TPHCM: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng dạy học lớp 1 theo SGK mới

GD&TĐ - Ngày 24/10, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo "Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học lớp 1 theo chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới".

Ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó GĐ Sở GD&ĐT TPHCM phát biểu tại hội thảo.
Ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó GĐ Sở GD&ĐT TPHCM phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, Hội thảo  ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi của giáo viên và phụ huynh về những khó khăn trong quá trình triển khai dạy học tại các cơ sở. 2 tuần đầu, do thời gian dài nghỉ phòng dịch Covid-19, dẫn đến trẻ không được tiếp cận với chương trình sớm, trẻ viết không đúng độ cao, không tròn chữ... không vì thế mà áp lực. 

Theo ông Hiếu, yêu cầu của chương trình mới có nhiều điểm khác, cần có tính quá trình. Xây dựng kế hoạch dạy học không giống nhau giữa lớp này với lớp kia nên hiệu trưởng phải tạo điều kiện cho giáo viên. Việc xây dựng kế hoạch dạy học ở tổ bộ môn là rất quan trọng. Trong đó, quan trọng của từng giáo viên phải chủ động đối với lớp học của mình, từ đó xây dựng khung thời gian cho từng môn học.

Chẳng hạn trong chương trình không có bài, không có tiết đó nhưng tùy tình hình thực tế, giáo viên chủ động trong 2-3 tiết và cũng có thể lên đến 4-5 tiết để mục tiêu cuối cùng là học sinh (HS) đạt yêu cầu. Sau một năm, một cấp học sẽ hình thành năng lực, phẩm chất của HS. 

Cô Đặng Thị Kiều Diễm Dung chia sẻ tại hội thảo
Cô Đặng Thị Kiều Diễm Dung chia sẻ tại hội thảo

Theo cô Đặng Thị Kiều Diễm Dung, giáo viên Trường Tiểu học (TH) Hòa Bình (quận 1), Chương trình GDPT mới được Bộ GD&ĐT quy định học 2 buổi/ngày đối với bậc TH, trong đó lượng kiến thức không tăng so với chương trình hiện hành mà tăng tính trải nghiệm, thực hành, vận dụng trong từng môn học và hoạt động giáo dục để hình thành năng lực, phẩm chất cho HS.

Cụ thể, chương trình không quy định cứng nội dung từng bài học tương ứng với thời gian của buổi học, tuần học mà chỉ quy định thời lượng và yêu cầu cần đạt của cả năm học đối với từng môn học. Tổ khối chuyên môn, giáo viên sẽ chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và phân bổ các tiết dạy cho phù hợp với đối tượng HS của từng khối, lớp.

Đông đảo các giáo viên tham dự hội thảo
Đông đảo các giáo viên tham dự hội thảo

Riêng đối với môn tiếng Việt, chương trình cũ quy định thời lượng dành cho môn tiếng Việt lớp 1 là 350 tiết (10 tiết/tuần), trong khi chương trình GDPT mới dành thời lượng 420 tiết (12 tiết/tuần) cho môn tiếng Việt lớp 1, tăng 70 tiết nhằm giúp cho học sinh lớp 1 sớm đọc thông viết thạo, có công cụ để học tốt các môn học khác.

Tuy nhiên, tổng số âm chữ và vần không thay đổi so với trước đây (29 chữ cái và khoảng 140 vần). Nếu tính một tuần có 5 buổi hoặc ngày học thì số tiết trung bình là 2,4 tiết/buổi hoặc ngày học. Cả 5 bộ SGK đều thiết kế thời gian dành cho học bài mới tối đa là 10 tiết/tuần (2 tiết/ngày). Cuối mỗi tuần hoặc mỗi nhóm vần đều bố trí các tiết thực hành, ôn tập hỗ trợ HS rèn luyện kỹ năng.

Bên cạnh những điểm tiến bộ, cô Dung cũng thừa nhận, nội dung trong các bộ sách còn nhiều chữ, số lượng chữ trong một số bài đọc còn nhiều khiến việc khai thác hết ý nghĩa câu chuyện đối với một số HS còn hạn chế. Học sinh lớp 1 mới vào môi trường TH, chưa biết chữ và số nên cũng tạo sự khó khăn cho các em khi tiếp nhận kiến thức, đặc biệt đối với HS chậm tiếp thu...

Hiệu trưởng Trường TH Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) Mai Thị Kim Phượng bày tỏ, để triển khai thành công chương trình GDPT mới, mỗi nhà trường cần thực hiện tốt việc phân công giáo viên dạy lớp 1, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, chủ động triển khai chương trình kết hợp với việc thường xuyên góp ý, định hướng giáo viên trong dạy học, trên cơ sở phân tích kết quả dạy học (về phẩm chất và năng lực đã đạt được của HS) để điều chỉnh kế hoạch dạy học, lượng kiến thức cần chuyển tải, phương pháp dạy học nhằm giúp HS tiếp thu hiệu quả hơn.

Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

Theo ông Nguyễn Thành Văn- Trưởng phòng GD&ĐT Quận 10, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng là năm đầu tiên triển khai chương trình GDPT mới nên SGK đến tay phụ huynh khá trễ so với mọi năm. Vì vậy, sự nghiên cứu, chuẩn bị trước và hợp tác của phụ huynh trong giáo dục HS bị hạn chế.

Trước thực tế đó, phòng GD&ĐT quận 10 đã chỉ đạo hiệu trưởng, ban giám hiệu các trường TH thường xuyên tham dự họp tổ chuyên môn, thăm lớp, dự giờ, kiểm tra chuyên đề ở trường để đánh giá và rút kinh nghiệm cho toàn thể giáo viên.

Nhờ đó, phòng GD&ĐT nhận ra điểm hạn chế của giáo viên hiện nay là còn mang nặng tư duy của phương pháp dạy học trước đây nên thấy áp lực khi triển khai chương trình mới...

Phát biểu tại hội thảo, phụ huynh có con học lớp 1, Trường TH Võ Văn Tần (quận 6) cho biết khi dạy con học ở nhà, chị thấy bé tiếp thu khá tốt chương trình, có tư duy tổng hợp kiến thức theo chủ đề. Kết quả này có được nhờ sự đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên trên lớp theo hướng tăng cường tương tác, tạo điều kiện cho trẻ phát huy khả năng sáng tạo.

Phụ huynh có con học lớp 5 và lớp 1 Trường TH Lê Anh Xuân (quận 7) khi so sánh giữa hai chương trình mới và cũ ở hai con, cho rằng con đang học lớp 1 gặp khó khăn về nét cơ bản. 

"Đứa con đầu thì tôi có cho học chữ trước khi vào lớp 1. Đứa sau thì do dịch Covid-19 và nghe chương trình có đổi mới nên tôi không cho học trước. Vì thế, hai tuần đầu bé rất khó khăn ở một số nét cơ bản, tuy hiện vẫn bắt kịp nhưng quả thực là có khó khăn. 

Vì là công nhân nên tăng ca, làm thêm, tôi ít có thời gian kèm kẹp con. Tôi mong muốn được cải cách đổi mới cả chương trình giáo dục mầm non để con lên lớp 1 đỡ khó khăn".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quyền và trách nhiệm công vụ

GD&TĐ - Có thể thấy, để có nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, ngoài các quy định pháp luật, yếu tố quan trọng là tinh thần trách nhiệm.