Xin ông cho biết những hoạt động nổi bật của hệ thống GDNN trong thời gian qua
Trước hết, tôi muốn nói năm 2017 là năm cột mốc quan trọng của hệ thống GDNN, Chính phủ chính thức giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực GDNN cho Bộ LĐ-TB&XH (trừ các ngành và trường trung cấp và cao đẳng sư phạm) và năm nay hệ thống cơ sở GDNN chính thức tuyển sinh và hoạt động theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Ngay từ khi được giao nhiệm vụ, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai, sắp xếp lại bộ máy quản lý để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GDNN. Đồng thời, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật GDNN để hỗ trợ các cơ sở GDNN trong hoạt động tuyển sinh và các hoạt động khác của cơ sở.
Hiện nay, mạng lưới cơ sở GDNN có 395 trường cao đẳng, 545 trường trung cấp và 1.039 trung tâm GDNN, các cơ sở GDNN đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động được bố trí rộng khắp trên phạm vi cả nước. Về kết quả tuyển sinh, theo báo cáo của các Sở LĐ-TB&XH khá khả quan, tính đến tháng 9/2017 đạt 1.381.355 người.
Trong đó: cao đẳng: 122.432 người; trung cấp: 158.923 người; sơ cấp và thường xuyên dưới 3 tháng: 1.100.000 người. Kết quả tuyển sinh cho thấy, bước đầu đã có sự thay đổi nhận thức của xã hội, của các bậc phụ huynh và các em học sinh khi quyết định con đường tương lai chính là học nghề, lập nghiệp.
Chất lượng đào tạo nghề được khẳng định, từng bước tiếp cận với trình độ khu vực và quốc tế. Cụ thể, Việt Nam đã 3 lần đạt nhất toàn đoàn trong các cuộc thi tay nghề ASEAN; học sinh, sinh viên Việt Nam đã giành được nhiều huy chương, chứng chỉ xuất sắc tại các cuộc thi tay nghề khu vực ASEAN và thế giới. Mới đây nhất, tháng 10/2017, tại cuộc thi tay nghề thế giới tại Abu Dhabi- UAE, Đoàn Việt Nam đã đạt 01 Huy chương Đồng và 05 chứng chỉ nghề xuất sắc.
Kỹ năng nghề nghiệp của học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở GDNN được nâng lên; lao động qua đào tạo nghề tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đã đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện; khoảng 70% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở GDNN, tỷ lệ này đạt trên 90%, đặc biệt có ngành, nghề đạt tỷ lệ 100%.
TS Nguyễn Hồng Minh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp |
Ông đánh giá thế nào về những hạn chế, tồn tại trong GDNN
Một số các cơ quan chức năng và một bộ phận xã hội hiện vẫn chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò quan trọng của GDNN trong đào tạo nguồn nhân lực cần thiết cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Do vậy, công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học nghề chưa thực sự hiệu quả, hầu hết học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục vào học THPT, đến nay, theo báo cáo mới chỉ có khoảng 10% học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề.
Trong khi, Chỉ thị 10/CT-TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề. Chất lượng đào tạo, phần nào cũng chưa đáp ứng đủ được yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là các kỹ năng mềm, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong làm việc, năng lực ngoại ngữ, tin học..., chưa đào tạo và hình thành được nguồn lao động có trình độ và kỹ năng nghề cao. Kỹ năng khởi nghiệp còn chậm đưa vào đồng bộ trong hệ thống các trường thuộc hệ thống GDNN.
Tạo sự chuyến biến về chất lượng và hiệu quả GDNN theo ông, tới đây cần thúc đẩy những giải pháp nào?
Để thực hiện được mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cần thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp cụ thể như: Đổi mới tổ chức, tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế để nâng cao năng lực quản lý GDNN.
Tập trung tuyển sinh, tổ chức đào tạo theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp; Rà soát sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô, mở rộng ngành nghề đào tạo, phân tầng chất lượng đào tạo;
Tập trung hình thành mạng lưới trường nghề chất lượng cao, tái cấu trúc hệ thống GDNN gắn với thị trường lao động; Xây dựng chuẩn nhà giáo GDNN, áp dụng chuẩn nhà giáo của một số nước phát triển, các tiêu chuẩn về kỹ năng nghề, kỹ năng sư phạm;
Triển khai và quản lý khung trình độ quốc gia, thiết lập hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ nghề quốc gia; Phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị cho đào tạo, tập trung đào tạo về kiểm định, đảm bảo chất lượng cho các cơ sở GDNN;
Gắn kết dạy nghề với thị trường lao động, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo nghề; Tăng cường và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của GDNN.
Đặc biệt chú trọng 3 nhóm giải pháp đột phá là: Trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội; nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở GDNN; Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng, Gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội.
Tôi xin nói thêm là một số giải pháp này đã và đang triển khai thực hiện, một số giải pháp cụ thể cần được Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng phê duyệt Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Các cơ sở GDNN sẽ có lợi ích gì, khi được trao quyền tự chủ đầy đủ và gắn với trách nhiệm
Trước hết, cần hiểu tự chủ không có nghĩa là giảm chi NSNN mà là chuyển đổi phương thức đầu tư NSNN cho GDNN theo hướng hiệu quả hơn, đầu tư tập trung trọng tâm, trọng điểm.
Cơ sở GDNN thực hiện tự chủ được trao quyền tự chủ toàn diện về các nội dung thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, nhân sự và tài chính. Đơn vị nâng cao được tính chủ động, sáng tạo trong công tác xây dựng kế hoạch; các hoạt động tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, cung cấp dịch vụ, tổ chức bộ máy, quản lý biên chế...
Các nguồn lực tài chính được sử dụng hiệu quả hơn. Huy động được nhiều nguồn vốn để đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị… thông qua các hoạt động hợp tác liên doanh, liên kết. Từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ, cũng như cải thiện điều kiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, tạo động lực để nâng cao chất lượng đào tạo.
Đi đôi với việc trao quyền tự chủ luôn là tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình. Nói như vậy, cũng có nghĩa là các cơ sở GDNN được trao quyền tự chủ sẽ chủ động hơn trong các quyết định của mình, đi đôi với đó là gắn với trách nhiệm.
Cơ sở GDNN nào thực hiện tốt tự chủ, đồng thời cũng sẽ nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng đào tạo và sẽ thành công trong quá trình hội nhập.
Xin cảm ơn ông!