Sử dụng truyện kể đạo đức Hồ Chí Minh để dạy các bài trong môn giáo dục công dân ở trường THPT

GD&TĐ - Truyện kể đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những nguồn tư liệu quan trọng trong dạy học môn Giáo dục công dân ở trường Trung học phổ thông, đặc biệt là đối với các bài dạy đạo đức. 

Sử dụng truyện kể đạo đức Hồ Chí Minh để dạy các bài trong môn giáo dục công dân ở trường THPT

Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả nguồn tư liệu này, người giáo viên cấn nắm vững các biện pháp sử dụng gắn với các hoạt động dạy học cơ bản trong quá trình soạn giáo án và lên lớp.

Để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học đạo đức trong môn Giáo dục công dân (GDCD) ở trường Trung học phổ thông (THPT), việc khai thác và vận dụng truyện kể đạo đức Hồ Chí Minh trong quá trình dạy học có vai trò quan trọng.

Cùng với hệ thống tri thức lý luận về đạo đức có trong sách giáo khoa, truyện kể đạo đức Hồ Chí Minh nếu được khai thác và vận dụng hiệu quả sẽ giúp hình thành ở học sinh (HS) niềm tin đạo đức và rèn luyện hành vi ứng xử phù hợp với các chuẩn mực đạo đức của xã hội một cách tự giác.

Những hành vi ứng xử của Bác Hồ trong các câu chuyện sẽ tác động mạnh vào tình cảm, giúp chuyển tri thức thành niềm tin và thói quen thực hiện hành vi đạo đức một cách tự nhiên.

Vì vậy, truyện kể đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ có tác dụng đem lại mỹ cảm nghệ thuật, tính giáo dục, làm phong phú đời sống tâm hồn mà còn có sức lay động, cổ vũ trong việc định hướng suy nghĩ và hành động của bản thân HS. Và đó cũng chính là mục tiêu của quá trình dạy đạo đức thông qua môn GDCD ở trường THPT.

Tùy theo mỗi giáo viên (GV) trong thiết kế các ý tưởng dạy học, việc khai thác và sử dụng truyện kể đạo đức Hồ Chí Minh được tiến hành theo nhiều phương cách khác nhau. Tuy nhiên, xét về mục đích sử dụng gắn liền với tiến trình dạy học thì những mẫu chuyện về Bác Hồ có thể được vận dụng theo những hướng sau:

1. Sử dụng truyện kể đạo đức Hồ Chí Minh để mở đầu bài học

Trước khi vào nội dung chính của bài học, GV có thể sử dụng truyện kể Hồ Chí Minh để thực hiện hoạt động này. Ở đây, GV lựa chọn mẫu chuyện có nội dung phù hợp với chủ đề bài học để thay cho lời vào bài. Từ nội dung câu chuyện, GV làm rõ chủ đề bài học bằng những câu hỏi có tính định hướng nhằm chuẩn bị tâm thế tiếp nhận bài học mới cho HS một cách chủ động đầy hứng thú.

Ví dụ: để dẫn HS vào bài “Công dân với cộng đồng” (tiết 2, bài 13, GDCD 10), GV có thể kể câu chuyện sau:

Tháng 4 năm 1946, với danh nghĩa là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ sang Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp về những vấn đề có liên quan đến vận mệnh của đất nước. Nhân dịp đó, Tòa thị chính Pa-ri mở tiệc lớn đón mừng Bác. Tiệc tan, mọi người mời Bác ra phòng lớn uống nước và nói chuyện. Bác vui vẻ đứng dậy và cầm một quả táo mang theo. Nhiều người ngạc nhiên, nhiều con mắt tò mò chú ý.

Bác ra đến ngoài thì có một đám thiếu nhi ríu rít chạy tới chào. Bác tươi cười bế một em bé gái nhỏ nhất lên và trao cho em quả táo. Mọi người bấy giờ mới vỡ lẽ và rất cảm động trước cử chỉ thương yêu con trẻ của Người.

Ngày hôm sau, câu chuyện “Quả táo của Bác Hồ” đều được các báo đăng lên đầu trang nhất. Các báo còn kể lại rằng em bé gái khi nhận được quả táo đó thì giữ khư khư trên tay, ai xin cũng không cho. Lúc về nhà, em để quả táo trên bàn học. Cha mẹ bảo:

- Con ăn đi, kẻo để lâu sẽ hỏng không ăn được.

Thế nhưng, em bé nhất định không ăn và bảo:

- Đó là quả táo Bác Hồ cho con, con sẽ giữ thật lâu để làm kỷ niệm.

(Phỏng theo chuyện “Quả táo của Bác Hồ”,

 Tuyển tập thơ văn cho thiếu nhi, NXB Văn Học, 1961)

Kể đến đây GV giới thiệu bài học: Với mẫu chuyện trên, thông qua những hành động, cử chỉ, việc làm của Bác, chúng ta thấy toát lên ở Bác một phẩm chất thật đáng quý và trân trọng. Đó là tấm lòng, tình thương yêu, lối sống hòa nhập, luôn quan tâm và sống chan hòa với mọi người. Đó là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp của Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Vậy sống hòa nhập là gì ? Phẩm chất đạo đức này có vai trò như thế nào trong cuộc sống của mỗi con người trong cộng đồng xã hội ? Những vấn đề đó sẽ được làm rõ qua bài học ngày hôm nay.

2. Sử dụng truyện kể đạo đức Hồ Chí Minh để minh họa nội dung tri thức

Đây là hình thức được GV sử dụng thường xuyên, đặc biệt là khi giảng dạy các khái niệm, phạm trù có tính khái quát cao. Ở đây, cùng với quá trình phân tích, lý giải tri thức bài học, GV có thể vận dụng những mẫu chuyện về Bác Hồ để làm rõ thêm tri thức của bài. Ta lấy trường hợp sau đây làm ví dụ:

Khi giảng nội dung "Biểu hiện của người có nhân phẩm" (mục 3.a, bài 11, GDCD 10), trong quá trình giảng giải, để giúp HS hiểu rõ hơn những biểu hiện cơ bản của phạm trù này, GV có thể kể câu chuyện sau đây:

Do điều kiện công tác, sau hơn 2 năm, Bác Hồ mới có dịp trở lại một vùng cơ sở trước đây Người đã từng sống và làm việc. Thấy Bác về, bà con già, trẻ, gái, trai khắp bản ùa ra đón Bác.

Trong số những người đứng vây quanh Bác lớp trong lớp ngoài hôm ấy có một em bé 2 năm trước đã từng quấn quýt bên Bác khi Người ra suối câu cá, hoặc lên nương cuốc đất trồng rau sau những giờ làm việc. Ngày Bác lên đường đi công tác xa, em bé đó theo ra đến đầu bản tiễn Bác. Trước lúc chia tay, Bác cúi xuống hôn má em và Người chưa kịp hỏi gì thì đã nghe em bé nói một câu rất tự nhiên:

- Đến đâu thấy vòng bạc, Bác nhớ mua cho cháu một cái nhé !

Bà con dân bản tiễn Bác lên đường đi công tác cách đây 2 năm cũng đã quên chuyện “Chiếc vòng bạc” ấy. Sau những lời chúc mừng thăm hỏi sức khoẻ dân bản, nhận ra em bé ngày trước đứng trong đám đông, Bác bước đến, từ từ mở nắp túi áo trước ngực, lấy ra chiếc vòng bạc mới tinh và trao cho em.

Ngỡ ngàng giây lát, rồi nhớ ra lời dặn Bác 2 năm trước, em bé sung sướng quá, không giấu nổi xúc động, hai mắt cứ chớp mãi, líu cả lưỡi mới nói được:

 - Cháu... cảm... cảm ơn Bác!

Cả cô bé và mọi người đều cảm động đến rơi nước mắt. Bác nói với mọi người:

- Cháu nó đã nhờ mua cái gì tức là nó thích cái đó lắm, đừng để giảm lòng tin của các cháu. Đã hứa là mình phải làm cho kỳ được, không làm được thì đừng có hứa. Đây là chữ tín, cần giữ trọn lòng tin của mọi người.

 (Ban Tuyên giáo Trung ương, Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức

Hồ Chí Minh, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008)

Kể xong, GV kết luận: Câu chuyện về Bác Hồ kể cho thấy việc giữ chữ tín là một trong những phẩm chất tạo nên nhân phẩm đáng quý ở con người, nó mang lại niềm vui cho người khác và danh dự của mỗi cá nhân. Chúng ta cần học tập tấm gương giữ chữ tín – một trong những phẩm chất đạo đức tạo nên nhân cách tốt đẹp của Bác Hồ kính yêu.

3. Vận dụng truyện kể đạo đức Hồ Chí Minh để củng cố nội dung bài học

Đây là hình thức được dùng sau khi đã kết thúc các hoạt động nhận thức nội dung bài học mới. Ở đây, sau khi kết thúc đơn vị kiến thức cuối cùng của bài học, GV kể cho HS nghe một câu chuyện có nội dung phù hợp với nội dung bài học, đặc biệt là những kiến thức trọng tâm để thực hiện bước củng cố. Khi ấy, câu chuyện được kể sẽ trở thành một nhân tố hỗ trợ cho GV tổ chức hoạt động này.

GV có thể yêu cầu HS vận dụng những tri thức vừa mới được học để lí giải những vấn đề mà câu chuyện phản ánh hoặc đề nghị HS rút ra những bài học cho bản thân trong quá trình liên hệ với trách nhiệm bản thân.

Ví dụ khi dạy xong bài “Công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (bài 14, GDCD10), GV có thể kể câu chuyện sau:

Sáng hôm ấy, nắng nhuộm vàng mái đền cổ kính, Bác Hồ đến thăm đền Hùng và gặp các chiến sĩ đại đoàn quân Tiên Phong đang đóng ở đây.

Bác nhìn khắp một lượt các chiến sĩ ra đón rồi hỏi:

- Các chủ có khỏe không ?

- Thưa Bác, khỏe ạ !

Mọi người hồi hộp chờ Bác nói chuyện thì lại nghe Bác hỏi:

- Các chú có biết đền thờ ai đây không ?

Một chiến sỹ đứng gần Bác thưa:

- Đền thờ một ông vua ạ !

- Nhưng vua nào ? Bác mỉm cười trìu mến nhìn bộ đội.

Một cán bộ trả lời:

- Dạ, vua Hùng !

- Thế các chú có biết vua Hùng là ông vua thế nào không ?

Tất cả đều lặng im. Bác giải thích :

- Vua Hùng là ông vua có công dựng nước, chính là ông Tổ của nước Việt Nam ta.

Rồi Bác ân cần dặn mọi người: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Lời Bác Hồ dạy giản dị mà đầy ý nghĩa, còn vang vọng mãi trong lòng mọi người.

Theo Đoàn Minh Tuấn (Trích “Núi sông hùng vĩ”)

Kể đến đây, GV đưa ra yêu cầu: hãy phát biểu suy nghĩ của em về ý nghĩa quan trọng nhất về lời dặn dò của Bác Hồ đối với chúng ta. Với sự dẫn dắt của GV, HS sẽ hướng đến kết luận: câu chuyện này một lần nữa đã khẳng định xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người Việt Nam chúng ta, vì đó cách để ghi nhớ công ơn của Tổ tiên và các thế hệ cha anh đã hi sinh xương máu để có được giang sơn, gấm vóc này.

Truyện kể đạo đức Hồ Chí Minh là những mẫu chuyện có thật kể lại những chặng đường, hành động, việc làm và suy nghĩ của Người. Nó giống như cuốn nhật ký mà mỗi trang giấy là những giá trị, chuẩn mực đạo đức mà Người để lại cho muôn đời sau.

Tự bản thân mỗi câu chuyện về Người cũng đã là một bài học, tư liệu quý giá trong việc góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ, đặc biệt là HS bậc phổ thông.

Do vậy, việc vận dụng truyện kể đạo đức Hồ Chí Minh vào thiết kế các bài dạy đạo đức là rất quan trọng. Nó không những góp phần nâng cao hơn nữa việc dạy và học nội dung đạo đức nói riêng, môn GDCD nói chung ở trường phổ thông hiện nay mà còn góp phần thực hiện tốt Chương trình tích hợp nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong môn GDCD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ