Có lợi thế là môn từng được chọn thi cách đây 2 năm, giáo viên nhanh chóng phát huy tư liệu đã được soạn thảo bài bản, đồng bộ trước đó để truyền tải đến các sĩ tử.
Bất ngờ song thấy “mừng”
Em Nguyễn Ngọc Mai - học sinh lớp 9A3, Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) bày tỏ: Nhận được thông tin thi môn Lịch sử, chúng em khá bất ngờ vì đây là môn đã được lựa chọn thi từ 2 năm trước. Nhưng sau đó, chúng em thở phào vì môn xã hội sẽ “dễ thở” hơn môn tự nhiên. Hơn nữa, đã từng được chọn thi, thầy cô sẽ có hệ thống tư liệu cũng như phương pháp ôn thi hiệu quả, giúp chúng em vững tâm chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi sắp tới.
Cô Phạm Thị Bích Diện - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (huyện Sóc Sơn) chia sẻ: Thầy và trò nhà trường hoàn toàn chủ động vì trường đã triển khai nghiêm túc chương trình học toàn diện từ đầu năm học. Thời điểm này, trường khẩn trương đầu tư thời gian, công sức trí tuệ trên tinh thần giáo viên tăng cường ôn, học sinh nỗ lực học.
“Do thời gian nghỉ dịch Covid-19 học theo hình thức trực tuyến, kiến thức có rơi vãi nên khi đi học trở lại, trường tập trung củng cố kiến thức các môn. Do thiếu phòng học, học sinh phải học 2 ca nên tập trung ưu tiên lớp 9 học chính khóa vào buổi sáng để buổi chiều học tăng cường, ôn luyện các môn thi vào lớp 10” - cô Diện cho biết thêm.
Có con đang học lớp 9 Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình), chị Lê Thị Nguyệt (quận Tây Hồ) cho rằng: Các cháu hay “kháo” nhau là loại môn Lịch sử ra khỏi các môn thi vào lớp 10 do trước đó môn này đã được lựa chọn. Tuy nhiên, tôi thấy môn thi thứ 4 được bốc thăm ngẫu nhiên nên vẫn nhắc nhở con học bài nghiêm túc, nắm bắt cơ bản kiến thức tất cả môn học để không bị động khi bước vào kỳ thi. Chính vì vậy, tuy có phần “ngạc nhiên” khi có thông tin môn thi thứ 4, song cháu không tỏ ra lo lắng mà vững tâm ôn luyện theo hướng dẫn của thầy cô để có thể giành được tấm vé vào lớp 10 theo nguyện vọng.
Tăng tốc ôn luyện
Theo cô Phạm Thị Bích Diện, trường lên kế hoạch phân luồng học sinh để các em được học và ôn tập theo đúng trình độ. Như vậy, các em không ngại học, không học đối phó, qua quýt. Quan điểm xuyên suốt của trường đến các thầy cô giáo là càng dạy học bổ trợ càng phải tạo hứng thú cho học sinh. Dạy ít nhưng hiểu dần, hiểu chắc kiến thức, không gây căng thẳng cho các em. Bên cạnh ôn theo trình độ học sinh, trường còn chia theo các mốc thời gian để kiểm tra mức độ đạt được sau mỗi chặng ôn luyện.
Cô Nguyễn Thị Hồng Nga - giáo viên dạy Lịch sử, Trường THCS Nguyễn Du (Sóc Sơn) cho hay: Theo kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 9 của nhà trường, chúng tôi kịp thời bắt tay củng cố lại kiến thức cơ bản cho học sinh. Với môn Lịch sử, tôi chú ý hướng dẫn các em nhận biết cấu trúc cũng như các cấp độ của đề (theo đề minh họa của Sở GD&ĐT Hà Nội năm 2019); phát huy năng lực của học sinh theo yêu cầu môn học, tránh gây căng thẳng cho các em. Bước tiếp theo, tôi tổ chức cho học sinh luyện đề, thi thử để tập dượt và không bị lúng túng khi bước vào kỳ thi.
Khi Lịch sử là môn thi được chọn, cô Nguyễn Thị Hưởng - giáo viên dạy Lịch sử Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) nhìn nhận: Ngay từ đầu năm học, nhà trường và tổ nhóm chuyên môn đã có kế hoạch về môn thứ thi 4 bằng cách thức ôn tập, tổ chức thi giữa kì, cuối kì theo hình thức trắc nghiệm. 100% bài kiểm tra được chấm bằng máy để học sinh quen với hình thức thi. Đây là năm thứ 2 môn Lịch sử chọn thi vào lớp 10 nên nhà trường, tổ nhóm Sử có thể phát huy được tối đa lợi thế đã có là hệ thống ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm được xây dựng theo từng bài, chủ đề với các mức độ về nhận biết thông hiểu và vận dụng phù hợp với từng học sinh.
Cô Hưởng cho biết: Tổ nhóm Sử đang có kế hoạch khái quát, củng cố kiến thức cho học sinh dưới hình thức sơ đồ tư duy kết hợp với ôn luyện ngân hàng câu hỏi theo chủ đề để giúp học sinh lớp 9 theo kịp tiến độ của kì thi vào lớp 10 sắp tới.
Cũng theo cô Hưởng, môn thi vào lớp 10 là Lịch sử là cơ hội để giáo viên tận dụng được tối đa sức lực cũng như kiến thức lịch sử truyền đạt đến học sinh, qua đó giáo dục học trò lòng yêu nước, tự hào dân tộc và thêm yêu bộ môn Lịch sử…
Tiếp nhận kiến thức từ phương pháp ôn luyện của cô Nguyễn Thị Hưởng, em Nguyễn Ngọc Mai cho rằng: Phương pháp dạy và ôn luyện của cô khoa học, logic. Trong từng phần bài học cô đưa ra nội dung chính cho chúng em dễ theo dõi, dễ nhớ, có thể tự tổng hợp lại kiến thức trọng tâm. Chúng em không thấy mơ hồ về các mốc thời gian, sự kiện lịch sử có trong bài… Vì vậy, trong hơn 2 tháng tập trung, chăm chỉ ôn luyện theo hướng dẫn của cô, chúng em có thể vững tâm chinh phục kỳ thi.