Tránh xung khắc, tăng gắn kết

GD&TĐ - Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba là lãnh đạo quốc gia thứ 2 trên thế giới gặp ông Donald Trump từ sau khi người này trở lại cầm quyền ở nước Mỹ.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Nếu nhìn từ giác độ diện khách được đón chào đầu tiên mà suy xét về ưu tiên chính sách đối ngoại thì có thể thấy ông Trump dành cho Nhật Bản vị trí cao trong chính sách đối ngoại của mình.

Nhật Bản và Mỹ vốn là đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của nhau kể từ nhiều thập kỷ nay. Mỹ hiện vẫn đồn trú lực lượng lớn quân đội ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Liên minh quân sự giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là công cụ quan trọng nhất trong chiến lược quân sự và an ninh của quốc gia này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt nhằm đối phó Trung Quốc, Nga và Triều Tiên cũng như để thực hiện cam kết đảm bảo an ninh cho Đài Loan cùng những lợi ích chiến lược ở khu vực Biển Đông. Mỹ và Nhật Bản cần phải liên minh, liên kết với nhau chính vì thế.

Ở thời ông Trump trị vì nước Mỹ lần trước cũng như lần này, mối quan hệ song phương này gặp khúc mắc bởi ông Trump có cách tiếp cận lợi ích của nước Mỹ có phần khác so với những tổng thống khác.

Nước Mỹ vẫn cần liên minh, liên kết quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc để đối phó Trung Quốc, Nga và Triều Tiên, nhưng ông Trump đòi Nhật Bản phải nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ; đồng thời đòi Nhật Bản, Hàn Quốc chi nhiều hơn cho sự đảm bảo an ninh của Mỹ.

Ông Trump đón tiếp ông Ishiba làm vị khách thứ hai, thể hiện sự đề cao và ưu tiên dành cho đồng minh quân sự chiến lược quan trọng này nhưng vẫn không quên dọa sẽ áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với Nhật Bản. Ở thời ông Trump chấp chính trước, thủ tướng Nhật Bản khi ấy là ông Shinzo Abe đã xử lý rất khôn khéo mối quan hệ của Nhật Bản với Mỹ và của cá nhân mình với cá nhân ông Trump.

Không thân thiết với ông Trump như ông Abe thời trước, vì thế ông Ishiba có khó khăn hơn. Ông chọn cách tránh xung khắc với ông Trump, đề cao việc tăng cường liên minh, liên kết giữa Nhật Bản và Mỹ để ông Trump không có cớ áp thuế quan bảo hộ hay gây thêm khó cho Nhật Bản, từng bước gây dựng mối quan hệ cá nhân.

Ông Trump muốn Nhật Bản bớt dựa dẫm nhiều vào sự đảm bảo an ninh của Mỹ hoặc chấp nhận chi trả nhiều hơn cho Mỹ để có được sự đảm bảo an ninh. Đối với ông Ishiba, đáp ứng đòi hỏi ấy của ông Trump không phải là việc khó.

Những thủ tướng Nhật Bản trước đấy và bản thân ông Ishiba vốn đều muốn gia tăng mạnh mẽ tiềm lực quân sự, quốc phòng của Nhật Bản và đều đã liên tục tăng ngân sách quốc phòng hàng năm. Trên phương diện này, ông Trump chỉ có thể hài lòng về Nhật Bản và về ông Ishiba.

Ông Trump muốn Nhật Bản giảm xuất siêu sang Mỹ thì ông Ishiba đã nhanh nhẹn tuyên bố Nhật Bản sẽ nhập khẩu thêm nhiều dầu lửa và khí đốt hoá lỏng của Mỹ. Đối với Nhật Bản, việc này không lợi bất cập hại bởi nhu cầu về năng lượng của Nhật Bản vẫn rất lớn. Xuất siêu của Nhật Bản đối với Mỹ sẽ giảm, nhưng còn giảm bao nhiêu lại là chuyện khác và ông Trump cũng chỉ cần có như vậy. Ông Ishiba còn xoa dịu ông Trump khi cam kết Nhật Bản sẽ đầu tư nhiều hơn nữa vào Mỹ.

Vô hiệu hoá những con chủ bài của ông Trump trước khi người này chơi chúng nhằm vào Nhật Bản là thực chất đối sách của ông Ishiba. Nhượng bộ trước mà ít, nặng danh nghĩa mà nhẹ thực chất, rõ ràng trước mắt nhưng bất định trong lâu dài giúp ông Ishiba tránh được xung khắc với ông Trump mà vẫn tăng được gắn kết giữa Nhật Bản và Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vinicius được cho là đang đàm phán hợp đồng với PSG.

Vinicius đàm phán gia nhập PSG

GD&TĐ - Người đại diện của Vinicius đã có các cuộc đàm phán với PSG về một vụ chuyển nhượng tiềm năng.