Sự việc một thí sinh sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để gian lận trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đánh dấu bước ngoặt mới đầy thách thức trong quản lý thi cử.
Đồng bộ chính sách và kỹ thuật
TS Nguyễn Minh Giám - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ Dầu Một (TPHCM) cho rằng, sự việc thí sinh sử dụng AI để gian lận trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT là hồi chuông cảnh báo về cách chúng ta đang quản lý thi cử trong kỷ nguyên số. Sự cố này cho thấy rõ ràng công nghệ thay đổi cách học, cách thi, cách tư duy của học sinh.
Để ứng phó, ngành Giáo dục cần cập nhật đồng bộ về chính sách và kỹ thuật. Trước hết, bổ sung các quy định rõ ràng về sử dụng công nghệ trong học tập, thi cử; đồng thời tăng cường các thiết bị, phần mềm giám sát hiện đại trong các kỳ thi.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là giáo dục học sinh về đạo đức số và trách nhiệm cá nhân, an toàn khi sử dụng AI. Đây chỉ là công cụ hỗ trợ học tập, không phải phương tiện để gian lận. Nếu không trang bị cho các em kỹ năng số và ý thức liêm chính học thuật từ sớm, thì dù có kiểm soát kỹ đến đâu, gian lận vẫn có thể xảy ra dưới nhiều hình thức tinh vi hơn.
Bên cạnh đó, cần từng bước đổi mới cách tổ chức thi cử, giảm áp lực vào một kỳ thi/đợt thi duy nhất. Nên mở rộng hình thức đánh giá như làm dự án, bài tập nhóm, hoặc sản phẩm học tập cá nhân, giúp học sinh thể hiện năng lực thực chất và hạn chế động cơ gian lận.
Đây chính là việc đánh giá cả quá trình học tập của học sinh với sự kết hợp của gia đình - nhà trường - các nền tảng quản lý đánh giá theo định kỳ của sở GD&ĐT và được cập nhật liên tục lên hệ thống quản lý và đánh giá của Bộ GD&ĐT.
Còn theo PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), để ứng phó với hành vi gian lận trong thi cử bằng AI và chuẩn bị cho nền giáo dục mới, cần có giải pháp đồng bộ trên 3 trụ cột: Giáo dục, công nghệ và quy chế.
Cụ thể, xây dựng học để làm chủ, thực học để xây dựng sự nghiệp bền vững, thay cho học để thi, thi để đỗ. Nâng cao năng lực công nghệ và AI cho người học trong đó nhấn mạnh đến đạo đức công nghệ; giáo dục bồi dưỡng kỹ năng học tập suốt đời và tư duy phản biện. Về công nghệ, ứng dụng AI để giám sát hành vi trong phòng thi; phát triển các nền tảng thi số hóa được kiểm soát chặt chẽ về truy cập dữ liệu.
Về quy chế, cần cập nhật thêm quy định về gian lận công nghệ cao. Đặc biệt, thay đổi cấu trúc đề thi, từ đánh giá nhớ - hiểu sang đánh giá phân tích, tư duy phản biện và sáng tạo; thay đổi đáp án, từ chỉ có đúng sai sang sự sáng tạo, góc nhìn phản biện độc đáo… Đồng thời, triển khai hệ thống đánh giá linh hoạt, đa dạng dựa trên quá trình với thông tin từ học bạ số, bài tập dự án, phản hồi ngang hàng…

Theo quan điểm của TS Ngô Thị Hoàng Vân, Khoa Sinh - Nông nghiệp - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, ứng phó với các hành vi gian lận bằng AI, chúng ta cần hành động theo hai hướng song song:
Thứ nhất, những giải pháp cấp thiết trước mắt nhằm bảo vệ tính công bằng và trung thực của các kỳ thi. Cần nâng cấp hệ thống bảo mật bằng chính công nghệ AI: Từ việc phát hiện thiết bị thông minh, ngăn chặn tín hiệu bất thường, đến phân tích hành vi trong phòng thi.
Cùng đó, xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, quy định rõ trách nhiệm, chế tài cụ thể đối với các hành vi gian lận công nghệ cao. Tuy nhiên, kỹ thuật và kỷ luật thôi chưa đủ. Quan trọng hơn cần giáo dục học sinh về đạo đức học thuật, nhấn mạnh rằng: “Học là để làm người”, chứ không chỉ để đối phó với kỳ thi.
Thứ hai, những cải cách lâu dài, hướng đến tái thiết kế hoạt động đánh giá và phát triển năng lực người học. Thay vì phụ thuộc vào các kỳ thi chuẩn hóa truyền thống vốn dễ bị AI “qua mặt”, cần đẩy mạnh các hình thức đánh giá quá trình, đánh giá qua sản phẩm thực tiễn, dự án học tập và năng lực giải quyết vấn đề.
Đồng thời, AI cần được đưa vào chương trình giáo dục như công cụ học tập tích cực, giúp học sinh phát triển tư duy phản biện, kỹ năng số, khả năng đánh giá độ tin cậy của thông tin - những năng lực sống còn trong thời đại số.

Yêu cầu mới đánh giá năng lực người học
“Hiện tượng sử dụng AI gian lận trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ đặt ra bài toán về quản lý thi cử, mà còn khiến tôi suy ngẫm sâu sắc hơn về cách chúng ta đang đánh giá năng lực người học trong kỷ nguyên AI”, chia sẻ điều này, TS Ngô Thị Hoàng Vân cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn giữ vai trò quan trọng và thực hiện tốt chức năng sàng lọc, đảm bảo mặt bằng kiến thức phổ thông, đồng thời làm cơ sở cho tuyển sinh đại học.
Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ và AI ngày càng trở nên phổ biến, việc chỉ dựa vào kết quả của kỳ thi duy nhất để đánh giá toàn diện người học sẽ dần trở nên chưa đủ. Bởi, AI giờ đây có thể hỗ trợ người dùng viết văn, giải toán, lập trình, thậm chí mô phỏng văn phong giống con người. Điều này khiến việc đánh giá dựa trên sản phẩm cuối cùng (bài làm, đáp án) ngày càng trở nên dễ bị đánh tráo nếu thiếu đi các yếu tố giám sát và phản ánh quá trình học tập thực chất.
Từ đó, theo TS Ngô Thị Hoàng Vân, cần dịch chuyển trọng tâm đánh giá từ “sản phẩm” sang “quá trình” - nghĩa là không chỉ quan tâm học sinh làm ra cái gì, mà còn làm như thế nào, tư duy ra sao, phản biện thế nào và có thể ứng dụng được đến đâu.
Những hình thức như đánh giá quá trình học tập, bài tập dự án, thuyết trình, hợp tác nhóm, phản biện đa chiều... sẽ trở nên thiết thực và khó bị “đánh tráo” hơn. Bên cạnh đó, AI không nên bị coi là đối thủ trong đánh giá, mà cần được xem như công cụ hỗ trợ người dạy và học.
“Điều chúng ta cần là xây dựng các phương pháp đánh giá, ở đó AI không thay thế được tư duy, giá trị đạo đức và sự sáng tạo con người. Nói cách khác, đánh giá trong kỷ nguyên AI phải chuyển từ việc “kiểm tra trí nhớ” sang “khơi gợi tư duy, đánh giá năng lực hành động và sự trưởng thành”. Đó là những thứ mà dù AI có tiến bộ đến đâu, con người vẫn cần phát triển; để không chỉ sống cùng AI, mà còn sống có bản lĩnh và phẩm chất trong thế giới đang thay đổi từng ngày”, TS Ngô Thị Hoàng Vân chia sẻ.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Minh Giám cho rằng, trong thời đại AI, điều quan trọng không phải là học sinh nhớ được bao nhiêu, mà các em có hiểu bản chất, biết phản biện, sáng tạo và giải quyết vấn đề không. Việc đánh giá vì vậy phải chú trọng vào quá trình, chứ không chỉ kết quả. Do đó, cần chuyển sang đánh giá năng lực theo hướng toàn diện, kết hợp giữa quá trình học tập và sản phẩm thực tế.
Phải có một hệ thống đánh giá quá trình học tập của người học của Bộ GD&ĐT thông qua các sở GD&ĐT đến các trường học được kết nối qua Internet. Khi người học được đánh giá đúng cách, các em sẽ có động lực học thật, sống thật, trưởng thành thật sự.
“AI không phải mối đe dọa, mà cần được xem như cơ hội chiến lược để tái cấu trúc hệ thống giáo dục, xây dựng nền giáo dục lấy người học làm trung tâm, phát triển theo hướng cá nhân hóa, bảo đảm công bằng, phát huy sáng tạo và sẵn sàng hội nhập sâu với thế giới số”, TS Nguyễn Minh Giám cho hay.
“Chúng ta cần hình dung và xây dựng một nền giáo dục mới, nơi trí tuệ nhân tạo không thay thế mà đồng hành cùng trí tuệ con người; nơi học sinh không bị động tiếp thu mà được chủ động sáng tạo; nơi đánh giá không chỉ đo lường kiến thức mà phản ánh cả đạo đức, kỹ năng và năng lực thích ứng.
Vụ việc gian lận bằng AI không đơn thuần là sự cố, nó là lời cảnh báo chúng ta cần đổi mới nhanh, mạnh mẽ và toàn diện hơn. Chống gian lận cần thiết, nhưng quan trọng hơn cần tái định nghĩa lại mục tiêu của giáo dục: Không chỉ là đạt điểm cao, mà trở thành người tử tế, tự chủ và có trách nhiệm trong kỷ nguyên AI. - TS Ngô Thị Hoàng Vân