Mật mã nghệ thuật trong bài thơ Tây Tiến

GD&TĐ - Sử dụng ngôn ngữ sao cho hay và hiệu quả là một nghệ thuật. Cái đẹp của ngôn ngữ được các nhà văn nhà thơ sử dụng thành công một phần nhờ có tu từ học, ở tài dụng ngôn giàu liên tưởng.

Người lính Tây Tiến đã đánh đổi những năm tháng đẹp nhất của đời mình để đổi lấy hòa bình. Ảnh minh họa: IT
Người lính Tây Tiến đã đánh đổi những năm tháng đẹp nhất của đời mình để đổi lấy hòa bình. Ảnh minh họa: IT

Bài viết này thử đi tìm mật mã nghệ thuật trong bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng dưới góc nhìn liên tưởng. 

Nếu ví bài thơ Tây Tiến như một cái cây thì đó phải là cây đại thụ của thơ yêu nước buổi đầu kháng chiến chống Pháp. Cây đại thụ ấy được kiên cố nhờ xúc cảm thăng hoa đến bềnh bồng, tứ thơ đa dạng mà thống nhất, giọng điệu tài hoa, tài tử, lãng mạn. Bài thơ có nhiều thông điệp ngầm, được mã hóa bởi những mật mã riêng.

Trong đó, khổ thơ thứ nhất chính là bộ rễ của cây Tây Tiến. Mật mã nghệ thuật của nó chính là từ “nhớ”. Nếu khổ hai, khổ ba: Đêm hội đuốc hoa, quãng đường qua Châu Mộc là thân cây thì mật mã nghệ thuật đoạn này chính là từ “bừng”. Nếu hoa của cây là khổ 3 thì bí ẩn nghệ thuật được giấu sau hình ảnh “mộng biên giới”. Và, nếu khổ cuối là quả của cây Tây Tiến thì “xuân” (mùa xuân) chính là mật mã nghệ thuật của đoạn thơ. Có thể tóm tắt mật mã nghệ thuật của cây đại thụ Tây Tiến một cách đơn giản:

“Nhớ” – khổ 1 – rễ cây

“Bừng” – khổ 2 và 3 – thân cây

“Mộng biên giới” – khổ 4 - hoa của cây

“Mùa xuân” – khổ 5 – quả của cây

Rễ cây

Đó là nỗi nhớ  Tây Tiến – đơn vị cũ, chiến trường xưa. Qua nỗi nhớ ấy, miền Tây Bắc, bộ đội Tây Tiến đồng hiện, hỗ trợ nhau, chở che nhau, tôn lên nét đẹp cho nhau.

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi; Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”. Có thể nói, nỗi nhớ là cảm xúc chủ đạo tạo nên mạch ngầm Tây Tiến. Không có nỗi nhớ thì không có Tây Tiến nhưng không có Tây Tiến cũng chẳng có nỗi nhớ nào bồng bềnh, bảng lảng như mây khói mà ám ảnh đến nao lòng. Sau khi gọi Tây Tiến “Tây Tiến ơi” nghe như gọi người thân, người thương, nhà thơ mở rộng thêm không gian Tây Bắc quyền uy. Cách gọi ấy khiến cho người được gọi không muốn thưa, mà muốn ôm, muốn thơm. Kiểu gọi ấy chỉ có thể khởi phát từ hồn trai trẻ trung, có chút phóng khoáng và rất đỗi lãng mạn của chàng tân binh gốc Hà thành Quang Dũng.

Sau khi gọi Tây Tiến, nhà thơ thông qua điệp từ “nhớ” đã gọi về hai không gian: Không gian thực “nhớ về rừng núi” và không gian mộng ảo “nhớ chơi vơi”. Nhớ về rừng núi thì cụ thể, hữu hình, như sờ, như chạm được. Đó có thể là các không gian “Sài Khao sương lấp”, “heo hút cồn mây”, “dốc thăm thẳm”, “súng ngửi trời”, “hồn lau nẻo bến bờ”…  Nhưng thế nào là “nhớ chơi vơi”. Nó không đo được, không nếm được, không chạm được và cũng không thấy được, chỉ có thể cảm được bằng trái tim nhạy cảm, tinh tế với niềm đồng cảm sâu sắc. Đó có thể là nhớ về người đồng đội vô danh nằm xuống, nhớ dân bản xứ thân thiện vẫy tay khi hành quân qua bản, nhớ mùi hương hoa gì đó trong đêm sương, nhớ sơn nữ ca đêm lửa trại gợi nhớ thương, chưa kịp làm quen, chưa kịp hỏi nhà đã lên đường đi Châu Mộc vì nhiệm vụ, hoặc nhớ lời hẹn ước nào đó chưa thực hiện được. Nhớ cả trong lúc mơ, trong vô thức “nhớ chơi vơi” là nỗi nhớ mãnh liệt, cháy bỏng, một nỗi nhớ da diết đến ám ảnh.

Làm thế nào để cảm được ý thơ độc, lạ “nhớ… nhớ… chơi vơi” đây? Nào, thử nhắm mắt lại, hít vào nhẹ, êm, sâu rồi chậm rãi thở ra… rồi nín thở 5 giây. Lặp lại 3 lần như thế, cảm thấy thỏai mái. Đọc lại câu thơ “nhớ về rừng núi nhớ - chơi – vơi”. A, nhớ - chơi - vơi phải chăng là miền Tây Tiến như nàng sơn nữ đầy bí ẩn. Nàng khác với vẻ đẹp chải chuốt và biết tôn mình nhờ phục trang, chất liệu vải vóc, phấn son các kiểu của các nàng Hà thành. Nàng tự nhiên, bản năng đầy e lệ, bí ẩn huyền hoặc kiểu như cô gái Exmeranda gốc Digan trong Nhà thờ Đức bà Pari khiến viên đại úy, chàng thi sĩ lẫn anh gù – mù – chột Quadimodo đều lụy? Nàng khiến chàng trai bản lẫn bộ đội Tây Tiến đều ngất ngây? Nàng lấp ló như sương khi dăng mắc khi ẩn mình nơi chân trời chạm đỉnh núi. Có khi, chính nàng lại thơm mùi cơm nếp xôi, ngọt và ấm. Nàng ấy lại có khi như nhánh lan rừng, như hồn lau trắng muốt làm tươi thêm núi đèo Tây Bắc. Đấy, chỉ ba từ “nhớ chơi vơi” tưởng là nhà thơ bí từ hay bị áp lực gieo vần, nhưng không.

Sau nỗi nhớ chơi vơi ấy, miền sơn cước Tây Bắc bồng bềnh, bảng lảng sương dăng, núi đồi nhấp nhô, đèo và thung lũng uốn lượn như dáng rồng, đêm hội đuốc thắp lên như những bó hoa, đoạn qua Châu Mộc thêm bồng bềnh hồn lau – anh linh của người lính nào đã “gục lên súng mũ” hay hoa lau, khúc độc hành của sông Mã như tiễn biệt. Và rồi mùa xuân…

Thân cây

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa”. Từ “bừng” được xem như chiếc chìa khóa vạn năng mở được bí mật các hình ảnh thơ trong khổ thơ thứ 2 và thứ 3. “Bừng” được hiểu như động từ là bung, là nở một cách tưng bừng, lại có thể hiểu như tính từ “bừng sáng”. Nếu là bừng sáng ta dễ hình dung, rằng đêm Tây Bắc tối nhưng lửa trại thắp lên sáng rực. Ánh sáng của lửa trại soi sáng, hồng lên những khuôn mặt của người dự hội. Các cô gái bản dù không điểm tô vẫn trở nên rực rỡ, má không phấn vẫn hồng, môi không son vẫn thắm. Đẹp chưa? Không đẹp sao anh thấy bất ngờ, thích thú, khen “ô kìa em, sắm sửa từ hồi nào mà lung linh thế kia?”. Nó cũng roi sáng khuôn mặt, làn da các anh lính Tây Tiến, dù thực tế là “quân xanh màu lá” nhưng qua ánh lửa trại, qua tâm trạng phơi phới trong lòng lại trở nên rạng rỡ, khác hẳn. Chỉ một từ mà gợi bao nhiêu liên tưởng. Nếu có danh xưng vua dụng ngôn giàu chất liên tưởng, Quang Dũng xứng danh quán quân?

Trở lại mật mã nghệ thuật trong khổ thơ thứ 2, từ “bừng”. Từ ngoại cảnh bừng sáng của đêm lửa trại kết nối tình quân dân, làm ấm lòng những anh lính Tây Tiến sau chặng vượt đồi, đèo, thác ấy là món quà tinh thần dân bản tặng các anh. Đó là “thơm nếp xôi”, là “bừng – hội đuốc hoa”, là “em xiêm áo”, là “khèn lên man điệu”, là “nàng e ấp”... Tất cả đều khiến các anh lính Tây Tiến phơi phới, bất ngờ và thích thú. Vì văn hóa lạ mà ân tình của dân bản địa Tây Bắc. Vì các cô gái bản phục trang, cử chỉ, phong thái tự nhiên như cỏ cây, như nước suối khiến các anh lính trẻ như được phiêu du trong niềm xúc động. Và vì điệu khèn du dương, như những bản tình ca du mục khiến người ta được phiêu lưu trong nhạc lòng. Tất cả đều lạ lẫm, mới mẻ, hạnh phúc vì đêm ân tình quân dân này. Hình dung khổ thơ thứ hai này như thân của cây Tây Tiến thì thân ấy vững chãi, bền bỉ, gan lì. Nó là sự cộng hưởng của sức mạnh thể chất lẫn ý chí và tinh thần đoàn kết thẫm đẫm tình quân dân, nơi dân bản là hậu phương vững chắc về cả vật chất lẫn tinh thần.

Chặng đường qua Châu Mộc nhờ được tiếp sức từ đêm lửa trại tưng bừng háo hức ấy mà trở nên vững bước hơn: “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy; Có thấy hồn lau nẻo bến bờ”. Hai từ “hồn lau” giàu sức gợi. Có thể là linh hồn những đồng đội đã “gục lên súng mũ bỏ quên đời”, có thể là hoa lau – hoa là tinh túy của cây, đẹp nhất, giá trị nhất nên hoa chính là hồn cây. Cả thung lũng,  sườn đồi, ven đèo đều bồng bềnh sắc trắng hoa lau. Còn có thể là nỗi lòng người lính Tây Tiến còn luyến lưu “thơm nếp xôi”, luyến lưu đêm “hội đuốc hoa”, luyến lưu “em xiêm áo”, luyến lưu “khèn man điệu”... nên chặng đường qua Châu Mộc cỏ cây cũng như bầu bạn, cũng như anh em, ân tình thắm thiết. Khi lòng còn luyến lưu thì cỏ cây tưởng vô tri vô giác cũng hữu tình thiết tha. Nếu thơ hay là thơ đa nghĩa, thì “hồn lau nẻo bến bờ” là một hình ảnh thơ như thế.

Như vậy, đoạn thơ thứ 2 và thứ 3 chỉ một mật mã thơ là từ “bừng” nhưng giúp ta giải mã được bao bí ẩn về cảnh và người. Cảnh và người Tây Tiến – Tây Bắc đồng điệu và đồng hiện. 

Nhà thơ Quang Dũng.
Nhà thơ Quang Dũng.

Hoa của cây

Nếu như khổ thơ thứ nhất có vai trò như bộ rễ chuyên tìm kiếm và cung cấp dưỡng chất đặc biệt cho cây Tây Tiến tốt tươi đơm hoa kết trái tạo hạt giống cho mùa sau hứa hẹn bội thu, nếu khổ 2 và khổ 3 như thân cây vững mạnh kết nối chùm rễ với cành - lá – hoa - quả thì khổ thơ thứ 4 lại là hoa của cây cổ thụ ấy. Hoa ấy chính là bức chân dung khá đầy đủ, sắc sảo, tôn được cá tính của những anh lính trẻ bền gan, vững chí.

Trong bức chân dung người lính Tây Tiến, “mộng biên giới” có thể xem như là hoa của cây đại thụ ấy. Người lính, rời phố thị hào hoa, thay bộ phục trang học sinh, sinh viên Hà thành, khoác lên mình bộ quân phục màu xanh áo lính bỗng trở nên mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn và tự nhiên thấy chín chắn hơn hẳn. Tính chất lính chiến không ngại sa trường, chẳng sợ hi sinh được thể hiện rõ nhất ở ánh mắt. “Mắt trừng” là ánh mắt thao thức, ánh mắt quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của người lính yêu nước. Nhiệm vụ chính của bộ đội Tây Tiến là phối hợp với bộ đội Lào để bảo vệ biên giới Việt – Lào và đồng thời tiêu hao một phần sinh lực địch. Để thực hiện nhiệm vụ khổ nhọc ấy, họ phải quyết tâm lẫn tập trung cao độ. Ánh mắt xưa nay là biểu tượng của tâm hồn. Họ là những tâm hồn trẻ giàu lí tưởng bảo vệ Tổ quốc nên ánh mắt ấy còn biểu tượng cho ý chí mạnh mẽ, quyết hoàn thành nhiệm vụ. Có lẽ, nhờ ý chí ấy họ đã xuất sắc hoàn thành mọi nhiệm vụ của mình dù cho khó khăn của địa hình hiểm trở, thiên nhiên dữ dội như thách thức lẫn bệnh tật sốt rét rừng hay sự hi sinh vì mưa bom lạc đạn. Tất cả đều là những phép thử khiến ánh mắt họ thêm sâu thẳm. Ánh mắt ấy đặt trong phục trang “quân xanh màu lá”, “đoàn binh không mọc tóc”, tư thế “dữ oai hùm” càng tô đậm chất lính chiến của họ. Nếu qua những hình ảnh ngoại hình, đầu tóc, phục trang Quang Dũng đã lột tả được vẻ ngoài của cây đại thụ Tây Tiến thì “mắt trừng” lại khắc sâu đến khắc khoải nội tâm của họ. Chân dung các anh lính Tây Tiến hiện lên một cách chân thực, đậm chất tráng lệ từ trong dáng vóc, tác phong lẫn nội lực. Cái tài của Quang Dũng là chỉ bằng hai từ “mắt trừng” nhưng lột tả được ý chí, quyết tâm, chí khí của những anh lính cụ Hồ thuở ấy.

Vì họ quyết tâm mạnh mẽ như vậy nên dầu đối mặt với cái chết của đồng đội, họ vẫn không nản chí mà càng quyết chí: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ; Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh; Áo bào thay chiếu anh về đất; Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Tất cả là hiện thực khốc liệt của chiến trường nhưng sự quả cảm của quả Tây Tiến mới là tất cả. Họ đánh đổi những năm tháng đẹp nhất của đời mình để đổi lấy hòa bình.

Quả của cây

“Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.

Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đơm hoa, đóa hoa ngát hương chân lí lẫn triết lí trong bài Tiếng hát con tàu:

“Nhớ bản sương giăng nhớ đèo mây phủ

Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”

Miền đất Tây Bắc trong lòng Quang Dũng đã trở thành miền nhớ, miền thơ. Khi rời xa Tây Tiến, tại Phù Lưu Chanh nhớ miền kí ức ấy, Quang Dũng một mạch xúc cảm dâng người yêu thơ đóa hoa thơ Nhớ Tây Tiến, sau in trong tập “Mây đầu ô” đổi thành Tây Tiến.

Mật mã nghệ thuật trong khổ cuối bài thơ là từ “xuân” (mùa xuân).

Mùa xuân, xưa nay là biểu tượng của khởi đầu, của sinh sôi, của tương lại, của sức sống. Quang Dũng có lẽ còn nhắc nhớ về miền kí ức, lấp lánh, long lanh gờn gợn rơm rớm mà không bi, chỉ tráng, mà không buồn, chỉ mạnh lên. Tiếp sức. Mùa xuân năm 1947 khi đoàn quân Tây Tiến được thành lập, mùa xuân thắng lợi của đất nước, tuổi xuân của các anh đã dành trọn tháng năm đẹp nhất cho lí tưởng cao đẹp rất. Tất cả đều rất thơm dù chẳng có đóa lan rừng nào bung nở.

Đọc và dành thời gian để suy ngẫm, ta dễ nhận ra: Khi người nghệ sĩ nói chung, nhà văn, nhà thơ nói riêng đưa ra công chúng một tác phẩm cũng giống như người nông dân gieo những hạt mầm.

Có nhà văn gieo hạt mầm Hi vọng, như Thạch Lam trong Hai đứa trẻ. Thạch Lam thông qua nhân vật Liên tin rằng, tàu đến rồi đi, nhưng tàu lại trở lại vào hôm sau. Có nhà văn lại gieo hạt mầm Niềm tin vĩnh hằng về lương thiện là Nam Cao khi viết Chí Phèo. Nam Cao tin bản tính lương thiện của Chí không mất đi dẫu bao nhiêu chôn vùi, bao nhiêu cơ cực, bao nhiêu ghẻ lạnh. Nó vẫn lóe lên, chiến thắng đòi được sống chứ không phải tồn tại. Hay như Nguyễn Công Hoan tưởng Đồng hào có ma mà chua xót, đắng cay, lạnh lùng thì sau cùng, sâu cùng, tận cùng nhà văn ấy vẫn gọi chân thật, gợi tin yêu, khơi nhân tình.

Trong Tây Tiến, nhà thơ đa tài Quang Dũng gieo hạt mầm đã – đang – sẽ ngát hương. Hạt mầm ấy có tên là... tôi tin bạn đọc không chỉ thông minh mà còn tinh tế và sáng tạo hơn người viết bài này, để gọi tên hạt mầm ấy. Và thành mầm cây. Mầm cây ấy là kết quả của hồn thơ phóng khoáng, lãng mạn, tài hoa và hào hoa của chàng trai xứ Đoài mây trắng. Và còn là kết tinh từ tinh hoa núi rừng Tây Bắc, hồn người miền Tây Bắc thơm như xôi nếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ