Dấu tích hiếm hoi từ thời kỳ Đồ đá cũ
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện 35 công cụ bằng gỗ từ thời kỳ Đồ đá cũ tại Trung Quốc, hé lộ trình độ chế tác đáng kinh ngạc, khả năng nhận thức cao và mang đến góc nhìn mới về chế độ ăn của người tiền sử.
Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science, các công cụ 300.000 năm tuổi này là hiện vật bằng gỗ cổ nhất từng được ghi nhận tại Đông Á.
Chúng \ gồm gậy đào làm từ gỗ thông và gỗ cứng, dụng cụ hình móc dùng để cắt rễ và các vật nhọn nhỏ để moi thực vật ăn được từ lòng đất.
“Phát hiện này rất đặc biệt vì nó lưu giữ một khoảnh khắc lịch sử khi con người cổ đại đang sử dụng các công cụ gỗ tinh xảo để khai thác nguồn thực phẩm dưới lòng đất,” trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Bo Li từ Trường Khoa học Trái Đất, Khí quyển và Sự sống thuộc Đại học Wollongong (Úc), cho biết trong một tuyên bố.
Các công cụ này có niên đại từ thời kỳ đầu Đồ đá cũ (khoảng 3,3 triệu đến 300.000 năm trước). Do tính hữu cơ, các hiện vật gỗ từ thời kỳ này rất hiếm, và chỉ một số ít di chỉ khảo cổ từng ghi nhận được những hiện vật tương tự.
Tuy nhiên, phần lớn các công cụ trước đây, như giáo tại Schoningen, Đức, là công cụ săn bắn, còn các công cụ mới phát hiện lại được thiết kế để đào bới.

Bằng chứng cho thấy tư duy chiến lược và hiểu biết thực vật sớm
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những công cụ này bị chôn vùi trong lớp trầm tích sét nghèo oxy ở ven bờ một hồ cổ tại di chỉ Gantangqing, thuộc tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc.
Những trầm tích này đã giúp bảo quản các vết mài, cạo có chủ đích trên công cụ, cũng như dấu tích thực vật và đất còn sót lại trên một số lưỡi công cụ – cung cấp manh mối về chức năng của chúng.
“Kết quả của chúng tôi cho thấy người cổ tại Gantangqing đã có chiến lược khai thác nguồn thực phẩm ven hồ” - nhóm nghiên cứu viết trong bài báo - “Họ lên kế hoạch đến ven hồ và mang theo các công cụ được chế tác từ loại gỗ đã chọn, nhằm khai thác các loại củ, thân rễ hoặc thân củ dưới lòng đất.”
Những chuyến đi có tính toán như vậy cho thấy từ 300.000 năm trước, tổ tiên loài người tại Đông Á đã chế tác và sử dụng công cụ phục vụ mục đích cụ thể, thể hiện sự chủ động và tư duy có mục tiêu rõ ràng.
Các hiện vật cũng cho thấy người cổ đã có hiểu biết nhất định về loài cây nào và bộ phận nào của cây có thể ăn được.
“Những công cụ này thể hiện mức độ lập kế hoạch và kỹ năng chế tác thách thức quan điểm rằng người cổ Đông Á bảo thủ về mặt công nghệ,” ông Bo Li nhận định trong tuyên bố.
Quan điểm này trước đây xuất phát từ việc phát hiện một số công cụ đá ở Đông Á có vẻ “nguyên sơ” hơn so với công cụ được tìm thấy tại Tây Âu và châu Phi, theo bài báo.
Các nhà nghiên cứu đã xác định niên đại của các công cụ và cho biết chúng có niên đại trong khoảng từ 250.000 đến 361.000 năm tuổi.
Các dấu tích thực vật còn sót lại trên công cụ chưa thể xác định được do đã bị phân hủy quá mức, nhưng các mẫu thực vật khác được tìm thấy tại di chỉ Gantangqing cho thấy người cổ ở đây từng ăn dâu rừng, hạt thông, hạt phỉ, quả kiwi và các loại củ sống dưới nước, theo nghiên cứu.
“Phát hiện này thách thức những giả định trước đây về khả năng thích nghi của con người thời tiền sử,” ông Li cho biết trong tuyên bố.
“Trong khi các di chỉ châu Âu cùng thời (như Schoningen ở Đức) tập trung vào săn các loài thú lớn, Gantangqing lại hé lộ một chiến lược sinh tồn đặc biệt dựa trên thực vật.” – ông nói thêm.