Phong tục của người Việt luôn đề cao chữ “hiếu” và chữ “nghĩa”, đó là đạo lý ăn sâu vào gốc rễ từ bao đời nay của dân ta. Tết là dịp lễ quan trọng và thiêng liêng trong một năm. Chính trong những thời khắc này, chúng ta càng phải tỏ lòng hiếu nghĩa với những người quan trọng trong cuộc đời của mỗi cá nhân. Tết đến là thời gian để chúng ta dành tình cảm cho những người thân yêu. Và đặc biệt với riêng tôi, dịp tết thầy ngày mùng 3 khiến tôi luôn bùi ngùi và xao xuyến.
Tết đến, những đứa con xa quê vội vã lên xe để trở về nhà sau một năm bôn ba làm việc vất vả. Ai cũng mong muốn được tận hưởng giây phút ngọt ngào bên cạnh những người thân yêu. Lòng ai cũng nao nao, hớn hở như một đứa trẻ con hoà vào sắc xuân của đất trời. Cùng cha mẹ và anh em đón khoảnh khắc giao thừa bên nhau, cùng chúc nhau một năm an khang may mắn sẽ đến. Và tôi không quên dành chút thời gian ít ỏi trong dịp nghỉ lễ của mình để cùng các bạn đi tết Thầy.
Thầy- người chủ nhiệm đã theo sát chúng tôi trong những năm tháng cấp 3. Rời xa mái trường cấp 2 thân yêu chúng tôi vẫn trẻ con, vô tư lắm, hay trêu chọc nhau thế nhưng dưới sự dạy dỗ của thầy chúng tôi đã dần khôn lớn và trưởng thành hơn.
Nói thật rằng, dù có lên đại học sống trong một môi trường hoàn toàn mới thế nhưng những kỷ niệm về thầy cô và bạn bè dưới mái trường trung học phổ thông cứ in dấu mãi trong trái tim tôi. Cuộc sống có thể làm người ta lãng quên nhiều điều nhưng có lẽ sẽ không làm phai mờ được những kỷ niệm đẹp đã tồn tại trong tiềm thức mỗi người. Trong tim tôi hình ảnh về người thầy chủ nhiệm với những ngày mưa gió đội nón đến trường, chiếc áo rách do va quyệt xe còn rớm máu không kịp thay để đúng giờ lên lớp như còn hiện đâu đây.
Và tôi cũng chẳng thể quên được giọt nước mắt của thầy trong buổi liên hoan chia tay cuối cấp. Bịn rịn đến đắng lòng. Ba năm thầy chủ nhiệm, thầy luôn được nhắc đến với sự nghiêm khắc cứng nhắc thế nhưng giờ phút chia tay sao thầy lại yếu mềm đến thế. Đôi mắt đỏ hoe, dáng người gầy gò của thầy đứng trên bục giảng mà chả thể cất lên lời.
Thầy đã phải mạnh mẽ lắm mới nói được vài câu tạm biệt chúng tôi. Cả lớp oà khóc chạy lên ôm thầy. Vậy là từ đây trên hành trang vào đời của chúng tôi sẽ không còn bóng thầy dìu bước. Cả lớp cùng hứa sẽ cố gắng học tập chăm chỉ trên chặng đường tiếp theo để không phụ công thầy.
Tết năm trước tôi và các bạn đến thăm thầy. Thầy đã về hưu, sức khoẻ có phần giảm sút. Khỏi phải nói, thầy đã xúc động như thế nào. Thấy chúng tôi, thầy ngạc nhiên hỏi rằng: “ Các con vẫn còn nhớ đến thầy ư?”. Tự nhiên tôi thấy cổ họng mình mặn chát, tôi nói với giọng trêu thầy rằng: “ Chúng con lúc nào cũng nhớ đến thầy, chỉ có thầy chắc không nhớ đến bọn con thôi”
Thầy xua tay và nói: “ Ba năm gắn bó với cái lớp nghịch nhất trường làm sao thầy có thể quên được đứa nào?”
Thầy chỉ và đọc tên từng đứa rõ ràng. Tôi tự hỏi lòng mình đó có phải là do trí nhớ thầy tốt hay do tấm lòng của người thầy luôn dõi theo bước chân của mỗi đứa học trò. Những ánh mắt cử chỉ của thầy dành cho chúng tôi vẫn âu yếm và nhẹ nhàng như ngày nào. Tôi như được quay trở về quãng thời gian mộng mơ, với sự tinh khôi đáng yêu, với những nhiệt huyết của tuổi trẻ đầy hoài bão.
Gặp thầy, những kỷ niệm hồn nhiên, nghịch ngợm một thời đều được hồi tưởng lại. Chúng tôi thi nhau kể cho thầy nghe những kế hoạch đã đạt được của năm cũ và những dự định tiếp theo của năm mới. Thầy mỉm cười, đưa tay xoa đầu mỗi đứa “ Các con giỏi lắm. Cố gắng lên nhé”.
Sự động viên của thầy dường như tiếp thêm sức mạnh, là một nguồn cổ vũ lớn lao để chúng tôi tiếp tục phấn đấu đạt được mục tiêu trên hành trình mới. Chúc thầy sức khoẻ, vạn sự như ý chúng tôi ra về mà lòng ngập tràn vui sướng.
Tết thầy, yêu lắm tinh thần “tôn sư trọng đạo” của người Việt. Người thầy - những người lái đò tận tuỵ chở học sinh của mình đến bến bờ tri thức. Tết đến, chúng ta hãy cùng dành cho thầy cô giáo- những người đã hy sinh lớn lao cho sự nghiệp trồng người một ngày lễ thật ý nghĩa và trân trọng…
“ … Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi,
Có hay bao mùa lá rơi
Thầy đã đến như muôn ngàn tia nắng,
Sáng soi bước em trong cuộc đời…”
( Người thầy- Nguyễn Nhất Huy)