Toàn xã hội chung tay cùng tạo nên “trái ngọt” giáo dục

GD&TĐ - Năm học 2014 - 2015 kết thúc với nhiều điểm sáng và dấu ấn, tạo hứng khởi và niềm tin mạnh mẽ vào công cuộc triển khai, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29. Có được “trái ngọt” đó là nhờ vào sự đồng tâm, chung tay góp sức của toàn xã hội. 

Xã hội đồng lòng tạo nên thành công của kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Xã hội đồng lòng tạo nên thành công của kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Và lời tâm sự, cảm ơn chân thành, đầy xúc động đã được vị Tư lệnh Ngành trực tiếp trao gửi trong Hội nghị tổng kết năm học 2014 – 2015, triển khai nhiệm vụ năm học 2015 – 2016 vừa tổ chức.

Thắng lợi từ sự đồng lòng

Kết quả của năm học 2014 – 2015 được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khái quát: Sau 2 năm triển khai, Nghị quyết 29 đã đi vào cuộc sống, nhận thức của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, nhận thức của các cấp ủy Đảng, cả hệ thống chính trị và nhân dân đã thay đổi.

Toàn Ngành đã hoàn thành toàn diện kế hoạch năm học, có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Trong đó, chúng ta đã ổn định quy mô giáo dục, nhất là giáo dục ở những vùng khó, vùng sâu, vùng xa; chất lượng giáo dục có nhiều bước tiến. Nhiều tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục có uy tín trên thế giới tiếp tục đánh giá tốt chất lượng giáo dục của Việt Nam.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015 và triển khai nhiệm vụ năm học 2015 – 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng ghi nhận: Phải công tâm rằng, ngành Giáo dục trong năm học vừa qua, từ trên xuống dưới, cả gia đình học sinh đã chung tay và có kết quả đáng mừng.
Thêm vào đó, đoàn học sinh Việt Nam liên tục đạt giải ngày càng cao, ở cả những môn thực hành như Vật lý, Hóa học, Sinh học...

Những nhân tố mới, phương thức mới trong quá trình tổ chức quản lý, triển khai các hoạt động giáo dục đã xuất hiện và đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Ví dụ như việc đánh giá học sinh tiểu học, từ đó thay đổi cách dạy cách học.

Đặc biệt, trong kỳ thi THPT vừa qua, hiện tượng phao thi, tình trạng học gạo học vẹt học thuộc, mang phao vào chép, luyện thi đại học, học thêm... đã giảm hẳn. Ngay các địa điểm bán phao thi chưa cần các cơ quan chức năng ra quân cũng đã tự giải tán.

Bộ trưởng chia sẻ: Ông và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã được mời tham gia các hội nghị giáo dục quốc tế, trình bày những tham luận về kinh nghiệm phát triển giáo dục Việt Nam trước các nguyên thủ trên thế giới.

Điều này chứng tỏ bạn bè quốc tế đánh giá cao những thành tựu đạt được của nền giáo dục Việt Nam trong những năm qua. Những đánh giá này giúp chúng ta tự tin vào thành quả của giáo dục Việt Nam đã đạt được với công sức của nhiều thế hệ thầy cô giáo, học sinh.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Giáo dục cũng khiêm tốn nhìn nhận những kết quả đạt được trong năm học 2014 - 2015 mới chỉ là bước đầu, còn xa mới đạt được mục tiêu, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29. 

Nhưng điều quan trọng là, những thành công đó có biểu hiện đầy đủ của việc đổi mới căn bản: Xã hội tin tưởng ngành Giáo dục hơn, tin tưởng vào những việc toàn Ngành đang triển khai, từ đó cho phép chúng ta tự tin, tiếp tục đổi mới.

Những kết quả đó, theo khẳng định của Bộ trưởng, là nhờ vào đóng góp trí tuệ, công sức của cả xã hội, cả hệ thống chính trị và sự góp công của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong toàn Ngành.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận xúc động gửi lời tri ân tại Hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015, triển khai nhiệm vụ năm học 2015 - 2016.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận xúc động gửi lời tri ân tại Hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015, triển khai nhiệm vụ năm học 2015 - 2016.

Lời tri ân từ vị Tư lệnh Ngành

Không chỉ đạo khô cứng, phát biểu của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại Hội nghị tổng kết năm học giống như lời tâm sự, sẻ chia. Trong đó có cả những hồi tưởng xúc động về đóng góp thầm lặng, đáng quý, đáng trân trọng của toàn dân để có được thành quả giáo dục như hiện nay.

Giọng ông đã trầm xuống khi nhớ lại những chuyến công tác trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua: "Khi chỉ đạo công tác kỳ thi THPT quốc gia tôi, rất xúc động khi biết tin các đơn vị quân đội ở An Giang hành quân ra ngoài rừng, dành doanh trại cho các cháu và phụ huynh ở, để cấp dưỡng lại nấu ăn cho các cháu, dùng xe quân sự chở các cháu đi thi.

Tôi bồi hồi nhớ lại những năm chiến tranh phá hoại rời thành phố về sơ tán ở nông thôn, các gia đình nông thôn mở cửa mời vào ở, có khoai ăn khoai có sắn ăn sắn. Rất tình cảm!”.

Bộ trưởng nhiều lần nhấn mạnh: Các Bộ - Ban - Ngành ở Trung ương, cấp ủy và chính quyền các địa phương, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã cùng ngành Giáo dục tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất có thể để triển khai kỳ thi THPT quốc gia.

Các địa phương, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, lực lượng thanh niên tình nguyện đã có nhiều hình thức hoạt động đa dạng, thiết thực và cảm động giúp đỡ thí sinh và ngành Giáo dục.

Các ngành giao thông, điện lực, y tế, công an, quân đội… đã có nhiều giải pháp kỹ thuật hỗ trợ thiết thực đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, an ninh, thuận lợi.

“Thay mặt Bộ GD&ĐT và toàn Ngành, tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ - Ban - Ngành trung ương, lãnh đạo các địa phương đã quan tâm chỉ đạo hỗ trợ giúp đỡ động viên khuyến khích giám sát chỉ bảo giúp đỡ các công việc của Ngành nói chung và cho kì thi THPT quốc gia nói riêng.

Tôi cảm ơn các đồng chí Giám đốc Sở, Trưởng các phòng - ban, các đồng chí Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu các trường đại học, như chúng ta nói với nhau là tư lệnh của các mặt trận.

Thay mặt toàn thể cán bộ giáo viên và học sinh cả nước, Bộ GD&ĐT trân trọng và xúc động ghi nhận sự giúp đỡ quý báu, nghĩa cử cao đẹp dành cho ngành Giáo dục với lòng biết ơn sâu sắc” - Người đứng đầu ngành Giáo dục gửi lời tri ân.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ