Bí quyết đạt điểm cao môn Ngữ văn: Năng lực ngôn ngữ và hiểu biết sẽ định đoạt điểm thi

GD&TĐ - Để bài thi môn Ngữ văn đạt kết quả cao, bên cạnh việc tích lũy kiến thức, HS cũng cần nắm chắc cấu trúc đề thi.

Thầy Nguyễn Văn Lự và học sinh Trường THPT Vĩnh Yên. Ảnh: TG
Thầy Nguyễn Văn Lự và học sinh Trường THPT Vĩnh Yên. Ảnh: TG

Đồng thời, các em cần có định hướng ôn tập rõ ràng, biết cách phân bổ thời gian và tránh những sai sót trong khi làm bài.

Cách ôn tập, làm bài hiệu quả

Dưới đây là “bật mí” của cô Lê Thị Thu Hà và thầy Nguyễn Văn Lự - GV Ngữ văn Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) với thí sinh.

Theo cô Lê Thị Thu Hà, để đạt điểm cao trong bài thi Ngữ văn, HS cần ôn tập, trang bị kiến thức, kĩ năng với các dạng bài, dạng câu hỏi những kiến thức trong nội dung chương trình đã giảm tải của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, đối với kiến thức liên quan đến phần đọc hiểu gồm: Phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, biện pháp tu từ, từ vựng, ngữ pháp…

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Các kiến thức liên quan đến nghị luận xã hội sẽ là những vấn đề xã hội nóng như dịch bệnh, thiên tai. Còn kiến thức làm văn là các văn bản trong SGK Ngữ văn 12.

Để chiếm trọn điểm trong phần đọc hiểu, thí sinh cần hiểu đúng về đoạn văn, tránh nhầm lẫn với bài văn. Xác định được chủ đề của đoạn văn để tránh lan man. Thí sinh cũng cần có hiểu biết xã hội nhất định. Bảo đảm dung lượng, không sa đà dài dòng…

Đối với viết văn nghị luận xã hội, HS cần ôn tập, nắm chắc kiến thức cơ bản của các tác phẩm. Nắm chắc các dạng đề và kĩ năng làm bài, luyện viết để nâng cao khả năng diễn đạt.

Cô Lê Thị Thu Hà trong giờ dạy Ngữ văn tại Trường THPT Vĩnh Yên.
Cô Lê Thị Thu Hà trong giờ dạy Ngữ văn tại Trường THPT Vĩnh Yên.

Với bài văn nghị luận văn học, cần nắm vững các thao tác lập luận. Văn nghị luận có thể có các chi tiết tự sự, biểu cảm, miêu tả, thuyết minh… nhưng nó phải nhằm mục đích nghị luận.

Thầy Nguyễn Văn Lự cũng “bật mí” cho thí sinh, để làm tốt đọc hiểu, các em cần nắm chắc kiến thức đọc hiểu (10 dạng câu hỏi), cách trình bày bài, dùng từ và viết câu chuẩn xác.

Muốn viết tốt đoạn văn hay bài văn 5 điểm, thí sinh cần nắm chắc kiến thức, huy động kiến thức liên môn để hiểu vấn đề toàn diện. Phân bố thời gian hợp lý và bình tĩnh, thận trọng viết bài. Hạn chế viết theo cảm nhận, theo văn mẫu để kiến giải theo cảm nhận, phân tích, đánh giá và cảm xúc của cá nhân.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Thí sinh cần bám sát đoạn trích, làm rõ giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích. Không cần mở rộng, bàn luận xa xôi hoặc liên hệ so sánh lan man.

Đối với bài văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học, thầy Nguyễn Văn Lự cho rằng: Năng lực ngôn ngữ và hiểu biết về văn học sẽ định đoạt điểm bài thi. Năng lực của HS không thể bồi đắp được chỉ trong mấy chục ngày ôn thi. Nó là cả quá trình. Bài văn đạt điểm tốt chỉ là sản phẩm của HS khá giỏi, các em không giỏi văn chỉ cần hiểu và viết điều hiểu đó thành đoạn nghị luận, bài nghị luận (theo năng lực của mình) sao cho dễ hiểu và hợp lý là thành công.

“Sẽ là thiếu thực tế khi hướng dẫn HS giải các đề mẫu tràn ngập trong tài liệu hoặc trên Internet. Phần đọc hiểu, đoạn văn và câu nghị luận văn học trong đề tham khảo và chính thức của Bộ GD&ĐT theo hướng dẫn sẽ mới hoàn toàn, ngay cả câu 5 điểm vẫn là trong tác phẩm được học nhưng đoạn nào trong tác phẩm nào đó vẫn là mới” – thầy Nguyễn Văn Lự lưu ý.

Một giờ dạy Ngữ văn của cô và trò Trường THPT Vĩnh Yên.
Một giờ dạy Ngữ văn của cô và trò Trường THPT Vĩnh Yên.

Nhận biết và khắc phục lỗi thường gặp

Phân tích những lỗi thường gặp trong ôn tập, làm bài thi Ngữ văn, cô Lê Thị Thu Hà chia sẻ: Với phần đọc hiểu, nếu thí sinh đọc sai yêu cầu câu hỏi dẫn tới trả lời không đúng trọng tâm. Thí sinh có thể mắc lỗi trả lời thiếu ý trong các câu suy luận hoặc trả lời lòng vòng, dài dòng.

Phần làm văn, với câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học, thí sinh không xác định được chủ đề cho đoạn văn, sa vào viết lan man, thiếu trọng tâm. Câu nghị luận văn học, dễ sa vào diễn xuôi khi phân tích tác phẩm thơ. Không nắm chắc chi tiết khi phân tích tác phẩm…

Cô Lê Thị Thu Hà cũng nêu một số lỗi thường gặp và cách khắc phục:

Với lỗi viết sai chính tả, dùng từ thiếu chính xác. Thí sinh nên tham khảo cách dùng từ trong sách giáo khoa, từ điển tiếng Việt và căn cứ vào ngữ cảnh để dùng từ phù hợp, có thể tham khảo ý kiến bạn bè, thầy cô trong quá trình học.

Với lỗi lạc đề, trước khi làm bài, thí sinh phải tìm hiểu đề thông qua thao tác đọc và phân tích đề, sau đó xác lập dàn ý để viết. Trong quá trình tìm hiểu đề, thí sinh phải chú ý đến từ ngữ yêu cầu của đề để phân các dạng đề như: “Hãy chứng minh”, “Hãy phân tích”, “Cảm nhận”, “Bằng việc so sánh… hãy chứng minh nhận định”.

Bí quyết đạt điểm cao môn Ngữ văn: Năng lực ngôn ngữ và hiểu biết sẽ định đoạt điểm thi ảnh 5
Click vào ảnh để xem nội dung.

Lỗi diễn đạt và trình bày lủng củng, thiếu khoa học, thí sinh khắc phục bằng cách viết đúng cấu trúc ngữ pháp. Khi viết, cần bám sát yêu cầu của đề để xây dựng các ý chính, ý phụ sao cho phù hợp. Có thể kết hợp nhiều kiểu câu như: Khẳng định, phủ định, cầu khiến, cảm thán... và các phương pháp lập luận như: Phân tích, chứng minh, so sánh, bình luận...

Khi trình bày, cần xác lập dàn ý trước khi làm bài, mỗi luận điểm ta nên xây dựng các luận cứ và dẫn chứng đi kèm trong một đoạn văn. Khi hết đoạn nên xuống dòng và tạo lập một đoạn văn mới để đảm bảo tính mạch lạc và thẩm mỹ.

Lỗi dẫn chứng không xác thực, thí sinh cần có kỹ năng nêu dẫn chứng sau mỗi luận điểm, luận cứ của vấn đề. Nếu trích dẫn phần văn bản hoặc câu nói của một ai đó nên đưa vào trong dấu ngoặc kép và đảm bảo tính chính xác. Nếu không nhớ chính xác phần trích dẫn không nên bỏ trong dấu ngoặc kép. Đồng thời, khi nêu dẫn chứng cần có sự lựa chọn và lấy những dẫn chứng có tính điển hình, tránh việc đưa dẫn chứng tùy tiện, tràn lan mà không hiệu quả.

Về lỗi sai kiến thức trong nghị luận văn học, khi làm bài thí sinh nên đọc tác phẩm ít nhất 2 - 3 lần, thâu tóm cốt truyện, cấu tứ tác phẩm; nắm rõ tên tác giả, tác phẩm, nhân vật. Cần học tổng thể kiến thức, đọc kỹ đề trước khi làm bài…

Thầy Nguyễn Văn Lự lưu ý, trong quá trình ôn tập, làm bài, HS còn nhiều sai sót khó tránh khỏi như: Hiểu biết về tác phâm chưa sâu; Kỹ năng đọc hiểu và viết bài còn nhiều hạn chế; Chữ viết và trình bày cẩu thả, sai nhiều. Thái độ học Ngữ văn của phần lớn HS là để đi thi đủ điểm đỗ, vì thế rất khó sửa những lỗi về kiến thức và kỹ năng, nhất là chữ viết và diễn đạt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ