Ôn thi tốt nghiệp THPT: Đừng học Lịch sử một cách "cô đơn"

GD&TĐ - Để không quá lo sợ về đề thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử, giáo viên dạy bộ môn này tại Hà Tĩnh đã đưa ra những lời khuyên để học sinh ôn tập.

Nhiều trường THPT tại Hà Tĩnh thường xuyên tổ chức thi thử để đánh giá lại kiến thức đối với học sinh.
Nhiều trường THPT tại Hà Tĩnh thường xuyên tổ chức thi thử để đánh giá lại kiến thức đối với học sinh.

Giáo viên chỉ nhau cách dạy

Thầy Cù Huy Hậu, tổ trưởng tổ bộ môn Lịch sử, Trường THPT Đồng Lộc (huyện Can Lộc) cho biết: Đối với bộ môn này, không chỉ việc giáo viên khuyên học sinh học như thế nào để hiệu quả, mà chính giáo viên cũng cần có cách dạy khoa học, để học sinh dễ tiếp thu, nhớ bài học lâu.

Thầy Hậu chỉ rõ về kinh nghiệm truyền giảng bài học: Dạy theo bài, theo chương, theo chủ đề. Mỗi phần sẽ có nội dung trọng tâm, có hệ thống bài tập trắc nghiệm theo các mức độ (bám sát vào ma trận của Bộ GD&ĐT).

Giáo viên phải bám sát sách giáo khoa và đặc biệt là chuẩn kiến thức kỹ năng (trong năm học 2020-2021, lưu ý phải bám sát vào nội dung điều chỉnh theo Công văn 3280 của Bộ). Sử dụng sơ đồ tư duy cho mỗi nội dung bài dạy.

“Ngay từ khi bước vào ôn luyện thi, chính giáo viên bộ môn này phải phân hóa được học sinh ra để dạy, các học sinh yếu/trung bình/khá giỏi có thể dạy bằng các phương pháp khác nhau mới đưa lại hiệu quả cao hơn” – thầy Hậu chia sẻ.

Tăng cường ôn luyện cuối cấp đối với HS lớp 12 tại Trường THPT Đồng Lộc (huyện Can Lộc).
Tăng cường ôn luyện cuối cấp đối với HS lớp 12 tại Trường THPT Đồng Lộc (huyện Can Lộc).

Trong đó, thầy Hậu chỉ rõ: Đối với học sinh khá, giỏi cần hướng dẫn học sinh nghiên cứu các tài liệu mở rộng, nâng cao và khai thác có chọn lọc các tài liệu từ nhiều nguồn thông tin chính thống trong quá trình học, để các em có thể chủ động tích lũy kiến thức. Từ đó, các em có thể nắm vững kiến thức cơ bản và phát triển được các kỷ năng khác khi làm các câu hỏi nâng cao.

Đối với học sinh yếu, trung bình, thầy Hậu cũng có kịch bản dạy riêng, như: Sử dụng phương pháp dạy học phù hợp với nội dung bài cũng như đối tượng học sinh. Mục đích là để học sinh thích học, có hứng thú và động lực phấn đấu.

Ôn thi tốt nghiệp THPT: Đừng học Lịch sử một cách "cô đơn" ảnh 2
Click vào ảnh để xem nội dung.

Đồng thời sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp trong 1 tiết dạy cụ thể, sử dụng hệ thống câu hỏi để kích thích sự hứng thú, sự đam mê để học sinh không nhàm chán khi học Lịch sử, giáo viên hệ thống những dạng bài tập ở mức độ thấp cho các em tìm hiểu.

Từ đó, thầy Cù Huy Hậu chỉ rõ phương pháp của giáo viên trong truyền đạt bài học đến với học sinh sao cho hiệu quả. Cụ thể, trong quá trình ôn tập phần kiến thức, giáo viên cần lấy ví dụ các dạng câu hỏi cho từng đơn vị kiến thức, để từ đó phát triển và mở rộng được từng yêu cầu nội dung bài học.

“Trong quá trình giảng dạy, trong một bài và đặc biệt là trong một nội dung nhất định nào đó, giáo viên có thể gợi mở cho học sinh các dạng câu hỏi có thể bắt gặp với cùng một đáp án, để từ đó giúp các em không bị nhầm lẫn về câu hỏi, câu dẫn, câu gợi mở…” – thầy Hậu nói thêm.

Thầy Cù Huy Hậu chia sẻ cách truyền đạt bài giảng tốt môn Lịch Sử đến với học sinh.
Thầy Cù Huy Hậu chia sẻ cách truyền đạt bài giảng tốt môn Lịch Sử đến với học sinh.

Về luyện đề thi, thầy Cù Huy Hậu cũng nhấn mạnh, bản thân giáo viên cần phải hướng dẫn học sinh lưu ý về từ khóa, từ gạch chân, chữ in nghiêng, một số từ và cụm từ có thể bị nhầm lẫn và cuối cùng là cách loại trừ đáp án. Khi luyện đề, có thể cho học sinh làm trên giấy, trên google form (giáo viên tự thiết kế), trên các trang ôn thi trực tuyến, trên các App của điện thoại di động…(giáo viên cần hướng dẫn học sinh tham gia một số trang ôn thi trực tuyến).

Học sinh tránh học máy móc

Đối với học sinh, thầy Cù Huy Hậu chỉ rõ và thẳng thắn khuyên học sinh về học và ôn luyện bộ môn Sử rằng: Đừng cố gắng ghi nhớ tất cả kiến thức một cách máy móc bằng cách học thuộc lòng, học vẹt sách giáo khoa. Hãy dùng bảng tóm tắt, sơ đồ tư duy để học.

Và hơn hết, có kế hoạch thì phải có “bí kíp”. Đó là học theo chiều dọc. Các học sinh hãy học bài theo định dạng của sách giáo khoa, có nghĩa là học theo trình tự thời gian để nắm các sự kiện nhiều nhất có thể. Để học tốt, nên dùng trục thời gian hay sơ đồ tư duy.

Ôn thi tốt nghiệp THPT: Đừng học Lịch sử một cách "cô đơn" ảnh 4
Click vào ảnh để xem nội dung.

Cụ thể, học sinh phải ghi chép đầy đủ, nắm chắc kiến thức cơ bản (đọc để nhớ, viết, vạch ý trọng tâm, sơ đồ hóa…).  Học sinh phải chăm luyện đề sau từng phần đã học, luyện đề, hỏi giáo viên, bạn bè nếu chưa hiểu hoặc làm sai, thậm chí một nội dung, một dạng câu hỏi có thể phải luyện nhiều lần.

Sau khi nắm vững các kiến thức cơ bản, nên ôn theo chiều ngang, có nghĩa là kết hợp nhiều kiến thức chung chủ đề. Ví dụ, quan hệ đối ngoại của tất cả các nước trong chương trình lịch sử thế giới, các chiến lược của Mỹ từ 1960 - 1973... Kiểu ôn theo chiều ngang này sẽ giúp chúng ta rèn luyện kỹ năng so sánh, đối chiếu và nắm sự kiện một cách khái quát nhất.

Học sinh chuyên làm đề thi nhưng tránh học máy móc.
Học sinh chuyên làm đề thi nhưng tránh học máy móc.

Thêm vào đó là “ôn theo kiểu Tây Tạng”. Các nhà sư Tây Tạng có một cách học để nhớ rất nhanh và lâu quên, đó là học theo kiểu tranh luận. Mỗi người đặt ra một câu hỏi để người khác trả lời. Người trả lời sẽ bị người khác phản bác. Hãy tìm một người bạn hoặc nhóm bạn cùng học lịch sử. Việc tranh luận ngắn về một nội dung lịch sử sẽ giúp các em nhớ lâu.

Và học cùng mạng. Đó là các em hãy làm thật nhiều bài tập trắc nghiệm, hiện nay có rất nhiều trên mạng internet. Đề thi do tập thể giáo viên biên soạn nên phong cách, cấu trúc biên soạn rất phong phú, đa dạng. Việc giải nhiều bài tập sẽ giúp học sinh có tư duy tốt trong việc giải tất cả các thể loại trắc nghiệm.

Thầy Cù Huy Hậu cũng ví dụ thêm, trong cùng một nội dung được nêu ra, đáp án là giống nhau nhưng cách hỏi là khác nhau. Ví dụ, trong quá trình tìm hiểu về chống chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mĩ (1961-1965), giáo viên có thể ví dụ về sự kiện Chiến thắng Ấp Bắc – Mĩ Tho, ngày 02/01/1963.

Thêm nữa, khi học, học sinh cần dùng phương pháp loại trừ trong đề thi trắc nghiệm. Đây là cách thức đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản của từng bài, từng phần hoặc từng chương để có thể loại trừ ra những đáp án sai một cách nhanh nhất.

Với kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, cũng như ôn luyện thi tốt nghiệp THPT, ôn luyện thi học sinh giỏi…, thầy Cù Huy Hậu có lời khuyên đối với học sinh khi ôn luyện môn Sử rằng: Cố gắng đừng học lịch sử một cách “cô đơn” bởi kiến thức đồ sộ sẽ khiến bạn chết chìm. Hãy cùng chia sẻ với những người “cùng cảnh ngộ” bằng cách thảo luận cùng nhau, hỏi đáp cùng nhau hay vẽ sơ đồ tư duy cùng nhau... Các em sẽ thấy cách này hiệu quả hơn học một mình.

Dù giải thật nhiều bài tập trắc nghiệm trên mạng nhưng đừng quá tin vào đáp án. Thực tế có nhiều đáp án không được kiểm chứng. Nếu nghi ngờ, hãy hỏi giáo viên, thầy cô sẽ cho các em lời giải đúng nhất.

“Và hơn hết, đừng quá lo sợ về đề thi. Đề thi luôn bảo đảm tính phân hóa. Có nghĩa là khi các em có học bài và luyện bài tập, điểm số trung bình không phải là điều khó. Sự lo sợ chỉ làm các em mất bình tĩnh mà thôi…” – thầy Cù Huy Hậu nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ