6 giải pháp giúp học sinh hạn chế lỗi trong bài làm văn

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Bé, giáo viên Trường THPT Phú Điền, Tháp Mười, Đồng Tháp chia sẻ 6 giải pháp giúp học snh hạn chế lỗi trong bài làm văn.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Rèn chính tả cho học sinh qua mô hình “đôi bạn cùng tiến”

Chọn những học sinh viết sai chính tả nhiều, cho các em đăng kí mô hình “đôi bạn cùng tiến” cùng nhau rèn luyện giúp khắc phục lỗi viết hoa tùy tiện và viết hoa sai quy định. Có tuyên dương khen thưởng kịp thời những em tiến bộ.

Giáo viên giúp học sinh ghi nhớ mẹo chính tả, sau đó đôi bạn tự ôn lại lý thuyết. Ví như nhắc nhở nhau phải viết hoa chữ cái mở đầu bài viết, đoạn văn, sau dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu chấm lửng hết câu.

Trong các tiết học Tiếng Việt hay làm bài tập đọc hiểu, giáo viên có thể dành khoảng 5- 7 phút phát phiếu học tập cho học sinh tham gia trò chơi “Ai nhanh hơn”, gọi lên bảng làm, chấm và khen thưởng.

 Thông qua làm các bài kiểm tra, vở học, giáo viên thường xuyên nhắc nhở học sinh về ý thức rèn chính tả và thường trừ điểm cho 5 lỗi sai.

Rèn kĩ năng dùng từ, viết câu

Giáo viên rèn kĩ năng dùng từ, viết câu cho học sinh qua những lần kiểm tra miệng, tiết trả bài viết. Việc làm này rất khó, đòi hỏi cả thầy và trò phải kiên trì.

Tôi thường xuyên sửa cách dùng từ khi các em trả bài miệng bằng cách gọi lên bảng ghi. Cụ thể “Qua bài thơ Tự tình đã làm thể hiện nỗi lòng người phụ nữ quá lứa lỡ thì.” (Trích phần ghi bảng của học sinh). Sau khi gọi học sinh khác nhận xét, tôi chỉ cho học sinh thấy trong câu văn trên, em đã nhầm trạng ngữ là chủ ngữ, dùng từ chưa phù hợp. Chữa đúng là: “Qua bài thơ Tự tình, Hồ Xuân Hương đã thể hiện tâm trạng của người phụ nữ gặp nhiều bất hạnh trong đường tình duyên”.

Rèn kỹ năng dùng từ, đặt câu trong tiết trả bài làm văn và sửa trực tiếp trong bài làm của học sinh. Khi chấm bài của các em, tôi đánh dấu những lỗi dùng từ, viết câu. Yêu cầu học sinh về nhà viết lại những câu theo suy nghĩ ra giấy, sau đó sửa lại.

Bên cạnh đó, tôi còn đưa ra những tình huống để học sinh tìm từ phù hợp. Các em cũng có thể học cách dùng từ của những bạn học tốt.

Ví dụ: khi đề cập về nhà văn Nguyễn Tuân, một học sinh viết: “Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn viết truyện ngắn đặc sắc nhất với trình độ đỉnh cao nổi bật cho phong cách thơ Nguyễn Tuân tài hoa uyên bác”. (Trích bài làm văn của học sinh). Tôi đánh dấu câu này cho học sinh thấy lỗi viết lan man, sai về kiến thức “phong cách thơ Nguyễn Tuân”, yêu cầu học sinh viết lại câu đúng “Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn viết truyện ngắn đặc sắc với trình độ bậc thầy. Nổi bật trong phong cách của ông là sự tài hoa, uyên bác.”

Rèn kỹ năng viết đoạn văn

Để khắc phục về lỗi dựng đoạn cho học sinh trong những giờ học tự chọn, tiết học làm văn tôi cung cấp kiến thức cơ bản về đoạn văn, cách viết đoạn văn và yêu cầu học sinh phải nắm vững. Bước này xem như phần lý thuyết; có nắm lý thuyết, học sinh mới vận dụng được vào bài làm văn.

Ra đề yêu cầu học sinh thực hành: Để có được nhiều thời gian rèn kỹ năng viết đoạn cho học sinh, tôi thường phát phiếu học tập cho học sinh (có sẵn dàn ý) yêu cầu các em từ ý diễn đạt thành đoạn văn hoàn chỉnh. Gọi học sinh lên bảng đọc và hướng dẫn chốt lại. Có khi tôi sẽ thu bài về nhà chấm, sau đó sửa và nhận xét cụ thể.

Tôi còn sử dụng máy chiếu. Chiếu đoạn văn hoàn chỉnh hoặc đoạn văn mắc nhiều lỗi diễn đạt và hướng dẫn một cách trực quan, nhìn vào đoạn văn lần lượt gọi học sinh phát biểu; gợi ý và định hướng chốt lại. Cách này tôi thấy hiệu quả rất cao vì học sinh được nhìn một cách trực quan trên màn hình, vừa được nghe giáo viên giảng chỉ dẫn những từ ngữ, hình ảnh cần lưu ý nên tiếp thu bài rất tốt.

Ví dụ: khi viết về cảnh kết thúc truyện Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân, một học sinh viết một đoạn văn như sau: “Vai trò của cảnh kết thúc truyện ngắn này đã thể hiện dù ở nơi lao tù tối tăm ta vẫn thấy được nhân cách cao đẹp của viên quan coi ngục đối với tử tù Huấn Cao là một trong những phạm của xã hội. Nhưng viên quản ngục vẫn kính trọng Huấn Cao bởi tài năng của người này đã làm viên quản ngục không còn sợ chết mà tới vái người tù một vái để xin chữ của ông về treo trên nhà dù bị Huấn Cao coi thường. Và viết điều đó là sẽ liên lựa đến mình nếu bọn thực dân biết thì sẽ bị giết. Nhưng viên quản ngục cũng không thể làm trái mệnh lệnh và phải thi hành.”.

Giáo viên chấm và chỉ cho học sinh thấy ở đoạn văn trên, người viết chưa biết cách dựng đoạn văn. Các câu văn còn lan man dài dòng, không tập trung vào chủ đề chính.

Đa dạng hóa phương pháp ôn tập

Để khắc phục lỗi sai kiến thức trong bài làm văn của học sinh, trong các tiết ôn tập tôi thường vận dụng nhiều phương pháp như: Cho học sinh xem đoạn clip về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ, nhà văn. Xem xong sẽ tổ chức trò chơi “Đấu trường văn học”. Mỗi câu trả lời đúng sẽ nhận quà tặng là cây viết hay quyển vở (tùy vào mức độ câu hỏi).

Phát phiếu học tập cho học sinh ghi những ý chính về phong cách nghệ thuật, cho học sinh so sánh giữa các tác giả, tác phẩm trong cùng một giai đoạn văn học, bốc thăm trả lời những câu hỏi đố vui văn học xoay quanh nội dung chính của tác phẩm, tổ chức cho học sinh sắm vai nhân vật đối thoại lẫn nhau.

Ngoài ra, tôi còn chia nhỏ nội dung bài học để truy bài lý thuyết cho học sinh, phân công những học sinh khá- giỏi kèm những học sinh yếu kém. Bên cạnh đó, tôi còn chia nhóm phụ đạo vào những giờ học trái buổi khi những học sinh không đạt yêu cầu trên lớp.

Ra bài tập thêm ở nhà rèn kỹ năng viết đoạn văn

Tôi thường ra bài tập mức độ vừa phải cho học sinh làm thêm ở nhà và yêu cầu các em viết bài có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua Zalo. Tiến hành chấm kĩ và  sửa lỗi, không nhận xét chung chung, chỉ ra những điểm đã được và chưa được yêu cầu học sinh phát huy và khắc phục.

Chọn những đoạn văn chưa đạt yêu cầu, mắc nhiều lỗi và những đoạn văn hay, sáng tạo  đọc cho cả lớp nghe ( không nêu tên học sinh) rút kinh nghiệm.

Tôi cũng khuyến khích học sinh cũng có thể học cách dùng từ, viết câu, dựng đoạn của các nhà văn mà các em được học hay học từ những bạn bè trong và ngoài lớp, học trên mạng, những bài văn hay nhưng phải có sáng tạo.

Lắng nghe học sinh nói

Giáo viên cần bồi dưỡng cho học sinh lòng yêu thích văn chương; bởi có yêu thích thì các em mới học.

Để học sinh yêu thích môn mình dạy, tôi thường quan tâm đến học sinh và lắng nghe những ý kiến đóng góp từ các em qua tin nhắn điện thoại, Zalo cá nhân, khuyến khích các em hỏi những vấn đề còn vướng mắc trên lớp học.

Sau khi kết bạn nhóm Zalo với lớp, tôi nhận được những ý kiến đóng góp rất chân thành, dễ thương từ các em: “Cô ơi! Hôm nay cô giảng bài thơ hay quá, giọng dịu ngọt nhưng còn hơi nhanh quá, em hiểu được khổ 1, khổ 2 không theo kịp ạ…” ...

Tôi tìm hiểu lại, nếu là đa số sẽ giảng lại cho cả lớp nếu số ít tôi sẽ giảng riêng. Đặc biệt chú ý đến những học sinh yếu nhưng cũng không nên tạo áp lực nhiều quá khiến các em sợ. Khen thưởng kịp thời khi học sinh học yếu có cố gắng. Khen thưởng bằng nhiều hình thức: cho quà là vở viết, bút, cho điểm khuyến khích. Tôi còn kể truyện hoặc bình những câu văn, câu thơ hay.                                                        

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ