Bên cạnh việc không ngừng đổi mới chất lượng đào tạo, một số trường đã cam kết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác tuyển sinh.
Tuyển sinh cao đẳng, trung cấp tăng 240%
Khảo sát tình hình tuyển sinh tại một số trường cao đẳng nghề cho thấy, nhiều trường đã tuyển đủ chỉ tiêu và tổ chức khai giảng trong tháng 9 vừa qua. Đơn cử như: Trường CĐN Bách Khoa Hà Nội đã tổ chức Lễ khai giảng năm học 2017-2018 cho hơn 3.000 tân sinh viên khóa 9 và Bế giảng, trao bằng tốt nghiệp cho 755 sinh viên khóa 6 vào ngày 30/9.
Tại TP HCM, Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn cũng đã kịp thời đón tiếp hơn 1.379 tân sinh viên khóa 2017 và tổ chức khai giảng năm học mới từ 22/9. Cũng trong buổi lễ khai giảng năm học mới 2017 - 2018, nhà trường đã trao bằng tốt nghiệp cho 808 tân cử nhân đã được đào ở các ngành như: Kỹ thuật Công nghệ, Kinh tế, Y - Dược.
Trong số 808 tân cử nhân tốt nghiệp lần này có 08 sinh viên xếp loại xuất sắc, 67 sinh viên đạt loại giỏi và có 86% tỷ lệ sinh viên đạt loại khá trở lên. Số sinh viên này đã được các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước tuyển dụng trực tiếp với mức thu nhập khá cao. Đối với Trường CĐN Đà Lạt, khai giảng năm học 2017-2018, nhà trường đã đón nhận trên 1.000 tân học sinh, sinh viên tựu trường.
Được biết, nhà trường duy trì lưu lượng 2.380 học sinh, sinh viên, đồng thời quan hệ hợp tác với trên 100 doanh nghiệp. Tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm đạt từ 82-91%.
Theo ông Đỗ Văn Giang- Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), tuyển sinh học nghề năm nay đã khởi sắc trong khó khăn. So với năm trước, các trường CĐ, TC top trên đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong công tác tuyển sinh.
Trong 9 tháng đầu năm tuyển sinh CĐ, TC tăng gần 240%, nếu so với cùng kỳ năm ngoái tuyển sinh CĐ, TC là trên 120 nghìn học sinh sinh viên, thì năm nay tuyển sinh CĐ, TC đạt trên 281 nghìn học sinh sinh viên. Công tác tuyển sinh tại các trường top trên là tương đối tốt, nhưng các trường top dưới vẫn còn nhiều khó khăn.
Hành lang pháp lý thông thoáng
Về công tác tuyển sinh học nghề năm 2017, TS Trương Anh Dũng- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết: Đây là năm đầu tiên tuyển sinh theo luật GDNN, cũng là năm đầu tiên quản lý GDNN được thống nhất về một đầu mối là Bộ LĐ-TB&XH, điều này tạo sự đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành và thuận lợi cho các cơ sở GDNN.
Tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tuyển sinh năm nay theo một hệ thống văn bản hướng dẫn duy nhất. Bên cạnh đó là sự vào cuộc quyết liệt với nhiều đổi mới trong công tác tuyển sinh, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các cơ sở đào tạo. Ngay từ đầu năm Tổng cục GDNN đã ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức các hội nghị tuyển sinh.
Trong đó, điểm nổi bật là giao tối đa quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo trong tuyển sinh học nghề, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở đăng ký hoạt động GDNN; Tổ chức, chỉ đạo hàng loạt các hoạt động tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp giúp người học tiếp cận đầy đủ thông tin về các ngành nghề đào tạo.
Đáng chú ý, nhiều trường có thương hiệu đã mạnh dạn đầu tư cho công tác tuyển sinh, đầu tư cho truyền thông tuyển sinh, giúp cho người học, các bậc phụ huynh thay đổi nhận thức, đặc biệt một số trường đã cam kết đảm bảo việc làm và thu nhập cụ thể. “Những thay đổi này, đã tạo được niềm tin của xã hội với học nghề, và chính là sức hút mạnh mẽ trong tuyển sinh học nghề” - Phó Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng chia sẻ.
Mặc dù đã có những chuyển biến hết sức tích cực trong công tác tuyển sinh, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít các cơ sở đào tạo và một số ngành nghề vẫn khó tuyển sinh, đặc biệt là nhóm các trường top dưới, các nhóm ngành như kế toán, Y- dược, những nghề nặng nhọc, nguy hiểm như khoan nổ mìn, công nghệ mạ, kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò,…
Theo nhận định của các chuyên gia, truyền thông và sự chuyển biến nhận thức đã giúp cho phụ huynh và các em học sinh nắm bắt được thông tin của thị trường lao động, nên họ có xu hướng loại trừ một số ngành có khả năng dư thừa nhân lực trong tương lai. Cùng với đó, các nhóm ngành nghề nặng nhọc, nguy hiểm chưa có sự thay đổi trong công nghệ sản xuất cũng như trong đào tạo nghề, điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực và khó khăn trong công tác tuyển sinh.
Chính vì vậy, trước khi các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những cơ chế, chính sách điều chỉnh mới. Các cơ sở đào tạo cần chủ động tăng cường năng lực đào tạo, thay đổi các giải pháp tuyển sinh, truyền thông hướng nghiệp, tạo dựng thương hiệu, tạo sức hút cho người học.
Theo báo cáo của Tổng cục GDNN, trong thời gian qua, chất lượng và hiệu quả đào tạo GDNN đã có những bươc chuyển biến tích cực; đào tạo từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm, yêu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp đòi hỏi lao động trực tiếp, tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, do đó đã góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Hàng năm học sinh sinh viên có việc làm ngay sau tốt nghiệp đều đạt trên 70%.