Điểm nóng nhất để dư luận hướng vào là bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của tác giả Tòng Văn Hân được trao giải B đồng hạng với tác giả Nguyễn Văn Song (không có giải A).
Giải B của tác giả Tòng Văn Hân có 3 bài: “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”, “Làm rể”, “Nhà dưới nhà trên”. Tác giả Tòng Văn Hân quê Điện Biên thật thà nói rằng, làm thơ với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình quảng bá hình ảnh tươi đẹp trong không gian sống của người Thái nói riêng, của người miền núi nói chung.
Là một tên tuổi rất mới, nếu giải cao nhất mà thuyết phục được công chúng thì rất đáng mừng. Tuy nhiên, kết quả lại khác, các ý kiến cho rằng thơ rất nôm na và ngô nghê. Có nhà phê bình khẳng định “đó không phải là thơ”, đó là văn nói không chút vần điệu. Không hiểu sao báo Văn Nghệ lại cho đăng “văn bản” này và gọi đó là thơ, rồi còn trao giải cao nhất - cho thấy thái độ khinh thường văn chương.
Có lẽ sau những ồn ào này, điều cần thiết phải làm là hội đồng chung khảo cần một cuộc giải thích chính thức lý do trao giải. Bằng việc phân tích cái hay cái đẹp, cái long lanh cả về hình thức lẫn nội dung của các bài thơ, xem độc đáo ở chỗ nào? Xuất sắc ra sao?
Chưa chính thức, nhưng tạm thời nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội đồng chung khảo của giải thơ - vẫn kiên định rằng “thơ của Tòng Văn Hân rất được”. Ông nói, bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” mà nhiều người mang ra “cười cợt”, thực ra rất thú vị ở sự nhân văn, độ lượng.
Thiển nghĩ, đem sự “nhân văn” ra để biện minh cho việc trao giải đang ồn ào không phải là phong thái của sự thẳng thắn. Trao giải cho “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” không phải lỗi của tác giả Tòng Văn Hân, mà là lỗi của ban giám khảo. Khi dư luận đã phản ứng gay gắt, những người cầm cân nảy mực cần có phản hồi thiện chí, hoặc chứng minh mạch lạc giá trị thi ca. Không thể đem sự “nhân văn” làm lá chắn trước dư luận.
Lê Quý Đôn trong “Vân đài loại ngữ” đã cho hậu thế lời khuyên sâu sắc: “Văn chương là của chung thiên hạ, phân tích thì được chứ không nên chê mắng”. Thực ra, trong sự ồn ào của giải thơ này - không có ai chê mắng tác giả Tòng Văn Hân - họ chỉ nghi ngờ tác phẩm “không phải là thơ”, trong khi ban giám khảo khen đó là thơ hay và trao giải.
Đồng ý rằng, nghệ thuật có nhiều góc nhìn, nhiều cách cảm khác nhau. Nhưng cái gì cũng phải có niêm luật riêng, không thể phá hoại rồi gọi đấy là phá cách như trường phái thơ “tân con cóc”.
Chuẩn mực và thước đo để đánh giá về giá trị nghệ thuật sẽ bị đảo lộn, thơ ca sẽ “chết dần” nếu những người cầm cân nảy mực không sòng phẳng, không giải thích thuyết phục được “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” đủ yếu - tố - cấu - thành một bài thơ và xứng đáng trao giải.