Cà Mau: Sự nghiệp Giáo dục có nhiều khởi sắc

GD&TĐ - Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về tình hình giáo dục tỉnh nhà. Với tâm huyết dành cho sự nghiệp GD&ĐT, đồng chí Trần Hồng Quân đã dành cho báo Giáo dục và Thời đại nhiều vấn đề thời sự giáo dục được nhân dân quan tâm.

Đồng chí Trần Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng Cờ thi đua cho các đơn vị xuất sắc trong năm học 2016 - 2017
Đồng chí Trần Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng Cờ thi đua cho các đơn vị xuất sắc trong năm học 2016 - 2017

PV: Nhân dịp Kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, xin ông đánh giá tình hình phát triển GD&ĐT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

Đồng chí Trần Hồng Quân: Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo ngành giáo dục tỉnh Cà Mau; trên cơ sở đó, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong việc phát triển giáo dục và đào tạo, bước đầu đã đạt một số kết quả nổi bật:

Đồng chí Trần Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Công tác rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo; các cơ sở giáo dục và đào tạo gắn với các địa bàn dân cư, do vậy đã tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng cơ bản những nhu cầu học tập của học sinh và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Chất lượng giáo dục được duy trì, củng cố và ngày càng được nâng lên; hoàn thành phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi; đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên các ngành học, cấp học được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ từng bước được đáp ứng; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng được mở rộng và đáp ứng cơ bản yêu cầu của xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được thì vẫn còn một số khó khăn, thách thức như:

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết căn bản; nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu; nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất còn hạn hẹp…

PV: Trong những thành quả đạt được của ngành GD&ĐT Cà Mau, theo ông những thành quả nào là nổi bật nhất?

Đồng chí Trần Hồng Quân: Trong những kết quả đã đạt được của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau, có một số kết quả nổi bật như sau:

Thứ nhất là chất lượng đào tạo giáo dục được nâng lên ở từng cấp học. Đối với Giáo dục Mầm non: Công tác xây dựng trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được các địa phương, đơn vị, trường học đặc biệt quan tâm; một số đơn vị đã làm tốt việc tham mưu gắn xây dựng trường chuẩn quốc gia với xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, cả tỉnh có 63/132 trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 47,73%. Năm học 2016 - 2017, tỉnh Cà Mau được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đến nay 100% các huyện, thành phố đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập.

Đối với Giáo dục phổ thông: Cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Đối với Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp: Hệ thống các trường cao đẳng, trường chuyên nghiệp trong tỉnh tuy còn ít so với khu vực, nhưng tương đối hoàn chỉnh, hoạt động cơ bản có nề nếp, chất lượng giảng dạy được chú trọng.

Trong năm học các trường được giao chỉ tiêu đào tạo ổn định, có một số ngành tăng hơn so với năm trước đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội; mặt khác các trường còn mở các lớp liên kết đào tạo nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh.

Thứ hai là chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn tăng so với thời gian trước.

Ngành giáo dục đã tích cực triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đồng thời, thực hiện việc rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp để từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, đáp ứng theo các tiêu chuẩn mới.

Ngoài ra, tạo điều kiện cho giáo viên hoàn thiện các tiêu chuẩn theo yêu cầu của hạng chức danh nghề nghiệp, đảm bảo việc thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên theo quy định.

Thứ ba là việc đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp, mua sắm trang thiết bị dạy và học được tăng cường. Mặc dù trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, tỉnh cũng đã ưu tiên bố trí các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, sửa chữa các hạng mục của các trường, lớp như:

Khu vệ sinh, cải tạo, sơn sửa phòng học, nâng nền phòng học, đường điện, nhà đa năng, sân trường, nhà xe, khu hiệu bộ…

Ngoài ra, còn đầu tư các trang thiết bị dạy học nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập như: Máy vi tính cho các phòng máy dạy học, máy photocopy, thiết bị thí nghiệm, sách tài liệu chuyên môn, máy in, phòng ngoại ngữ, phần mềm thiết bị tương tác thông minh và nhiều thiết bị giảng dạy khác.

Hệ thống trường lớp ở Cà Mau ngày càng khang trang
Hệ thống trường lớp ở Cà Mau ngày càng khang trang

PV: Thưa ông, Cà Mau là địa phương còn nhiều khó khăn, để phát triển sự nghiệp GD&ĐT, tỉnh đã có những chủ trương, giải pháp nào?

Đồng chí Trần Hồng Quân: Thời gian qua, để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, tỉnh Cà Mau đã có nhiều chủ trương, giải pháp triển khai thực hiện, cụ thể một số nội dung cơ bản như sau:

Một là, rà soát, sắp xếp lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, quy mô các cơ sở giáo dục đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Hai là, rà soát, sắp xếp lại đội ngũ viên chức sự nghiệp giáo dục từ nơi thừa sang nơi thiếu, đảm bảo số người làm việc theo định mức vị trí việc làm, khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số vị trí; cân bằng về số lượng, chất lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục trong tỉnh.

Ba là, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn chỉnh Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025, sớm trình cấp thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở triển khai nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành giáo dục.

Bốn là, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng Đề án xây dựng và kiểm tra công nhận lại Trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2017 - 2020; trên cơ sở đó, phân chia cụ thể từng giai đoạn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục để đảm bảo đạt các tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định, phấn đấu đến năm 2020 đạt các chỉ tiêu đã đề ra.

PV: Mặc dù sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà có nhiều khởi sắc, nhưng vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Để thực hiện thành công Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo”; trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ tập trung vào các giải pháp nào, thưa ông?

Đồng chí Trần Hồng Quân: Để thực hiện thành công Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục và đào tạo: Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các định hướng nhiệm vụ chủ yếu của ngành về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tới các cơ sở giáo dục, đào tạo, giáo viên, học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh và tạo sự đồng thuận của xã hội.

Hai là, nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp: Tổ chức quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục và đào tạo chủ chốt ở các cấp, các trường (cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng và cấp trường) để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý phong phú, có chất lượng tốt.

Ba là, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo: Ngoài Chương trình mục tiêu quốc gia và kinh phí của địa phương đầu tư hàng năm, các cơ sở giáo dục cần làm tốt phong trào xã hội hóa giáo dục nhằm huy động thêm kinh phí để mua sắm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và xây dựng xã hội học tập, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm định chất lượng giáo dục các cơ sở giáo dục.

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục: Tập trung phát triển hệ thống hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, hiện đại; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành và triển khai Chính quyền điện tử, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; nghiên cứu áp dụng linh hoạt, hiệu quả các hình thức đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin và xã hội hóa.

Xin cảm ơn ông !

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ