Môn Lịch sử và Địa lý tiểu học trong Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Cấu trúc nội dung CT môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học chú trọng lựa chọn “điểm”. Với lịch sử, kiến thức lịch sử không tuân thủ nghiêm ngặt tính lịch đại mà lựa chọn sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu của vùng miền, quốc gia, khu vực, của một số giai đoạn lịch sử. Với địa lí, mỗi vùng miền, quốc gia, khu vực chỉ lựa chọn một số kiến thức địa lí tiêu biểu, đặc trưng cho từng vùng, dựa trên nét đặc trưng về tự nhiên, vai trò lịch sử của vùng đất đó.  

Học sinh tiểu học sẽ được áp dụng dạy môn Lịch sử - Địa lý trên lớp và ngoài giờ học Ảnh: Như Hùng
Học sinh tiểu học sẽ được áp dụng dạy môn Lịch sử - Địa lý trên lớp và ngoài giờ học Ảnh: Như Hùng

Logic nội dung

Chia sẻ của nhóm biên soạn CT Lịch sử và Địa lý tiểu học: Mạch nội dung CT môn học không tách thành hai phân môn Lịch sử và Địa lí mà các kiến thức lịch sử và địa lí được tích hợp trong các chủ đề về địa phương, vùng miền, đất nước và thế giới theo sự mở rộng về không gian địa lí và xã hội (bắt đầu từ địa phương, vùng miền, đến đất nước và thế giới).

Logic này bảo đảm để khi hoàn thành CT môn học ở tiểu học, HS sẽ có kiến thức bước đầu về lịch sử, địa lí của địa phương, vùng miền, đất nước, thế giới để học tiếp môn Lịch sử và Địa lí ở THCS. CT cũng kết nối với kiến thức, kĩ năng các môn học, hoạt động giáo dục khác như: Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm... giúp HS vận dụng tích hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều môn học để giải quyết các vấn đề trong học tập, đời sống phù hợp với lứa tuổi.

Ở lớp 4, ngoài phần mở đầu giúp HS làm quen với các phương tiện học tập môn Lịch sử và Địa lí, mạch kiến thức được thiết kế theo 6 chủ đề, bắt đầu từ địa phương em, đến các vùng miền của đất nước, bao gồm các chủ đề: Địa phương em, Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng Bắc Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ.

Phần Địa phương em ở CT lớp 4 sẽ học ở quy mô cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các địa phương căn cứ vào yêu cầu cần đạt quy định trong CT để xây dựng nội dung dạy học cụ thể phù hợp. Phần lịch sử và địa lí của các vùng miền, nhà trường có thể linh hoạt trong việc sắp xếp thứ tự dạy học về các vùng miền phù hợp với sự phát triển không gian từ gần đến xa của HS.

Lớp 5 gồm 9 chủ đề về đất nước Việt Nam, các nước láng giềng, khu vực Đông Nam Á và thế giới: Đất nước và con người Việt Nam, Những quốc gia đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam, Xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam, Các nước láng giềng, Khu vực Đông Nam Á, Tìm hiểu thế giới, Chung tay xây dựng thế giới.

Trong CT môn Lịch sử và Địa lí, các kiến thức lịch sử, địa lí được tích hợp trong từng chủ đề về địa phương, vùng miền, đất nước và thế giới. Với chủ đề địa phương, vùng miền, sẽ tìm hiểu về tự nhiên, dân cư, lịch sử văn hoá của địa phương, vùng miền đó. Một số nội dung sẽ chủ yếu là địa lí, hoặc lịch sử; một số nội dung tích hợp cả lịch sử, địa lí, văn hoá…

Học sinh tìm hiểu kiến thức Lịch sử - Địa lý trên máy tính Ảnh: Hà Thành
Học sinh tìm hiểu kiến thức Lịch sử - Địa lý trên máy tính Ảnh: Hà Thành 

Lưu ý về phương pháp giáo dục

Việc đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử và Địa lí theo hướng tiếp cận năng lực là trọng tâm của CT. Môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học chú trọng tổ chức các hoạt động dạy học giúp HS tự tìm hiểu, tự khám phá; chú trọng rèn luyện HS biết cách sử dụng SGK, tài liệu học tập, biết cách suy luận để tìm tòi và phát hiện kiến thức mới; tăng cường phối hợp tự học với học tập, thảo luận theo nhóm, đóng vai, làm dự án nghiên cứu; đa dạng hoá các hình thức tổ chức học tập, kết hợp học trên lớp với các hoạt động xã hội; tổ chức, hướng dẫn, tạo cơ hội cho HS thực hành, trải nghiệm, tiếp xúc với thực tiễn để tìm kiếm, thu thập thông tin, phát hiện và giải quyết vấn đề.

Trong dạy học Lịch sử, chú trọng lối kể chuyện, dẫn chuyện. GV giúp HS làm quen với lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc, lịch sử khu vực, thế giới thông qua kết hợp giữa kiến thức lịch sử cơ bản và các câu chuyện lịch sử; tạo cơ sở để HS bước đầu nhận thức về khái niệm thời gian, không gian; đọc hiểu các nguồn sử liệu đơn giản về sự kiện, nhân vật lịch sử…

Đối với Địa lí, dạy học gắn liền với việc khai thác kiến thức từ các nguồn tư liệu lược đồ, bản đồ, biểu đồ, sơ đồ, hình ảnh, số liệu; chú trọng dạy học khám phá, quan sát thực địa; tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của HS như: Thảo luận, đóng vai, làm dự án nghiên cứu... nhằm khơi dậy, nuôi dưỡng trí tò mò, sự ham hiểu biết khám phá của HS đối với thiên nhiên và đời sống xã hội, từ đó hình thành năng lực tự học và khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn.

Tùy theo điều kiện cụ thể ở địa phương, GV tổ chức các hoạt động dạy học ở ngoài lớp học và ngoài khuôn viên nhà trường, như gặp gỡ các cá nhân, tập thể đã trực tiếp tham gia vào các sự kiện lịch sử, các hoạt động xã hội; tham quan các cảnh quan, di tích lịch sử - văn hoá, triển lãm, bảo tàng...

Nguyên tắc dạy học quan trọng của lịch sử và địa lí là luôn sử dụng phương tiện dạy học với các yêu cầu cơ bản: Đảm bảo phù hợp với mục tiêu và nội dung dạy học, đúng lúc, phối hợp nhiều loại khác nhau, đủ cường độ và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS.

Phương tiện dạy học lịch sử và địa lí có hai chức năng cơ bản là trực quan và nguồn tri thức, trong đó chức năng nguồn tri thức đóng vai trò quan trọng với hoạt động nhận thức của HS. Bản thân phương tiện dạy học lịch sử và địa lí chứa đựng các kiến thức lịch sử, địa lí. Để sử dụng hiệu quả các phương tiện dạy học, trong quá trình dạy học GV cần tổ chức, hướng dẫn, tạo điều kiện để HS tìm tòi, khám phá, khai thác, chiếm lĩnh kiến thức từ các phương tiện dạy học lịch sử, địa lí; qua đó, HS vừa có được kiến thức, vừa được rèn luyện kĩ năng, biết cách thức vận dụng kiến thức lịch sử và địa lí vào thực tiễn.

CNTT ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong dạy học. GV cần khuyến khích, tạo điều kiện, môi trường học tập thuận lợi cho HS khai thác thông tin từ Internet để phục vụ học tập.

Lưu ý về đánh giá kết quả giáo dục

Việc đánh giá kết quả giáo dục cần được dựa trên phương diện cần đánh giá là: Các phẩm chất, năng lực chung; các năng lực chuyên môn Lịch sử và Địa lí. Trong đánh giá kết quả học tập, chú trọng khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng trong những tình huống ứng dụng, không lấy kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức lịch sử hay địa lí làm trung tâm của việc đánh giá. Bên cạnh nội dung lí thuyết, coi trọng việc đánh giá các kĩ năng thực hành lịch sử và địa lí (làm việc với bản đồ, lược đồ, biểu đồ, sơ đồ, bảng số liệu, tranh ảnh, quan sát; thu thập, xử lí thông tin...).

Việc đánh giá kết quả học tập của HS trong môn Lịch sử và Địa lí cần đảm bảo nguyên tắc: Toàn diện, khách quan, chính xác, phân hoá; kết hợp đánh giá trong suốt cả quá trình học tập (đánh giá quá trình) và đánh giá vào cuối kì, cuối năm học (đánh giá tổng kết); kết hợp đánh giá của GV với HS và việc HS đánh giá lẫn nhau và tự đánh giá; đánh giá định lượng và định tính; đánh giá lí thuyết và thực hành; đánh giá trong hoạt động trên lớp và ngoài lớp...

Việc đánh giá kết quả học tập được chuyển đổi theo hướng chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng. Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực được quy định trong CT tổng thể, CT môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học; chú trọng khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng của HS trong những tình huống cụ thể.

Cùng đánh giá kiến thức, kĩ năng, cần tăng cường và áp dụng biện pháp thích hợp để đánh giá thái độ của HS trong học tập; chú trọng xem xét hiểu biết của HS về lịch sử, địa lí của địa phương, vùng miền, đất nước; hiểu biết bước đầu về thế giới và khả năng vận dụng những kiến thức lịch sử, địa lí để tìm hiểu môi trường xung quanh, vận dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Công tác đánh giá cần kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì; giữa đánh giá định tính và định lượng; giữa đánh giá của GV với tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của HS, đánh giá của cha mẹ HS và đánh giá của cộng đồng. Sử dụng các hình thức đánh giá khác nhau: Đánh giá thông qua bài viết (bài tự luận, bài trắc nghiệm khách quan, bài thu hoạch tham quan, báo cáo kết quả sưu tầm...); đánh giá thông qua vấn đáp, thuyết trình; đánh giá thông qua quan sát (quan sát việc HS sử dụng các công cụ học tập, thực hiện các bài thực hành, thảo luận nhóm, học ngoài thực địa, tham quan, khảo sát địa phương… bằng cách sử dụng bảng quan sát, bảng kiểm, hồ sơ học tập...).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.