Vị lãnh đạo cao nhất ngành Giáo dục đã có những nhận định khái quát về chân dung "tĩnh" của toàn Ngành năm học vừa qua, đồng thời chỉ rõ những việc cần làm trong "guồng chạy" đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT thời gian tới.
Chân dung "tĩnh" trong sự vận động phát triển của ngành Giáo dục
Nhiều tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục có uy tín trên thế giới tiếp tục đánh giá tốt chất lượng giáo dục của Việt Nam.
Đó là điều đáng mừng nhưng chúng ta không được chủ quan tự mãn, bởi đây mới chỉ là những “chân dung” tĩnh trong sự vận động phát triển của toàn ngành.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khái quát: Năm học 2014 - 2015, toàn Ngành đã hoàn thành toàn diện kế hoạch năm học, có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.
Chúng ta đã ổn định quy mô giáo dục, nhất là giáo dục ở những vùng khó, vùng sâu, vùng xa; chất lượng giáo dục có nhiều bước tiến.
Bộ trưởng chia sẻ ông và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã được mời tham gia các hội nghị giáo dục quốc tế, trình bày những tham luận về kinh nghiệm phát triển giáo dục Việt Nam trước các nguyên thủ trên thế giới.
Điều này chứng tỏ bạn bè quốc tế đánh giá cao những thành tựu đạt được của nền giáo dục Việt Nam trong những năm qua. Những đánh giá này giúp chúng ta tự tin vào thành quả của giáo dục Việt Nam đã đạt được với công sức của nhiều thế hệ thầy cô giáo, học sinh.
Thêm vào đó, đoàn học sinh Việt Nam liên tục đạt giải ngày càng cao ở cả những môn thực hành như Vật lý, Hóa học, Sinh học...
Những nhân tố mới, phương thức mới trong quá trình tổ chức quản lý, triển khai các hoạt động giáo dục đã xuất hiện và đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Ví dụ như việc đánh giá học sinh tiểu học, từ đó thay đổi cách dạy cách học.
Những nhân tố tạo niềm tin vào khả năng thay đổi
![]() |
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Sỹ Điền |
Bộ trưởng thẳng thắn trao đổi: Có nhiều ý kiến trong và ngoài ngành cho rằng đánh giá thi cử không phải là mục tiêu cuối cùng mà là một công cụ, là khâu đột phá; Giáo viên, chương trình, SGK mới là khâu then chốt; hay cho rằng có chương trình SGK rồi mới nói đến chuyện đào tạo bồi dưỡng GV, mới thay đổi cách dạy cách học...
Tiếp cận như vậy đúng nhưng chưa đầy đủ, không phải là duy nhất đúng.
Bộ trưởng phân tích: Cùng với việc triển khai chương trình SGK mới, chúng ta thay đổi ngay cách dạy, cách học; thay đổi ngay cách thi cử để tác động lại dạy - học.
Thực tế cho thấy dạy - học tích hợp đã triển khai ở nhiều tỉnh, trong đó có những tỉnh khó khăn, cơ sở vật chất thiếu, thầy cô giáo chưa đạt chuẩn, HS thậm chí còn thiếu ăn.
Vậy nhưng chúng ta đã làm được, làm tốt, tạo cơ sở lan tỏa ra các địa phương khác. Điều đó cho thấy chúng ta đã thay đổi cách dạy, cách học.
Chúng ta đã đưa vào hoạt động hệ thống trường học kết nối. Số lượng các cháu cập nhật, ôn thi luyện thi, học tại nhà ngày càng nhiều.
Cùng đó, có những đường link để các thầy cô trao đổi với nhau về phương pháp đổi mới, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thay đổi cách thức dạy học.
Để thấy rằng việc đào tạo đội ngũ GV theo phương thức mới đã triển khai rất cập nhật, từ ít đến nhiều, từ phạm vi nhỏ đến phạm vi lớn, từ đơn giản đến phức tạp đã và đang hình thành.
Bộ GD&ĐT cũng đã có kế hoạch kết hợp với Đài truyền hình Việt Nam sớm khai chương trình truyền hình giáo dục VTV7. Lúc đó, học sinh ngồi nhà cũng có thể được học những thầy cô giỏi nhất, nổi tiếng nhất.
Cùng với trường học kết nối, chúng ta có thể khắc phục được phần lớn sự bất bình đẳng trong GD: Các cháu vùng sâu vùng xa không có điều kiện học thầy giỏi, các thầy vùng sâu vùng xa không được bồi dưỡng đào tạo, tiếp cận với cái mới…
"Tuy mới, chưa phổ biến, chưa tạo ra sự thay đổi về chất nhưng những nhân tố đó cho phép chúng ta tin tưởng vào khả năng thay đổi với cách làm mới, các tiếp cận mới để thay đổi nhận thức, cách dạy cách học của học sinh và thầy cô giáo, thay đổi phương pháp đào tạo giáo viên…" - Bộ trưởng phấn khởi chia sẻ.
Không thể đem cách tiếp cận cũ để đánh giá hiện tượng mới
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ rõ: Thời gian tới, toàn Ngành cần triển khai đồng bộ hơn, toàn diện hơn, mạnh mẽ hơn công cuộc đổi mới mà chúng ta đang khởi động; triển khai theo một kịch bản khoa học, phù hợp với sức mình; có việc làm trước, việc làm sau, có việc làm đồng thời, có việc làm theo quá trình để tạo chuyển biến chung.
"Để làm được điều này, cần tiếp tục đổi mới nhận thức sao cho ngang tầm với tư tưởng của Nghị quyết 29. Trước hết, phải đổi mới nhận thức của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Chúng ta đã có bước dài cho sự thay đổi này nhưng chưa phải toàn bộ, chưa phải tất cả, chưa đồng đều" - Bộ trưởng nhận định.
Lấy ngay ví dụ từ thực tế, Bộ trưởng đề cập đến việc trước kì thi THPT quốc gia, có những địa phương tổ chức thi thử theo đề thi minh họa, thống kê thấy điểm từ 5 trở lên thấp, nhiều thầy cô, CBQLGD lo lắng. Đó là bởi chưa nắm bắt được, vẫn lấy chuẩn cũ, thang cũ cho việc đổi mới.
Chuẩn cũ, thang cũ là có 2 bài thi, 1 bài thi tốt nghiệp, 1 bài thi tuyển sinh ĐH, CĐ; điểm trung bình mỗi bài thi là 5 điểm. Nhưng kỳ thi đổi mới, một bài thi nhằm hai mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở tuyển sinh ĐH, CĐ, nên điểm trung bình để xét tốt nghiệp không còn là 5 mà là 3 điểm.
Bộ trưởng cho biết: Gộp 2 kì thi làm một, nếu đánh giá bằng thang điểm 20 thì sẽ dễ cho việc phân loại học sinh hơn. Nhưng nhiều thầy cô không quen với thang điểm 20 này và kiến nghị vẫn giữ nguyên thang điểm 10.
Hay như việc rút hồ sơ tuyển sinh đại học của các thí sinh những ngày gần đây. “Có những việc mà chúng ta hô hào, nói mãi, nhưng có người vẫn chưa rõ.
Có những bài báo có tiêu đề rất mạnh mẽ như "Thí sinh ào ạt rút hồ sơ". Nhưng thực chất của việc đó là thế nào? Nếu mọi chuyện diễn ra phức tạp, rối rắm đúng như thế thì gay go rồi. Đánh giá như vậy thì vỡ trận rồi cũng là một cách đánh giá, nhưng chắc chắn cách đánh giá đó không phải theo tinh thần Nghị quyết 29
Chuyện rút hồ sơ đã nằm trong tính toán của Bộ. Chúng ta cho phép một sự dao động để các cháu không bị trượt oan, có điểm cao mà trượt.
Năm ngoái trở về trước việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển khá tù mù, các cháu chưa biết điểm vẫn cứ đăng ký vào một trường nào đó. Thi xong, điểm cao cũng không thể vào các trường cao nữa, nhưng năm nay thì khác”.
Bộ trưởng phân tích tiếp: “Nếu lo lắng, thì trước đây cũng lo. Năm ngoái lo nhưng chịu chết. Cháu nào điểm thấp vào được đại học rồi thì sung sướng, thở phào. Cháu nào điểm cao nhưng trượt thì phải chấp nhận.
Giờ nỗi lo đã khác, là phải cập nhật được nhưng để các cháu làm chủ số phận của mình, tránh được trượt oan. Các trường tuyển được học sinh giỏi. Vậy có rối không?
Nếu ai đó muốn quay trở lại con đường cũ thì cứ nộp hồ sơ vào một trường, đừng xem gì nữa cả và thấp thỏm nỗi lo may rủi như những năm trước rồi chờ. Con đường cũ vẫn mở thênh thang như vậy đấy!
Còn những ai muốn làm chủ số phận, không chấp nhận may rủi, tự quyết định con đường đi của mình thì phải lo. Một trong những nhiệm vụ của chúng ta là từng bước giúp các cháu tự lo cho bản thân, sau lo cho ông bà cha mẹ rồi để lo cho Tổ quốc”.
Theo Bộ trưởng, ví dụ về một vài cách tiếp cận như vậy để có cách nhìn nhận hiện đại, cập nhật, đúng với tinh thần của cái mới. Nếu mang cách tiếp cận cũ, thói quen cũ để đánh giá hiện tượng mới, chúng ta sẽ vô tình cản trở tiến trình phát triển, đổi mới.
"Bộ GD&ĐT và ngành GD-ĐT sẵn sàng tiếp thu để khắc phục những hạn chế. Nhưng nếu cứ tiếp cận bằng cách làm cũ thì sẽ không thể đổi mới được. Phải đổi mới nhận thức và các thầy cô giáo chính là những người đi tiên phong" - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chân tình chia sẻ.
Thành công bước đầu có biểu hiện đầy đủ của việc đổi mới căn bản
Sau 2 năm triển khai, Nghị quyết 29 đã đi vào cuộc sống, nhận thức của các thầy cô giáo, CBQLGD, học sinh, nhận thức của các cấp ủy đảng, cả hệ thống chính trị và nhân dân đã thay đổi.
Trong Ngành, hiện tượng phao thi, tình trạng học gạo học vẹt học thuộc, mang phao vào chép, luyện thi đại học, học thêm... đã giảm hẳn. Ngay các địa điểm bán phao thi chưa cần các cơ quan chức năng ra quân cũng đã tự giải tán.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ ngành Giáo dục trong kì thi THPT quốc gia vừa qua cho thấy cả xã hội đã vào cuộc, tạo nên sự thành công của kì thi
Kết quả đạt được mới chỉ là kết quả bước đầu, còn xa mới đạt được mục tiêu, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29. Tuy nhiên, thành công bước đầu có biểu hiện đầy đủ của việc đổi mới căn bản: Xã hội tin tưởng ngành Giáo dục hơn, tin tưởng vào những việc toàn Ngành đang triển khai, cho phép chúng ta tự tin, tiếp tục đổi mới.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Cả xã hội, cả hệ thống chính trị tạo nên thắng lợi của ngành Giáo dục
Trong bài phát biểu tổng kết Hội nghị Tổng kết năm học 2014 - 2015 và triển khai nhiệm vụ năm học mới vị Tư lệnh Ngành chỉ rõ thắng lợi của ngành Giáo dục trong triển khai, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29 có sự đóng góp trí tuệ, công sức của cả xã hội, cả hệ thống chính trị. Thắng lợi đó có sự góp công của cả đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.
Có những lức giọng ông trầm xuống, tâm sự: "Khi chỉ đạo công tác kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia tôi rất xúc động khi biết tin các đơn vị quân đội ở An Giang hành quân ra ngoài rừng, dành doanh trại cho các cháu và phụ huynh ở, để cấp dưỡng lại nấu ăn cho các cháu, dùng xe quân sự chở các cháu đi thi.
Tôi bồi hồi nhớ lại những năm chiến tranh phá hoại rời thành phố về sơ tán ở nông thôn, các gia đình nông thôn mở cửa mời vào ở, có khoai ăn khoai có sắn ăn sắn. Rất tình cảm!.
Thay mặt Bộ GD&ĐT và toàn ngành, tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ ban ngành trung ương, địa phương đã quan tâm chỉ đạo hỗ trợ giúp đỡ động viên khuyến khích giám sát chỉ bảo giúp đỡ các công việc của Ngành nói chung và cho kì thi nói riêng.
Tôi cảm ơn đến các đồng chí Giám đốc Sở, Trưởng các phòng ban, các đồng chí Hiệu trưởng, BGH các trường đại học, như chúng ta nói với nhau là tư lệnh của các mặt trận.
Chúng ta thảo luận với nhau rất chân thành thẳng thắn, sau đó các đồng chí chấp hành nghiêm túc, khắc phục khó khăn, chủ động sáng tạo, góp ý với Bộ để chúng ta hoàn thiện phương án ở bất cứ thời điểm nào".