Phụ huynh "vào lớp" trực tuyến cùng con

GD&TĐ - Sau khai giảng “trực tuyến”, từ ngày 7/9, các trường học ở Đà Nẵng bắt đầu tuần học đầu tiên của năm học 2020 - 2021 theo hình thức dạy - học qua Internet ở tất cả các cấp học. Nhiều trường học đã linh hoạt trong tổ chức dạy - học, nhất là các lớp học đầu cấp, để HS có thể bắt nhịp với môi trường học tập mới.

 Học sinh đầu cấp làm quen thầy cô, bạn bè qua Internet.
Học sinh đầu cấp làm quen thầy cô, bạn bè qua Internet.

“Khó đi mẹ dắt con đi”

Chị Phan Lê Kim Trinh mở video “Tìm hiểu tiểu sử Ông Ích Khiêm và nội quy trường lớp” được cô giáo chủ nhiệm gửi vào group Zalo của lớp cho con trai xem. Đây là hoạt động của buổi học ngày thứ Hai - 7/9, theo Chương trình học qua Internet - tuần 1 của khối lớp Một - Trường Tiểu học Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Chị Kim Trinh cho biết: “Con còn nhỏ, chưa quen với việc ngồi tập trung nên mẹ phải ngồi kèm bên cạnh. Hai mẹ con cùng xem clip và mẹ trở thành hướng dẫn viên giới thiệu để con biết ngôi trường mới sẽ học; cô giáo sẽ dạy khi con được đến trường, bạn bè trong lớp…”.

Theo chị Kim Trinh, buổi đầu tiên học online, nhiệm vụ được giao cũng chưa có gì nhiều nên mỗi buổi học, sẽ có một video hướng dẫn, từ giới thiệu sách vở, đồ dùng học tập; tư thế ngồi và cách cầm bút chuẩn cho HS tiểu học; luyện đọc Bảng chữ cái và các số từ 1 đến 10; video luyện đọc, viết các nét và dấu thanh. Thời khóa biểu, ngoài nội dung học, còn có thêm một cột nội dung GV nhờ phụ huynh hướng dẫn, hỗ trợ cho HS để hình thành kỹ năng.

Theo thời khóa biểu, em Trương Tuấn Kiệt (HS lớp 6, Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm, quận Thanh Khê) bắt đầu tiết học đầu tiên của lớp 6 vào lúc 13 giờ 30 bằng ứng dụng Google meet. Chị Trịnh Thị Thùy hỗ trợ con kết nối theo đường link cô giáo gửi sẵn để “vào lớp”. Thỉnh thoảng bị rớt mạng, chị Thùy lại đăng nhập lại.

“Mình ngồi bên cạnh là để con tập trung vào bài học. Mới vào lớp được 5 phút, phát hiện ra bạn cũ hồi học tiểu học là con đòi nhắn tin nói chuyện riêng với bạn. Có thể ngày đầu tiên con chưa quen với việc mỗi tiết học 45 phút và mỗi môn học sẽ do một thầy, cô giáo dạy nên cần sự đồng hành của phụ huynh” – chị Thùy cho biết.

6 giờ 30 tối, chị Phạm Thị Khánh Hương (trú P. Hòa An, quận Cẩm Lệ) tạm gác việc nhà để lên Zoom học cùng con. Buổi học đầu tiên, bé làm quen với cô giáo chủ nhiệm và các bạn, được nghe giới thiệu về giờ giấc các hoạt động ở trường thông qua các clip ngắn. “Bạn, cô giáo mới mà hình thức học cũng mới mẻ nên bé chưa thích ứng được. Mẹ phải vừa giải thích vừa động viên con. Theo thời khóa biểu, tuần đầu tiên con chỉ làm quen với cô giáo, giới thiệu sách giáo khoa, nền nếp học tập, tập ngồi đúng tư thế… nên cũng nhẹ nhàng và phù hợp với HS mới bước vào lớp Một” – chị Hương chia sẻ. 

Hướng dẫn con “vào lớp” online.
Hướng dẫn con “vào lớp” online.

Trường học linh hoạt tổ chức dạy học

Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) tổ chức khảo sát phụ huynh khối lớp 6 để lựa chọn hình thức tổ chức dạy học phù hợp. Theo đó, tuần đầu tiên, nhà trường sẽ xây dựng các clip dạy – học rồi cung cấp đường dẫn cho phụ huynh tải về để HS học.

“Tuần này, HS sẽ làm quen là chủ yếu nên thời khóa biểu cũng được giảm nhẹ. Các môn Toán, Ngữ văn, Anh văn sẽ có 2 tiết/tuần. Những môn còn lại chỉ học 1 tiết/tuần. Phụ huynh chủ động thu xếp để có thể hỗ trợ con học vào thời gian hợp lý, miễn là hoàn thành bài học theo chuẩn kiến thức – kỹ năng mà nhà trường đưa ra” – thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Sang đến tuần thứ 2, khi học sinh có thời gian làm quen với môn học, Trường THCS Nguyễn Huệ sẽ triển khai dạy học trực tuyến thông qua ứng dụng Zoom giảng dạy theo biên chế lớp học của khối lớp 6.

Ngày đầu tiên triển khai dạy học qua Internet, Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc – huyện Hòa Vang) mời các trưởng thôn họp để bàn phương án hỗ trợ cho số HS có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là hai thôn Tà Lang và Giàn Bí, nơi có đông HS dân tộc Cơ Tu sinh sống. Thầy Phạm Minh Vũ – Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: “Với những HS gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, phụ huynh không có điện thoại thông minh để có thể tải bài giảng về học, nhà trường sẽ in bài giảng gửi tại nhà các trưởng thôn. Phụ huynh có thể đến nhận về để hỗ trợ cho con học. GV chủ nhiệm, thông qua group lớp học, cũng đã nhờ phụ huynh cùng HS hình thành những nhóm học tập để HS có thể học nhóm cùng nhau”. Sau tuần đầu tiên, nhà trường sẽ tổ chức họp để đánh giá hiệu quả, từ đó có biện pháp điều chỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.