UFO đâm tiêm kích F-16 giữa sa mạc Arizona, phi công suýt gặp nạn

GD&TĐ - Tiêm kích F-16 Mỹ bị vật thể bay không xác định đâm trúng khi huấn luyện, gây nứt kính buồng lái và buộc hạ cánh khẩn cấp.

Năm 2023, một chiếc F-16 Viper (trong ảnh) đã bị một UFO đâm trúng mà các quan chức liên bang tin rằng đó là một loại máy bay không người lái.
Năm 2023, một chiếc F-16 Viper (trong ảnh) đã bị một UFO đâm trúng mà các quan chức liên bang tin rằng đó là một loại máy bay không người lái.

Một chiếc tiêm kích F-16 Viper của Không quân Mỹ đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp sau khi va chạm với một vật thể bay không xác định (UFO) trong lúc huấn luyện trên bầu trời bang Arizona.

Vụ việc xảy ra hôm 19/1/2023, theo tài liệu mới được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) công bố.

FAA cho biết, vật thể va vào máy bay là một thiết bị bay không người lái có màu cam-trắng, được mô tả là "UAS" (Uncrewed Aerial System – hệ thống bay không người lái), hay còn gọi là drone.

Vật thể đã đâm vào phía sau của kính buồng lái – lớp kính bảo vệ phi công – gây nứt nghiêm trọng.

Chiếc tiêm kích trị giá khoảng 63 triệu USD đang bay trong vùng trời quân sự hạn chế gần thị trấn Gila Bend thì xảy ra va chạm. Rất may, không có ai bị thương và chiếc F-16 đã hạ cánh an toàn. Máy bay này sau đó bị tạm ngưng hoạt động để sửa chữa.

Chỉ trong vòng một ngày sau vụ va chạm, có thêm 3 báo cáo về vật thể bay không xác định khác tại khu vực Trường huấn luyện Barry M. Goldwater – vùng sa mạc sát biên giới Mỹ - Mexico, nơi chuyên tổ chức các bài tập không chiến và tấn công mặt đất cho phi công quân sự.

Sự việc trên là một trong 22 vụ phi công tiêm kích Mỹ phát hiện hoặc va chạm với các vật thể lạ trong thời gian từ tháng 10/2022 đến tháng 6/2023, theo trang azfamily.com.

Phần lớn các vụ xảy ra trong phạm vi 160 km tính từ Căn cứ Không quân Luke, nơi triển khai nhiều phi đội F-16 huấn luyện tại vùng sa mạc Arizona.

Dù FAA khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy vật thể va chạm là đến từ ngoài Trái Đất, nhưng vụ việc làm dấy lên lo ngại khi Arizona ngày càng trở thành “điểm nóng UFO” tại Mỹ.

Theo báo cáo mới nhất từ Văn phòng Giải quyết Dị thường Đa miền của Bộ Quốc phòng Mỹ (AARO), đã có 757 báo cáo về hiện tượng bay không xác định (UAP – Unidentified Aerial Phenomena) trên toàn cầu từ tháng 5/2023 đến tháng 6/2024, trong đó chỉ 49 trường hợp đã được giải mã (đa số là máy bay, bóng bay, chim, vệ tinh hoặc drone).

Riêng tại Mỹ, có ít nhất 410 vụ trong số này xảy ra – phần lớn được chuyển đến từ FAA và nhiều vụ khác diễn ra trong vùng trời quân sự hạn chế nhưng chưa được công bố vị trí cụ thể.

Ông Luis Elizondo – cựu sĩ quan tình báo từng điều tra các vụ UFO tại Lầu Năm Góc – xác nhận rằng “rất nhiều người báo cáo đã nhìn thấy vật thể lạ tại Arizona, đặc biệt là khu vực biên giới”.

Ông Bob Thompson – người từng phục vụ 14 năm tại Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) – cũng chia sẻ với kênh NewsNation rằng ông từng nhìn thấy nhiều dạng UFO khác nhau: từ khối cầu, vật thể hình điếu xì gà cho đến tam giác.

Ông nói hơn 100 đồng nghiệp tại CBP đã xác nhận từng chứng kiến các vật thể kỳ lạ, trong đó có cả “cánh cổng không gian” mở ra trên bầu trời và có hình ảnh ghi lại.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều quan chức chính phủ Mỹ tin rằng phần lớn các vụ này có thể liên quan đến hoạt động gián điệp công nghệ cao của các băng đảng ma túy từ Mexico.

Bà Ali Bradley – phóng viên chuyên trách biên giới của NewsNation – nói: “Chúng tôi đang chứng kiến các drone được dùng làm phương tiện do thám để theo dõi lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ.”

Theo cựu Cố vấn biên giới Tom Homan, nhiều drone loại này lớn hơn và khó bị phát hiện hơn loại do Trung Quốc triển khai, có khả năng chở hàng hóa như ma túy và đặc biệt được dùng để do thám các căn cứ quân sự Mỹ tại Arizona.

AARO cho biết đã đề xuất đóng lại 243 vụ việc khác với lý do tương tự các trường hợp đã được xác minh – phần lớn là do nhầm lẫn với thiết bị bay thông thường.

Theo Daily Mail

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các nhà hảo tâm vận chuyển hệ thống điện năng lượng mặt trời đến tặng điểm trường Phia Cò 2 (Nam Cao, Bảo Lâm, Cao Bằng).

Gian nan bám điểm trường, làng bản

GD&TĐ - Vượt hơn 200km đến dạy học điểm trường Phia Cò 2 (Nam Cao, Bảo Lâm, Cao Bằng), cô Trương Thị Nga đã trở thành người của bản làng suốt 15 năm qua.