Vào lớp cùng con

GD&TĐ - Trải nghiệm tiết học trên lớp cùng con là hoạt động bổ ích được nhiều nhà trường tổ chức giúp phụ huynh hiểu để đồng hành và phối hợp giáo dục hiệu quả cùng giáo viên, nhà trường.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh – Ninh Bình). Ảnh: NTCC
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh – Ninh Bình). Ảnh: NTCC

Cách làm này cho thấy, gia đình đã và luôn là một trong ba chân kiềng không thể thiếu để giáo dục đạt hiệu quả tối đa. 

Cùng học để hiểu… trẻ học gì? 

Cô Nguyễn Thị Hợi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh – Ninh Bình) cho biết: Trước khi triển khai CT, SGK mới ở lớp 1, nhà trường họp phụ huynh để thông báo những điểm mới, chia sẻ băn khoăn thắc mắc của phụ huynh về CT và SGK, hướng dẫn mua sắm thiết đồ dùng học tập đầy đủ… Tuy nhiên để phụ huynh đồng hành với việc học của con hiệu quả, yên tâm cùng đổi mới giáo dục, dạy con ôn bài tại nhà đúng cách…, nhà trường tiếp tục tổ chức các buổi dạy chuyên đề trên lớp và mời phụ huynh trực tiếp trải nghiệm.

Buổi “Vào lớp cùng con” đầu tiên tại Trường Tiểu học Khánh Nhạc B thu hút 80% phụ huynh khối 1 tham gia. Điều đó cho thấy, cha mẹ dù ở nông thôn, vùng khó nhưng sự quan tâm, chuyển biến tích cực trong việc phối hợp với nhà trường cùng giáo dục hiệu quả đã tăng lên đáng kể. 

“Học kỳ II, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức buổi lên lớp học cùng con cho phụ huynh tham dự. Như vậy cũng giúp cho GV, nhà trường và phụ huynh có sự thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành hiệu quả cùng nhau trong giáo dục. Mặt khác, năm học tới khi tiếp tục triển khai CT, SGK mới cho HS lớp 2, nhà trường sẽ áp dụng cách làm này để tháo gỡ mọi khó khăn, tạo sự đồng thuận cao giữa gia đình và nhà trường…” - cô Nguyễn Thị Hợi khẳng định.

Tại Trường Tiểu học Pom Hán – thành phố Lào Cai, để bảo đảm hoạt động thay sách lớp 1 diễn ra suôn sẻ, tránh tác động thiếu tích cực tới tâm lý phụ huynh từ những nguồn thông tin không xác đáng, nhà trường cũng tổ chức thành công hoạt động có tên gọi “Cha mẹ đồng hành cùng con”. Phụ huynh được chia theo lớp, dự tiết học của con, nắm bắt phương pháp dạy học mới từ GV, biết được con học tới bài nào? Tiếp thu ra sao?... Cùng đó GV sẽ trao đổi về những thay đổi căn bản của CT và SGK mới, ưu điểm của bộ SGK được nhà trường lựa chọn; hướng dẫn phụ huynh cách giúp con ôn tập bài tại hiệu quả, không áp lực… Những phụ huynh chưa thể tham gia tiết học của con nếu có nhu cầu có thể đăng ký với GV chủ nhiệm để nhà trường sắp xếp vào thời gian phù hợp. 

Cô Đỗ Thị Lan Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pom Hán (thành phố Lào Cai - Lào Cai) khẳng định: “Quá trình triển khai dạy học theo CT, SGK mới nhà trường luôn lắng nghe mọi ý kiến phản hồi để giải đáp và tháo gỡ khó khăn cho phụ huynh. Nếu nhà trường và phụ huynh không “đồng lòng” hướng về phía trước, không đồng thuận và không đồng hành cùng giáo dục… thì thành công sẽ đến một cách khó khăn và chậm. Chính vì vậy tổ chức hoạt động “Cha mẹ đồng hành cùng con”, giúp phụ huynh có cơ hội vào lớp học cùng con, trực tiếp tìm hiểu phương pháp dạy học từ tiết dạy của GV trên lớp vô cùng cần thiết và hữu ích”. 

Phụ huynh lớp 1 cùng vào lớp học với con tại Trường Tiểu học Pom Hán (thành phố Lào Cai – Lài Cai). Ảnh: NTCC
Phụ huynh lớp 1 cùng vào lớp học với con tại Trường Tiểu học Pom Hán (thành phố Lào Cai – Lài Cai). Ảnh: NTCC

Tăng cường hiệu quả giáo dục

Cô Nguyễn Thị Hợi chia sẻ: Trong tháng đầu tiên triển khai dạy học theo SGK mới vẫn còn phụ huynh tỏ ra băn khoăn, lo lắng bởi họ chưa hiểu thấu đáo “tinh thần” của đổi mới. Cùng đó chịu sự tác động ít nhiều từ các luồng thông tin thiếu tích cực trong xã hội. Tuy nhiên khi được vào lớp “học cùng con”, “mắt thấy tai nghe” về CT, SGK mới, nắm được phương pháp giảng dạy của GV, thông tỏ nhiều vấn đề vướng mắc… việc triển khai CT, SGK lớp 1 tại trường thuận lợi, hiệu quả hơn. Phương pháp dạy của phụ huynh tại nhà và GV trên lớp không còn “vênh” nhau mà thậm chí hỗ trợ tích cực. HS bắt nhịp với CT, SGK mới với kết quả khả quan. 

Theo cô  Nguyễn Lan Anh, lớp 1A Trường Tiểu học Pom Hán, đầu năm học, cũng có ý kiến nhận xét tiến độ chương trình nhanh với HS, phụ huynh gặp khó khăn nhất định trong việc hướng dẫn con học tại nhà. Tuy nhiên, sau khi tham dự tiết họccủa con trên lớp, trao đổi và được GV hỗ trợ về cách dạy con học, phụ huynh trong lớp đã yên tâm, tin tưởng với việc dạy của GV. Bản thân HS sau gần 3 tháng có sự hỗ trợ phù hợp của GV và cha mẹ đã tiến bộ và tự tin trong việc đánh ghép vần, đọc, viết, làm toán… 

Chị Nguyễn Thanh Hằng – phụ huynh lớp 1A Trường Tiểu học Pom Hán  cũng cho rằng: Khi nhà trường tạo điều kiện để phụ huynh hiểu rõ con học SGK nào? Yêu cầu ra sao? Tiếp nhận bài trên lớp tới đâu? Phương pháp dạy học nào phù hợp... qua hoạt động “vào lớp học cùng con” hầu hết phụ huynh của lớp đều tham dự và đánh giá bổ ích cần thiết.

Kinh nghiệm dạy con học củaphụ huynh theo CT, SGK mới ngày càng “dày” hơn. Bất kỳ vướng mắc, cần hỗ trợ từ phía GV, chúng tôi đều gọi điện hoặc trao đổi với GV trên lớp. Sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, GV và gia đình nhịp nhàng sẽ giúp cho quá trình dạy học thêm suôn sẻ, hiệu quả giáo dục tăng đáng kể…

Tại buổi học, GV tiến hành dạy HS tập đọc, ghép vần, viết… cha mẹ quan sát, nắm bắt con đang học gì? Học tới đâu? Chương trình, phương pháp dạy của GV đổi mới ra sao? Trên cơ sở đó, tự đánh giá lại cách dạy con tại nhà đã phù hợp chưa, cần điều chỉnh gì? Đặc biệt, khi trực tiếp thấy con đọc, viết, đánh vần dưới sự hướng dẫn, nhận xét của GV, cha mẹ sẽ yên tâm với việc học của con đang diễn không quá tải hay nặng nề, nhồi nhét khiến trẻ bị áp lực trong học tập như dư luận phản ánh. - Cô Nguyễn Thị Hợi

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ