Tôi nghĩ đó là một sự đổi mới, nỗi lo lắng cần thiết để thí sinh có được kết quả tương xứng với công sức và thành quả học tập mà mình đạt được, đồng thời, phù hợp với mặt bằng chung. Các nhà trường cũng chọn được học sinh giỏi vào học.

Năm nay, lần đầu tiên tổ chức kỳ thi đổi mới còn chưa quen nên còn có việc này, việc kia chưa được như ý, chúng ta sẽ rút kinh nghiệm dần để thay đổi.

Còn lo lắng thứ hai là việc cập nhật thông tin có khó khăn, công việc các nhà trường có thể chưa đồng bộ, chưa nhịp nhàng. Việc này, chúng tôi luôn theo sát, vừa động viên tinh thần trách nhiệm của các nhà trường, huy động các Sở GD&ĐT, các trường phổ thông cùng hỗ trợ, giúp đỡ; đồng thời cũng có những công cụ kỹ thuật để xử lý từng tình huống cụ thể, giảm thiểu lo lắng của phụ huynh, học sinh.

Dù bộn bề công việc, nhưng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận vẫn dành nhiều thời gian để giải đáp các băn khoăn, thắc mắc của xã hội về tuyển sinh. Ảnh: Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại chương trình giao lưu trực tuyến tại báo Dân trí sáng 14/8.
 Dù bộn bề công việc, nhưng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận vẫn dành nhiều thời gian để giải đáp các băn khoăn, thắc mắc của xã hội về tuyển sinh. Ảnh: Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại chương trình giao lưu trực tuyến tại báo Dân trí sáng 14/8.

Khó khăn về xét tuyển đã được khắc phục

Đúng là với cách thi mới, với sự công khai về thông tin, cơ hội vào ĐH, CĐ của các thí sinh có tăng lên. Nhưng, liệu có thiệt thòi cho các thí sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn khi điều kiện để nắm bắt thông tin của các em kém hơn rất nhiều so với thí sinh vùng thuận lợi không, thưa Bộ trưởng?

- Đúng là học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thiệt thòi hơn so với học sinh các thành phố lớn, các vùng điều kiện kinh tế xã hội phát triển. Điều đó cũng thể hiện qua việc tiếp cận thông tin để đăng ký xét tuyển lần này.

Để khắc phục khó khăn đó và hỗ trợ các học sinh vùng sâu, vùng xa, Bộ GD&ĐT đã triển khai một loạt các biện pháp. Cụ thể, đã chỉ đạo báo Giáo dục và Thời đại và một số phương tiện truyền thông khác in báo giấy và liên tục cập nhật thông tin tuyển sinh cho các cháu.

Giải pháp thứ hai, chúng tôi đã cập nhật phần mềm để các cháu có thể thay đổi nguyện vọng của mình tại các trường phổ thông nơi mình học, hoặc tại các Sở GD&ĐT địa phương.

Với phần mềm hỗ trợ, cho phép ngay lập tức đăng ký thay đổi của thí sinh sẽ được trường cũ chấp nhận, đưa thí sinh về trạng thái mới, tự do để các cháu đăng ký vào trường có nguyện vọng bổ sung sau này.

Rồi chúng tôi cũng chỉ đạo các Sở GD&ĐT, cũng như các trường THPT, các thầy cô mở mạng cập nhật thông tin thường xuyên và cung cấp thông tin cho học sinh, tư vấn, hướng dẫn học sinh lựa chọn nguyện vọng phù hợp với cá nhân của mình và tình hình chung.

Hiện nay, việc vận hành các phần mềm này đang rất tốt và trong tầm kiểm soát. Rất nhiều cháu thuộc các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng Tây Bắc, Tây Nguyên... đã vào mạng, thay đổi nguyện vọng từ ngay nơi các cháu sinh sống. Nên, những khó khăn đã được khắc phục.

Hướng tới tin học hóa hầu hết các khâu tuyển sinh

Thưa Bộ trưởng, liệu chúng ta có thể tin học hóa toàn bộ quá trình xét tuyển. Điều này chắc chắn có thể giúp khắc phục được những vấn đề trong xét tuyển như năm nay?

- Việc ứng dụng CNTT - Truyền thông (ICT) trong GD&ĐT là xu hướng tất yếu và thực tế ngày càng được đẩy mạnh trong thực tiễn GD&ĐT của Việt Nam. ICT cũng đã ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các kì thi kiểm tra, đặc biệt là trong kì thi THPT quốc gia.

Tuy nhiên, để áp dụng ICT thành công với hiệu quả cao, ngoài yếu tố con người thì kết cấu hạ tầng ICT rất quan trọng, có lúc đóng vai trò quyết định.

Thực tế hiện nay, kết cấu hạ tầng ICT của các trường ĐH, CĐ Việt Nam rất không đồng đều, chưa đáp ứng được nhu cầu của tất cả các thí sinh, phụ huynh trong cả nước. Đặc biệt, nếu các tác vụ này diễn ra trong cùng một thời điểm.

Hơn nữa, do điều kiện kinh tế xã hội ở các vùng miền khác nhau nên điều kiện tiếp cận với ICT còn hạn chế, do đó, chưa thể triển khai đồng loạt trên toàn hệ thống.

Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường ĐH, CĐ có đủ điều kiện thì triển khai hình thức đăng ký trực tuyến qua mạng. Hiện nay có nhiều trường sử dụng hình thức này.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế nước nhà, việc ứng dụng ICT trong tuyển sinh sẽ ngày một sâu rộng hơn hướng tới có thể tin học hóa hầu hết các khâu trong quá trình tuyển sinh.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống TOS-1A hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Vệ sĩ đặc biệt của pháo nhiệt áp TOS

GD&TĐ - Theo RIA, những hệ thống pháo nhiệt áp TOS Solntsepyok của Nga sẽ miễn nhiễm với các cuộc tấn công của UAV do được bảo vệ bởi hệ thống EW đặc biệt.
Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.