Xu hướng “Bắc tiến”
Số sinh viên Hồng Kông đăng kí học các trường đại học tại đại lục đã tăng gấp 10 lần trong thập kỉ qua – bất chấp tâm lí thận trọng của giới trẻ về việc sang đại lục học tập.
Một nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ học sinh THPT đăng kí học đại học tại Trung Hoa đại lục tăng vọt từ mức vỏn vẹn 1% năm 2006 lên mức đỉnh hơn 7% năm 2012, rồi giảm một chút xuống còn khoảng 6% vào năm ngoái.
Xu hướng này ngược với tâm lí bài Trung Hoa lục địa trong thanh niên Hồng Kông, đặc biệt vào năm 2012 khi hàng chục nghìn người phản đối kế hoạch của chính phủ Trung Quốc dạy chương trình giáo dục quốc gia tại tất cả trường học Hồng Kông.
Năm ngoái, 1/10 trong hơn 3.500 ứng viên đã lựa chọn học chuyên ngành Y học Trung Quốc, với hơn một nửa ứng viên vào học các trường hàng đầu tại Quảng Đông, như ĐH Sun Yat-en và ĐH Tế Nam, những trường Y nổi tiếng - theo một cơ sở tư vấn GD đại lục.
Chỉ có khoảng 20 sinh viên học tại ĐH Bắc Kinh, lí do là những trường danh tiếng như vậy quá xa và quá khó để có thể được tuyển sinh.
Một số tú tài Hồng Kông lựa chọn “Bắc tiến” cho biết kinh tế bùng nổ tại đại lục và sinh hoạt phí tương đối thấp là yếu tố thúc đẩy họ sang đại lục du học. Nhưng nhiều chuyên gia giáo dục không chắc chắn liệu xu hướng này có tiếp diễn không.
Cơ hội việc làm rộng mở
“Tôi phải thừa nhận rằng có nhiều điều cần được cải thiện tại Trung Quốc đại lục và nơi này không phát triển như Hồng Kông” - John Li Chun-hei, sinh viên năm hai khoa Quan hệ quốc tế tại ĐH Bắc Kinh, nói - “Nhưng Trung Quốc đại lục có tiềm năng lớn tăng trưởng kinh tế”.
Li đã bỏ kế hoạch học kinh doanh và kinh tế tại ĐH Khoa học và Công nghệ Hồng Kông năm 2014 và chọn tới Bắc Kinh mặc dù hiệu trưởng của Li can ngăn. Theo lập luận của Li thì đại lục, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có một thị trường lớn hơn nhiều Hồng Kông, cùng với sự hấp dẫn của sinh hoạt phí thấp. “Chỉ mất khoảng 15 tệ (18 HK$) cho một bữa ăn ngon lành tại căng tin trường, nhưng tại Hồng Kông thì giá phải gấp đôi” - Li dẫn chứng.
Lo Wing-cheung, chuyên gia tuyển sinh đại học tại đại lục, cho biết, một số lớn học sinh Hồng Kông chọn học tại tỉnh Quảng Đông bởi thành phố này gần gũi về địa lí và văn hóa với Hồng Kông hơn.
“Y thuật Trung Quốc là ngành học phổ biến nhất trong hàng trăm ngành học” – Lo Wing-cheung nói – “Có rất nhiều bệnh viện y thuật Trung Quốc tại Quảng Châu, Thượng Hải và Bắc Kinh”.
Lo Wing-cheung chỉ ra rõ rằng ngành Y thuật Trung Quốc phát triển tạo nhiều cơ hội thực tập và việc làm cho học sinh. Hồng Kông cũng có kế hoạch xây dựng bệnh viện y thuật Trung Quốc đầu tiên để đáp ứng nhu cầu tăng cử nhân trong lĩnh vực này.
Lo Wing-cheung cũng gợi ý rằng, số sinh viên quan tâm tới trường kinh doanh tại đại lục tăng là kết quả của quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn. “ĐH Bắc Kinh và Thanh Hoa đã để mắt hơn tới sinh viên từ Hồng Kông trong những năm gần đây, tăng từ vài SV lên khoảng 20 SV năm ngoái” - Lo Wing-cheung nói - “Họ đang cạnh tranh giành giật tài năng từ các trường ĐH hàng đầu ở Hồng Kông”.