Việc đổi mới phương pháp dạy học, giờ sinh hoạt tập thể, giờ chào cờ... đã góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh, giúp các em có bản lĩnh vững vàng và phấn đấu vươn lên trong học tập.
Giáo dục bằng trực quan
Tiết sinh hoạt tập thể của lớp 7A Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Yên Mỹ, Hưng Yên) thật sôi động. Với chủ đề bảo vệ môi trường, giờ sinh hoạt của lớp không còn khô cứng, một chiều như trước mà đã trở thành một sân chơi bổ ích, lành mạnh, cung cấp được nhiều kiến thức và kỹ năng về bảo vệ môi trường. Theo đó, các bạn tự tổ chức các hoạt cảnh như: Biểu diễn thời trang thông qua việc tái chế phế liệu, tổ chức thành các đội thi tìm hiểu về kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường... Điều đáng nói là, toàn bộ các hoạt động này đều do học sinh “tự biên, tự diễn”. Qua đó, đã thu hút sự tham gia tích cực của học sinh và tăng cường đoàn kết giữa các thành viên trong lớp.
Cô Trần Thị Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm cho biết, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh không chỉ là những khẩu hiệu mà bằng những việc làm thiết thực, trực quan và sinh động. Theo đó, chúng tôi yêu cầu các lớp thay đổi hình thức sinh hoạt tập thể bằng cách xây dựng chủ đề. Mỗi lớp có những hình thức sinh hoạt khác nhau theo các chủ đề khác nhau và để học sinh “làm chủ” buổi sinh hoạt. Cùng với đó, nhà trường cũng đổi mới giờ chào cờ theo hình thức sân khấu hóa và tăng cường các hoạt động giáo dục trải nghiệm, giáo dục ngoài giờ lên lớp; Qua đó, giúp học sinh phát triển toàn diện và nâng cao nhận thức về đạo đức đức, lối sống. Nhờ vậy, nhà trường không để xảy ra tình trạng bạo lực học đường hoặc vi phạm đạo đức.
Tăng cường hoạt động giáo dục
Liên quan đến giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh, bà Nguyễn Thị Thắm - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Mỹ cho biết, đây là những nội dung quan trọng nằm trong Kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020” của Bộ GD&ĐT. Do đó Phòng GD&ĐT Yên Mỹ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới công tác dạy học. Theo đó, các trường hướng dẫn giáo viên tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đồng thời đẩy mạnh các cuộc thi, các hoạt động gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Cũng theo bà Thắm, Phòng đã tham với UBND huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường để có điều kiện tổ chức các hoạt động giáo dục trong giờ lên lớp cho học sinh. “Đặc biệt, chúng tôi yêu cầu các trường phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, nhất là trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; Qua đó giúp các em phát triển toàn diện” - bà Nguyễn Thị Thắm chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho hay: Để tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; trong thời gian tới Bộ GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ giáo viên, giảng viên và sinh viên nhà trường về vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức, lý tưởng, lối sống và kỹ năng sống trong nhà trường. Từ đó tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong đội ngũ cán bộ giáo viên, giảng viên và sinh viên.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát để ban hành hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn phù hợp nhằm bảo đảm công tác giáo dục đạo đức, lý tưởng, lối sống và kỹ năng sống được triển khai thường xuyên và hiệu quả.
Cũng theo ông Linh, tới đây Bộ sẽ cụ thể hóa các Đề án của Chính phủ về công tác giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử văn hóa... bằng các chương trình, hành động cụ thể. Mặt khác, chỉ đạo các trường tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lý tưởng, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên đảm bảo được thực hiện thường xuyên, phù hợp và đáp ứng với nhu cầu của các em. Bên cạnh đó, tăng cường cơ sở vật chất và bảo đảm thiết chế tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho học sinh, sinh viên.