Một số giải pháp dạy học lịch sử địa phương ở tiểu học

GD&TĐ - Khi được hỏi về lịch sử hình thành hay truyền thống đấu tranh cách mạng chính tại nơi mình đang sinh sống, phần lớn học sinh không trả lời được hoặc trả lời một cách mơ hồ. 

Các thầy cô trong Hội đồng bộ môn tổ Tự nhiên xã hội (Sở GD&ĐT Đồng Tháp)
Các thầy cô trong Hội đồng bộ môn tổ Tự nhiên xã hội (Sở GD&ĐT Đồng Tháp)

Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu? Giáo viên chúng ta gặp những khó khăn gì khi dạy Lịch sử địa phương? Dưới đây là những giải pháp được Hội đồng bộ môn tổ Tự nhiên xã hội (Sở GD&ĐT Đồng Tháp) chia sẻ.

Nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của dạy Lịch sử địa phương

Để làm được việc này, cần tổ chức quán triệt tinh thần về nội dung giảng dạy lịch sử, trong đó có nội dung lịch sử địa phương. Nhà trường chủ động giới thiệu một số di tích lịch sử trên địa bàn thành phố, trong tỉnh và của địa phương theo gợi ý của Hội đồng bộ môn (HĐBM).

Làm tốt công tác tuyên truyền, như chỉ ra hiện tượng học sinh thờ ơ với các thông tin lịch sử, thờ ơ khi xem các bộ phim tài liệu, chưa tập trung với giờ giảng của giáo viên trên lớp, trong đó, giáo viên phải nhận thức tốt về tầm quan trọng của lịch sử. Giáo viên khơi gợi cho học sinh lòng yêu quý, lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn, yêu hoà bình, ghét chiến tranh, … để từ đó, các em thấy được trách nhiệm của mình.

Khi nhận thức được tầm quan trọng này, giáo viên mới chủ động nghiên cứu tài liệu, áp dụng các phương pháp, hình thức dạy học nâng cao chất lượng dạy học Lịch sử địa phương.

Gắn kết lịch sử địa phương trong dạy học, trải nghiệm

Giải pháp thứ 2 là cần chú trọng việc gắn kết lịch sử địa phương trong tiến trình dạy học lịch sử và tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động trải nghiệm gắn với nội dung lịch sử.

Tổ chuyên môn, giáo viên chủ động rà soát nội dung các bài lịch sử trong chương trình, xác định nội dung giai đoạn lịch sử nào ở địa phương có thể lồng ghép vào bài dạy.

Ví dụ: Khi dạy bài 9: Cách mạng mùa thu - lớp 5, giáo viên có thể liên hệ diễn biến của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Đồng Tháp. Những nội dung nào có thể tổ chức hoạt động trải nghiệm tại di tích lịch sử bên cạnh các hình thức mà các trường vẫn thường làm đó là mời nhân chứng lịch sử, ngoại khoá với hình thức hái hoa kiến thức,... Mạnh dạn tham mưu hiệu trưởng để có sự chỉ đạo, lên kế hoạch, phân công các bộ phận phối hợp tổ chức tiết học gắn với di tích lịch sử địa phương một cách an toàn, hiệu quả.

Để nội dung bài học đạt kết quả tốt, giáo viên cần gắn “liên hệ thực tế” với hoạt động chăm sóc di tích để học sinh được trải nghiệm giữ gìn, bảo tồn di tích ở địa phương; cần phối hợp với Tổng phụ trách Đội để gắn kế hoạch giảng dạy, tìm hiểu về di tích của mình vào các hoạt động giáo dục của Đội.

Khi thiết kế hoạt động giảng dạy, cần có câu hỏi chủ đạo về nội dung kiến thức để học sinh chủ động trong hợp tác với bạn, chủ động trong tìm hiểu để tiết học thêm sinh động; cần thiết kế các nội dung theo chủ đề phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và nội dung phù hợp di tích lịch sử của địa phương.

Với các nội dung còn lại của Lịch sử địa phương (có tài liệu), giáo viên nên chủ động lồng ghép bài học và giới thiệu lồng ghép vào các hoạt động của Liên Đội. Bên cạnh đó, giáo viên cũng nên tăng cường các hoạt động học tập ngoài không gian lớp học như: vườn trường, phòng truyền thống và gắn với các nội dung “Mỗi tuần một điểm đến” của Liên Đội phát động (thông tin về di tích, địa danh, cảnh đẹp, … kèm hình ảnh được Liên Đội đính xung quanh sân trường) để làm nguồn tư liệu giảng dạy, kích thích học sinh trước khi trải nghiệm tại các di tích.

Một điều không thể thiếu trong dạy học là tuyên truyền cho học sinh sự đam mê đọc sách, bởi sách là nguồn tri thức quý giá, cung cấp cho học sinh rất nhiều kiến thức về Khoa học - Tự nhiên và Xã hội.

Trước khi tổ chức các tiết học, bài học có liên quan đến việc lồng ghép, tích hợp lịch sử địa phương, giáo viên cần giới thiệu đến các em các loại sách có liên quan để tham khảo hoặc liên hệ thư viện tìm kiếm thông tin, tư liệu nhằm chuẩn bị và giúp các em học tốt hơn.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giờ học cũng giúp các em tìm hiểu về lịch sử địa phương tốt hơn. Kết hợp với việc dạy học trải nghiệm và tích hợp liên môn, sau những tiết học về tin học, phần thực hành, giáo viên cũng nên hướng dẫn cho học sinh tự tra cứu trên mạng tìm hiểu về lịch sử của quê hương mình đang sinh sống, hướng dẫn, giáo dục các về tác dụng của việc sử dụng máy tính, điện thoại trong học tập, … (phát triển kĩ năng tìm kiếm thông tin).

Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh trong học Lịch sử

Cần xem đây cũng là một biện pháp tạo động cơ thúc đẩy học sinh quan tâm đến việc học tập, tìm hiểu lịch sử địa phương có hiệu quả hơn.

Trong năm học này, khi ra đề tham khảo kiểm tra định kì nội dung Lịch sử, tổ Xã hội mạnh dạn đưa câu hỏi liên quan đến nội dung lịch sử địa phương. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề xuất với Liên Đội khi “Kiểm tra công nhận hoàn thành chương trình rèn luyện đội viên” nên có ít nhất 2 câu hỏi về lịch sử, di tích lịch sử ở địa phương để học sinh tìm hiểu.

Sau khi thực hiện các giải pháp trên, giáo viên nhận thức đúng đắn được sự cần thiết của lịch sử nói chung và lịch sử địa phương nói riêng trong quá trình giảng dạy. Tích cực, chủ động trong tìm hiểu, gắn kết các nội dung vào bài học. Áp dụng đa dạng các hình thức dạy học, trong đó, năng lực tổ chức hoạt động dạy học phát huy năng lực học tập qua trải nghiệm của học sinh được giáo viên thực hiện rất tốt.

Học sinh được trải nghiệm thực tế, phát triển các kỹ năng và năng lực học tập. Không những các em chủ động thích thú tìm hiểu, nắm những kiến thức lịch sử mà còn hình thành ở các em thái độ và động cơ học tập đúng đắn, nâng cao chất lượng dạy học lịch sử.

Kiến thức các em học không chỉ phát huy ở môn học mà còn ở các hoạt động tập thể. Các em ý thức hơn trong việc tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa địa phương và các hoạt động vì cộng đồng khác.

Để dạy học tốt lịch sử địa phương, các trường, tổ chuyên môn, giáo viên cần chủ động phối hợp với cha mẹ học sinh, đoàn thể, chính quyền, ban quản lý các di tích ở địa phương để tổ chức các hoạt động dạy học trải nghiệm phù hợp; mạnh dạn ra đề kiểm tra định kì nội dung Lịch sử có câu hỏi liên quan đến lịch sử địa phương của tỉnh, thành phố và nơi các em sinh sống.

Sở, phòng GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo, Hội khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp có thể tổ chức bồi dưỡng trực tuyến cho đội ngũ giáo viên, giúp giáo viên được cập nhật các kiến thức về lịch sử đầy đủ nhằm giảng dạy Lịch sử địa phương tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.