Một trong những địa điểm hóa thạch dày đặc nhất thế giới đang được khai quật tại Alberta, Canada, nơi các nhà cổ sinh vật học đã tìm thấy hơn 8.000 bộ xương khủng long Pachyrhinosaurin chỉ trong một khu vực rộng bằng sân bóng đá.
Khu vực này có tên gọi “Dòng sông tử thần” (River of Death), được phát hiện lần đầu năm 1974 bởi một giáo viên trung học địa phương tại Pipestone Creek.
Sau phát hiện ban đầu, nơi đây đã trở thành một trong những phát hiện khảo cổ học quan trọng nhất thời khủng long và là tiền đề cho sự ra đời của một bảo tàng chuyên về khủng long.
Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, một thảm họa chưa rõ nguyên nhân đã khiến cả đàn Pachyrhinosaurin – loài khủng long thuộc họ Ceratopsidae – thiệt mạng chỉ trong chớp mắt khoảng 72 triệu năm trước.
Loài này có cấu trúc cơ thể chắc nịch, đầu có 3 sừng và đặc biệt là phần mũi phát triển nổi bật gọi là "nasal boss".
Bà Emily Bamforth, giáo sư cổ sinh vật học chia sẻ với BBC: “Mật độ xương tại đây thật đáng kinh ngạc.” Bà cho biết mỗi diện tích khoảng 1 mét vuông có thể chứa tới 300 mảnh xương.
Những hóa thạch được phát hiện gồm đủ loại từ xương sườn dài mảnh đến các mảnh xương không định hình.
Dù chưa xác định chính xác nguyên nhân cái chết hàng loạt, các nhà khoa học tin rằng một trận lũ quét đột ngột là nguyên nhân khả dĩ nhất.
Bà Bamforth nhận định: “Chúng tôi tin rằng đàn khủng long này đang di cư theo mùa thì bất ngờ bị cuốn vào một thảm họa khủng khiếp, có thể là lũ quét, khiến phần lớn đàn thiệt mạng.”
Hiện trường cho thấy các lớp trầm tích xoáy cuộn – dấu vết đặc trưng của dòng nước chảy xiết. Một cơn bão có thể đã quét qua dãy núi, cuốn theo cây cối và đá tảng, ập xuống đàn khủng long ăn cỏ vốn chậm chạp, cơ thể nặng nề và không giỏi bơi.
Mùa khai quật năm nay đang diễn ra sôi nổi và sẽ kéo dài đến mùa thu. Với số lượng xương hóa thạch khổng lồ, địa điểm này không chỉ mang lại kho dữ liệu quý báu về Pachyrhinosaurus mà còn mở rộng hiểu biết về kỷ nguyên tiền sử của Trái Đất.