Mùng 3 Tết thầy - nét đẹp truyền thống của người dân đất Việt

GD&TĐ - Theo GS.TSKH Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Tết Nguyên đán là dịp để các thành viên trong gia đình sum vầy và luôn đọng lại những điều tốt đẹp.

Mùng 3 Tết thầy - nét đẹp truyền thống của người dân đất Việt

* Theo GS, trong tâm thức của người Việt, ngày Tết có ý nghĩa như thế nào?

- Trong tâm thức của người Việt, Tết là những ngày để các gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau sau một năm làm việc vất vả. Mọi người sum vầy bên bữa cơm tất niên vào ngày 30, rồi trò chuyện với nhau, đó là những hồi ức đẹp, những kỉ niệm vui, buồn.

Tết Việt là dịp để mọi người tiến hành nhiều hoạt động quan trọng trong đời sống tâm linh. Đây cũng là dịp để đoàn tụ gia đình, để thế hệ trẻ biết về những công lao đóng góp của tổ tiên cho cuộc sống ngày nay. Vì thế, Tết rất quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi người Việt Nam.

GS.TSKH Phạm Minh Hạc
GS.TSKH Phạm Minh Hạc 

* Trong ký ức của GS, Tết xưa gợi những hình ảnh và kỷ niệm gì?

 - Tôi nhớ đến hình ảnh nhà nhà giã giò, gói bánh chưng và làm cây nêu. Nhớ nhất là năm đầu tiên đón Tết Nguyên đán kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập (1945). Hồi đó, tôi mới hơn 10 tuổi nhưng đó là một trong những cái Tết để lại ấn tượng nhất. Mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, thiếu thốn nhưng ai nấy đều khấp khởi niềm vui, hân hoan đón Tết. Trẻ con háo hức xem bố giã giò, rồi tíu tít bên nồi bánh chưng cho đến đêm giao thừa. Vui nhất là được tham dự lễ mít tinh ở đình làng, hay còn gọi là đón Tết chung, Tết tập thể...

* Người Hà Nội vẫn hoài niệm về Tết thời bao cấp. Cũng là thế hệ của thời kỳ “tem phiếu”, GS có thể chia sẻ đôi điều về thời kỳ đó?

- Với thế hệ chúng tôi, Tết của thời kỳ “tem phiếu” đã là quá vãng và trở thành những kỷ niệm đẹp không thể nào quên. Hình ảnh xếp hàng để mua hộp mứt, bánh pháo tép, hay một ít thịt lợn... là những “đặc sản” không thể thiếu của thời kỳ ấy. Có người còn xếp hàng từ 3 - 4 giờ sáng, thậm chí nhiều người xếp hàng bằng gạch, nón hoặc lồng gà... để nhận được vài lạng thịt, cân bột mì và 1 túi hàng tết gồm: 1 bánh pháo; 1 hộp mứt Tết, chè; 1 gói kẹo...

Nghĩ lại cũng thấy vui và đong đầy yêu thương. Bởi chính trong khó khăn, thiếu thốn ấy lại là ăm ắp tình thương, tình làng nghĩa xóm và tinh thần đoàn kết để cùng nhau vượt qua khó khăn chung của đất nước cũng như của mỗi gia đình. Bởi thế, Tết thời bao cấp luôn là dư vị khó quên và ai đã từng trải qua giai đoạn ấy đều cảm thấy nao lòng mỗi khi nhớ đến.

* Câu nói “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ và mùng 3 Tết thầy” gợi nhắc đến truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Vậy quan niệm của GS về mùng 3 Tết thầy như thế nào?

Tôi nhớ nhất là hình ảnh cây nêu – một hình ảnh quen thuộc của các gia đình trong ngày Tết thời ấy. Trên cây nêu treo cờ, khánh đất nung kêu leng keng mỗi khi có gió nghe rất vui tai. Tiếc là ngày nay, tục trồng cây nêu đã dần mai một, rất ít gia đình giữ được nét đẹp văn hóa này .

 
GS.TSKH Phạm Minh Hạc

- Trước hết cần hiểu, thầy ở đây không chỉ bó hẹp là người dạy chữ mà cả là những người thầy dạy nghề. Những ngày Tết đến xuân về, bên cạnh niềm vui náo nức đón chào năm mới, thì những học trò cũ thường đến nhà thầy, cô giáo để chúc Tết. Qua đó, không chỉ để bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy, cô giáo đã dạy dỗ mình, mà còn gửi gắm lời chúc mừng năm mới an khang thịnh vượng đến với thầy, cô.

Quà biếu thầy, cô không nặng về vật chất mà coi trọng tình cảm, nghĩa tình thầy – trò. Có chăng là ít bánh kẹo, gói trà thơm, rồi thầy – trò ngồi quây quần bên nhau tâm sự chuyện năm cũ, năm mới. Vì thế, ngày mùng 3 Tết thầy luôn là bầu không khí đầm ấm và đã trở thành nét đẹp truyền thống không thay đổi trong tâm thức của người dân đất Việt.

Ngay như bản thân tôi, trước kia còn khỏe vẫn đến thăm và chúc Tết các thầy đã dạy tôi hoặc có ảnh hưởng lớn đến học tập và sự nghiệp của tôi. Nhưng một vài năm gần đây, sức khỏe không được tốt, nên tôi gửi thiệp chúc Tết đến các thầy. Và trong những ngày Tết, tôi cũng nhận được rất nhiều lời chúc của học sinh cũ gửi đến, điều đó làm tôi vui và hãnh diện.

Ngày nay, cuộc sống có nhiều thay đổi nên cách bày tỏ tình cảm của học trò đối với người thầy ít nhiều cũng khác so với thời của chúng tôi ngày xưa. Do điều kiện, hoàn cảnh nên nhiều người thay vì trực tiếp đến nhà chúc Tết thầy cô giáo của mình, đã gửi tin nhắn chúc Tết qua điện thoại hoặc qua Facebook, Zalo... Nhưng dù bằng hình thức nào đi chăng nữa thì cũng rất đáng trân trọng, bởi đó là tình cảm chân thành của học trò đối với thầy giáo của mình.

Cũng có nhiều người nói rằng, “Tết thầy” có vẻ như đã bị thương mại hóa. Tôi không phủ nhận điều này, nhưng đó cũng chỉ là cá biệt. Bởi đa số học trò đến “Tết thầy” vẫn bằng tấm lòng biết ơn, trân trọng và mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với thầy cô của mình.

*Xin cảm ơn GS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.