Nét đẹp Tết thầy

GD&TĐ - Trong xã hội nào cũng vậy, nghề giáo luôn là nghề cao quý nhất và người thầy giáo luôn có vị thế quan trọng.

Học sinh cũ cùng gia đình đến thăm nhà giáo Trần Cự.
Học sinh cũ cùng gia đình đến thăm nhà giáo Trần Cự.

Câu ca dao có từ ngàn xưa: “Mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy” là nét văn hóa về cách sống, cư xử mà ông cha ta muốn nhắc nhở tới con cháu. 

Học người xưa

Nhà giáo Trần Cự với 38 năm công tác liên tục ở ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang, từ làm công tác dạy học, chủ nhiệm đến cán bộ Phòng GD&ĐT luôn nhắc nhở các thế hệ sau về đạo thầy - trò.

Giờ đây, ở tuổi 81, chuyển về Hà Nội sinh sống đã lâu, nhưng vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Tết cổ truyền của dân tộc, các thế hệ học sinh cũ vẫn đến thăm nhà giáo Trần Cự.

Với vốn kiến thức uyên thâm của thầy giáo dạy Văn, nhà giáo Trần Cự bộc bạch: Tôi vẫn luôn tâm đắc với những câu chuyện cảm động về đạo thầy trò đã đi vào lịch sử và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc với chúng ta ngày nay. Chu Văn An (1292 – 1370) được người đời tôn là “vạn thế sư biểu” - người thầy của muôn đời. Ông nổi tiếng là nhà Nho mẫu mực với học vấn sâu rộng, đạo đức sáng ngời và là người thầy tận tụy với nghề dạy học.

Thầy Chu có tới 3.000 học trò, trong đó có nhiều người đỗ đạt cao, giữ nhiều chức tước trong triều đình đương thời như Phạm Sư Mạnh người Hải Dương, Lê Quát người Thanh Hóa. Hai người học trò này của Chu Văn An nổi tiếng đức độ, tài giỏi một thời, nhưng mỗi khi về thăm thầy cũ trong dịp lễ tết vẫn một mực cung kính theo đạo làm trò.

Câu chuyện về vua Lê Hiến Tông về thăm thầy dạy học cũng là bài học quý về tình nghĩa thầy trò. Một lần vua Lê Hiến Tông về giỗ bà nội ở An Lão (nay là xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) và đến thăm thầy giáo cũ của mình là cụ Châu Khê. Khi kiệu rồng đến đầu làng, nhà vua ra lệnh dừng kiệu và chọn một số cận thần cùng viên quan sở tại đi bộ đến nhà thầy. Người thầy giáo già cùng gia đình bày hương án nghênh tiếp.

Đến nơi, nhà vua bước nhanh tới chỗ cụ Châu Khê. Theo nghĩa vua tôi, cụ sụp lạy, nhà vua hai tay vội đỡ lấy vai người thầy giáo già nói: “Xin lão sư bình thân để đệ tử này khỏi thất lễ”. Nhà vua cầm tay cụ và ân cần thăm hỏi rồi cùng bước vào nhà. Vua nói với mọi người đang quỳ rạp bên đường: “Các ngươi hãy đứng lên để cùng ta vào nhà tôn sư. Hôm nay ta đến đây là học sinh về thăm thầy chứ không phải là Thiên tử đi kinh lý, nghi lễ ở chốn triều đình dùng vào lúc khác”.

Còn thời nay, chúng ta không thể nào quên câu chuyện về cố Tổng Bí thư Trường Chinh về thăm thầy cũ. Sau ngày Thủ đô Hà Nội giải phóng, vào độ Tết Dương lịch 1/1/1955, Tổng Bí thư Trường Chinh với bộ quần áo kaki giản dị đã đến số nhà 44 phố Hàng Bún thăm thầy giáo cũ - cụ Mai Phương mà ông từng được học ở bậc thành chung khi còn là học sinh ở Trường Quốc học Nam Định. Trải qua bao nhiêu năm xa cách và bận việc dân, việc nước, vị Tổng Bí thư vẫn nhớ tới người thầy giáo cũ với lòng kính trọng, ngưỡng mộ.

Hai thầy trò trò chuyện thật cởi mở, thân tình. Tổng Bí thư giọng xúc động nói: “Hôm nay, lấy tư cách cá nhân một học trò cũ, tôi đến thăm thầy và chúc mừng năm mới thầy cô. Nhân dịp này, thầy cho phép tôi thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước cảm ơn thầy và gia đình ta đã hết lòng vì kháng chiến”. Cuộc gặp diễn ra tuy ngắn nhưng là tình nghĩa thầy trò cao đẹp giữa một vị lãnh tụ cao cấp của Đảng và một nhà giáo yêu nước, suốt đời sống thanh bạch, tận tụy vì sự nghiệp giáo dục.

Giữ thời nay

Cứ mùng Ba Tết, nhóm cựu học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) lại cùng nhau đến thăm và chúc Tết thầy giáo chủ nhiệm lớp mà các em đã từng theo học 20 năm nay. Chị Nguyễn Thu Hằng - cựu HS Chu Văn An bộc bạch: Ngần ấy năm ra trường, hầu như năm nào, chúng tôi cũng đến chúc Tết thầy. Nhà thầy trở thành nơi tụ họp cho chúng tôi gặp gỡ, chia sẻ sau những quãng thời gian bộn bề với công việc và cuộc sống. Điều chúng tôi mừng nhất là thầy vẫn khỏe mạnh, luôn nhắc nhở chúng tôi gìn giữ nhân cách đẹp, hình ảnh đẹp của học sinh trường Bưởi trong cuộc sống, dù ở hoàn cảnh nào, vị trí nào…

Chị Nguyễn Thanh Bình thì bày tỏ, đi chúc Tết thầy cũng là để ôn lại những kỷ niệm đẹp của một thời cắp sách đến trường trong sự dìu dắt của thầy cô. Và cũng để những thế hệ sau này nhìn vào bố mẹ mà gìn giữ, duy trì nét đẹp Tết thầy…

Có thể thấy, nét đẹp truyền thống của đạo thầy trò có từ ngàn xưa và được lưu giữ, phát triển cho đến ngày nay. Trong xã hội hiện đại, nhà giáo được vinh danh là kỹ sư tâm hồn, nghề dạy học được coi là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Rất nhiều nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và hàng triệu thầy cô giáo từ bậc mẫu giáo đến đại học đang mang hết công sức, trí tuệ, tâm huyết và vượt qua mọi khó khăn để làm tốt sự nghiệp “trồng người” như lời huấn dạy của Bác Hồ kính yêu.

Những người thầy ấy luôn được các thế hệ học trò, được toàn xã hội tôn vinh, biết ơn. Vì thế, những ngày lễ tết, Ngày Nhà giáo Việt Nam hàng năm là dịp để các bậc phụ huynh cùng học sinh và những ai từng ngồi trên ghế nhà trường hướng về các thầy cô đã dẫn dắt chúng ta vững vàng bước vào cuộc đời với những tình cảm trân trọng, biết ơn. Mong rằng, đạo thầy trò ngày càng tốt đẹp hơn và mang đậm ý nghĩa nhân văn cao đẹp, phát huy được truyền thống tôn sư trọng đạo lâu đời của dân tộc ta.

Đạo thầy trò mãi là nét đẹp truyền thống của người dân đất Việt. Ngày Tết, học trò cũ mang theo cả gia đình, con cái đến chúc Tết thầy, đó là một trong những món quà tinh thần ý nghĩa nhất với cuộc đời nhà giáo của chúng tôi. - Nhà giáo Trần Cự

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.