Cha mẹ hãy cho con quyền được thất bại!
Tại Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức ở Davos, Thuỵ Sĩ, tỷ phú Jack Ma từng chia sẻ, trong cuộc sống điều quan trọng không phải là chúng ta đạt được thành tự lớn như thế nào, mà là chúng ta đã trải qua những ngày tháng khó khăn và nhiều thất bại ra sao.
Jack Ma được biết đến là đã xây dựng thương hiệu thương mại trực tuyến nổi tiếng Alibaba. Ông vốn dĩ được sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có điều kiện. Sau này trưởng thành ông cũng từng bị từ chối nhiều lần khi đi xin việc hay phỏng vấn. Nhưng Jack Ma luôn có thái độ tích cực trước mỗi lần thất bại và sau này ông đã rất thành công và trở thành tỉ phú giàu thứ hai Trung Quốc.
Không đạt được kết quả học tập như mong muốn, không vượt qua được kỳ thi nào đó là điều không một đứa trẻ nào mong muốn. Nhưng cũng đừng vì thế mà nản chí bởi đây chỉ là một trong nhiều bài kiểm tra, kỳ thi trẻ sẽ phải vượt qua trên con đường học tập của mình. Qua đó, con sẽ nhìn nhận đúng ngưỡng kiến thức mình đang có, là động lực thúc đẩy trẻ không ngừng cố gắng học tập hơn nữa.
Trẻ nỗ lực, cố gắng vượt qua trở ngại khó khăn để đạt được mục đích là tốt nhưng ganh đua, cay cú, không chấp nhận được khi mình thất bại sẽ khiến trẻ rơi vào bi kịch. Cha mẹ nên giúp con hiểu, trong đời người, ít ai không có lúc thất bại hoặc gặp khó khăn. Điều quan trọng nhất là biết vượt qua nó một cách nhanh nhất để bước tiếp. Hãy giúp con xây dựng kế hoạch học tập, hành động hợp lý và cách thực hiện theo từng bước. Con cần hiểu những giá trị trong cuộc sống nên hướng đến thay vì chỉ phấn đấu cho điểm số, danh hiệu, giải thưởng.
Các bậc cha mẹ cần ý thức rằng, thất bại không phải là vấn đề quá lớn. Nó có thể khiến trẻ tổn thương nhưng chúng cần học cách nhanh chóng vượt qua và lấy lại tinh thần. Có thể một vài người thành công ở những lĩnh vực nhất định nhưng không ai là chuyên gia ở mọi lĩnh vực và không chỉ một mình con bạn thất bại. Đừng xấu hổ vì điều đó, sự thất bại là điều hiển nhiên và phổ biến. Có thể phải nếm thất bại lúc đầu nhưng trẻ sẽ nhận ra mình cần làm gì để có được thành công nếu chắc chắn đang nỗ lực hết sức.
Thất bại sẽ có ý nghĩa khi rút ra được bài học
Thất bại không phải là bị đánh bại mà là bài học để đứng dậy và quyết tâm hơn bao giờ hết để đạt được mục tiêu. Sự thất bại cho những đứa trẻ những trải nghiệm để biết vượt lên nỗi buồn, đặt cho mình những mục tiêu phù hợp, cách thực hiện phù hợp để đạt được kết quả tốt. Thất bại cũng giúp con biết trân trọng những giá trị của sự nỗ lực, của thành công.
Một lần không thành công không có nghĩa cả quá trình trẻ sẽ thất bại, quan trọng cha mẹ hiện đại dạy cho con biết rút ra những bài học từ những thất bại đó. Trong học tập, trẻ sẽ biết kiến thức của mình ở ngưỡng nào và không ngừng nỗ lực. Từ đó, cha mẹ khuyến khích con thay đổi về phương pháp học tập cùng với sự quyết tâm.
Thất bại đôi khi không phải do thiếu kiến thức mà là do chủ quan. Chưa kể, trong giờ thi đôi khi chỉ vì muốn nổi bật con đã vội vã nộp bài. Trong học tập hay trong bất kỳ vấn đề nào, cha mẹ cũng nên dạy con đừng bao giờ chủ quan, tự mãn, sự cẩn thận luôn là điều cần thiết. Một lần không là người dẫn đầu về điểm số mà rút ra cho mình được bài học như thế thì cũng nên lắm. Để con bạn hiểu rằng việc học chẳng bao giờ là đủ và không bao giờ là muộn.
Hãy biết trân trọng “thất bại”… bởi ai cũng có những thất bại trong cuộc đời. Chắc chắn vậy. Thất bại có thể mang đến nỗi buồn nhất thời nhưng cần vững tâm để biến nó trở thành “mẹ của thành công”. Đôi khi chúng ta cần thiết được trải nghiệm sự thất bại để biết trân quý hơn những thành công của mình và của những người xung quanh.
Cách cùng con vượt qua thất bại
Trong bài học lớn về sự thành công, dạy con đối diện với thất bại là một điều vô cùng quan trọng và không hè đơn giản vì trong mỗi người luôn tiềm ẩn tính sĩ diện và háo thắng.
Theo ThS. Đinh Thị Thu Hoài – Trung tâm Kỹ năng sống Inslight, chỉ ra một số “chiêu” có thể trợ giúp cho trẻ nhanh chóng và nhẹ nhàng thoát ra khỏi “bóng ma” của sự thất bại, lấy lại niềm tin để chinh phúc những thử thách mới.
Thứ nhất, không chê trách, chỉ trích con về thất bại. Hãy cố gắng giảm bớt được những lời chỉ trích bao nhiêu sẽ tốt bấy nhiêu. Đồng thời, đặt ra cho con 1 tiêu chuẩn phải vượt qua tùy thuộc vào khả năng của con, tiêu chuẩn đó phải vừa sức với con. Như vậy con sẽ làm được mọi việc dễ dàng. Khi con đạt được, cha mẹ chỉ cần ghi nhận bằng một lời khen là đủ để con sống thật sự tự tin rồi.
Thứ hai, khi con thất bại trong học tập và cuộc sống, cần động viên con. Các cha mẹ chú ý, để có thành công, con cần có thất bại. Cha mẹ cần động viên con rằng lần sau con cố gắng thì mọi chuyện sẽ tốt hơn rất nhiều. Lúc đó con sẽ có động lực để phấn đấu nhiều hơn.
Thứ ba, cần dạy con đối mặt với thất bại bởi mỗi thất bại không phải là đóng cửa mà là mở ra một cánh cửa mới. Con cần học cách chấp nhận đối mặt với những thứ không như ý mình để phấn đấu cho những mục tiêu khác.
Thứ tư, dạy con chấp nhận thử thách tiếp theo. Sau thất bại, cha mẹ hãy cùng con phân tích kĩ để rút kinh nghiệm và liên tục nói: tin tưởng con sẽ chiến thắng. Biết chấp nhận thử thách lần 2, 3, 4… và tìm cách vượt qua sẽ cho con nhiều động lực hơn. Khi ấy, dù con thành công hay không, thì con vẫn sẽ học được vô khối bài học làm người.
“Có thể nói, dạy con chấp nhận và đối mặt với thất bại không hề đơn giản nhưng việc này là vô cùng cần thiết. Nó sẽ đảm bảo cho con có quyết tâm thực hiện công việc, biết cách rút kinh nghiệm khi sai, giữ hòa khí với bạn bè và người thân.”, ThS. Đinh Thị Thu Hoài nhấn mạnh.
Nêu quan điểm về việc dạy con về giá trị của thành công và thất bại, Bà Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục cấp cao của Tập đoàn Microsoft, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển giáo dục INNEDU (TPHCM) cho rằng: Đối với trẻ, thành công hay thất bại rất cụ thể và gắn liền với những mùa thi. Có thể nhiều nước mắt sẽ rơi từ khoé mắt của những đứa trẻ vừa nhận được điểm thi không như kỳ vọng. Nhiều gia đình có thể sẽ có xung đột, đổ lỗi lẫn nhau, chì chiết nhau... Nhưng các bậc cha mẹ hãy tỉnh táo đánh giá chính xác điều kiện thực tế, tìm giải pháp hơn là chỉ phân tích nguyên nhân khiến thất bại lại sinh ra thất bại.
“Giáo dục của thế kỷ 21 cần tạo ra những đứa trẻ linh hoạt về nhận thức, có kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, có khả năng thích nghi và chuyển đổi cao. Điểm số chỉ có giá trị một giai đoạn ngắn. Kỹ năng và khả năng mới đồng hành cùng bọn trẻ đến khi trưởng thành. Hãy quan tâm đến những trải nghiệm của con hơn là việc con đạt được bao nhiêu điểm. Hãy cùng con dũng cảm nhìn nhận và đối diện với thất bại. Làm được như vậy, cha mẹ đã dạy con cách để thất bại sinh ra những thành công mới trong tương lai.” - Chuyên gia GD Tô Thụy Diễm Quyên nhấn mạnh.