Dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông: Mô hình cần vận dụng linh hoạt

Dự thảo Thông tư quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với cơ sở giáo dục phổ thông và GDTX đã và đang nhận được sự quan tâm của đông đảo cán bộ quản lý và giáo viên.

Dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tình thế, đây còn là cơ hội để các cơ sở giáo dục áp dụng lâu dài. Ảnh: Q. Ngữ
Dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tình thế, đây còn là cơ hội để các cơ sở giáo dục áp dụng lâu dài. Ảnh: Q. Ngữ

Trong tình hình dịch bệnh, ngành Giáo dục đã thực hiện thành công mô hình này. Nhưng để nhà trường, giáo viên, học sinh triển khai tốt hơn, rất cần một hành lang pháp lý cụ thể cũng như sự linh hoạt trong vận dụng giữa vùng, miền. 

3 hình thức tổ chức dạy học là phù hợp

Theo thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung An (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), việc dạy học tốt nhất là tương tác trực tiếp giữa thầy, trò như lớp học truyền thống. Tuy nhiên, dạy học trực tuyến là giải pháp cần thiết để duy trì việc dạy học trong tình huống cả thầy, trò không thể đến trường; hoặc là giải pháp bổ trợ việc học chính thức trên lớp. 

Minh chứng là trong tình hình dịch Covid-19, thời gian nghỉ học hơn 2 tháng. Sự vào cuộc của ngành Giáo dục, các nhà mạng, nhà cung cấp hạ tầng công nghệ đã giúp việc dạy, học bắt nhịp bằng hình thức trực tuyến. Thông qua mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, thầy trò dù ở nhà cũng có thể giảng bài, trao đổi bài, kiểm tra bài vở… Đến khi dịch bệnh được kiểm soát, việc học trở lại, chương trình được tiếp tục, không bị gián đoạn. 

Nhất trí với nội dung Dự thảo mà Bộ đưa ra, ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang lưu ý thêm: Việc dạy và học trực tuyến, nhất là trong thời điểm dịch bệnh do Covid-19 đang bùng phát và diễn biến phức tạp, không chỉ giúp học sinh có điều kiện ôn luyện, không bị gián đoạn kiến thức mà còn tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường với gia đình trong quản lý học sinh, rèn luyện và nâng cao tính tự giác cho các em… Về lâu dài, xu thế dạy học online nên được khuyến khích để thầy cô có thể dễ dàng hơn trong việc truyền đạt kiến thức, học sinh có thể học bất cứ lúc nào. Để dạy học trực tuyến đạt kết quả, cần có 3 yếu tố: Giải pháp công nghệ hợp lý; Tổ chức quản lý của nhà trường; Sự sẵn sàng của giáo viên và học sinh… 

Theo cô Nguyễn Thị Bích Trân, giáo viên Trường THPT Phan Văn Trị (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), dạy học trực tuyến tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh được chủ động tiếp cận nguồn học liệu hữu ích trên Internet để phục vụ việc giảng dạy và học tập. Thông qua dạy học trực tuyến, cả giáo viên và học sinh được nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.

“Dự thảo Thông tư quy định có 3 hình thức tổ chức dạy học trực tuyến, theo tôi, cần chú trọng ở hình thức thứ hai: Dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp. Giáo viên giao cho học sinh một số nội dung tự học ở nhà để tăng thời gian luyện tập, thực hành, trải nghiệm làm việc nhóm, thảo luận khi học sinh ở trường. Hình thức này giúp học sinh tăng tính tự học hơn. Trong quá trình dạy online vừa qua, nhận thấy nếu thay thế hoàn thì không thể áp dụng ngay được. Nhưng vận dụng hình thức học trực tuyến thay thế một phần, vừa giảm tải thời lượng học trực tiếp đồng thời thông qua trực tuyến hỗ trợ các em học bài và làm bài tại nhà. Dần dần tạo thói quen tự học cho các em tốt hơn”, cô Bích Trân cho biết. 

Cần quan tâm vùng đặc thù

Việc dạy, học trực tuyến, nhất là ở vùng sông nước, vùng sâu, xa thực tế thời gian qua gặp không ít khó khăn: Thiếu phương tiện, thiết bị, đường truyền Internet. Tỷ lệ học sinh không theo học đầy đủ còn khá cao và cũng không có kinh phí chi trả việc dạy học trực tuyến cho giáo viên. 

Một bộ phận giáo viên, đặc biệt giáo viên vùng nông thôn, giáo viên lớn tuổi, dạy lâu năm còn ngại đổi mới phương pháp giảng dạy qua phương tiện công nghệ thông tin. Công tác quản lý và kiểm tra đánh việc học tập của học sinh qua hình thức trực tuyến cũng gặp nhiều khó khăn. Một số em học sinh yếu, thụ động trong học tập... 

Để tổ chức dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, nhiều giáo viên và cán bộ quản lý cho rằng, cần tập trung vào các giải pháp: Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; Xây dựng kho học liệu số ngành Giáo dục; Tập huấn cho giáo viên; Nâng cao tính tự giác và kỹ năng sử dụng mạng cho học sinh… Quan trọng là cần có quy định về chế độ dạy học trực tuyến để giáo viên yên tâm thực hiện, sớm ban hành Quy chế chính thức dạy và học trực tuyến ở bậc phổ thông, tiến tới chuẩn hóa để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Đợt nghỉ học phòng dịch Covid-19 vừa qua, việc ứng dụng công nghệ trong dạy, học trực tuyến của ngành Giáo dục như một điểm sáng cho sự thích nghi nhanh chóng với tiến bộ khoa học công nghệ. Theo thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung An (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), ngành Giáo dục có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tiên phong ứng dụng công nghệ. Phương thức dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch mà còn là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục. “Thông tư Ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và GDTX là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần chú ý những khó khăn đặc thù. Cần xác định triển khai dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tình thế trong giai đoạn phòng tránh dịch bệnh mà đây còn là cơ hội để các cơ sở giáo dục áp dụng lâu dài sau đó”, thầy Dũng nhấn mạnh.  

Tôi thấy 3 hình thức tổ chức dạy học trực tuyến trong Dự thảo nêu rất hợp lý. Đó là Dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; Dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp; Dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp. Với 3 giải pháp này, góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, nhất là trường hợp học sinh không thể đến trường tham gia học tập vì những lý do khách quan. - Thầy Lê Văn Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.