Phát triển đồng bộ
Quy hoạch đặt mục tiêu tổng quát: Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, sư phạm đồng bộ, hiện đại với quy mô, cơ cấu và phân bố hợp lý; thiết lập được hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng và hiệu quả. Quy hoạch nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân cũng như yêu cầu phát triển đất nước bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong Quy hoạch này, cơ cấu nhân lực không đưa ra số lượng cụ thể, bởi nhân lực ở các trình độ, lĩnh vực khác nhau sẽ có biến động lớn theo thực tiễn. Quy hoạch tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm như: STEM, đào tạo giáo viên và nhóm ngành về sức khỏe.
Đề cập đến vấn đề đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, đây là xu hướng của các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ. Tuy nhiên, nếu các trường mở ngành đào tạo nhưng không chất lượng thì sẽ không tuyển sinh được.
Do vậy, mục tiêu của Quy hoạch là củng cố, đầu tư, hiện đại hóa… để đến năm 2030 có 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn. Cùng với đó, các trường được mở rộng không gian phát triển, đầu tư cơ sở vật chất; đặc biệt, trường đại học vùng, đại học quốc gia, trường trọng điểm sẽ được nâng cao năng lực, chất lượng và mở rộng quy mô.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, trường nào không hòa mình, bắt nhịp và không tận dụng được cơ hội này hoặc kém hiệu quả, chất lượng thì phải sẵn sàng sắp xếp, hợp nhất hoặc giải thể. Tất cả vì lợi ích chung của ngành Giáo dục nói riêng và xã hội nói chung.

Phân bố mạng lưới đến năm 2030
Theo Quy hoạch, định hướng phát triển và phân bố mạng lưới đến năm 2030 như sau:
Thứ nhất, nâng cấp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm với định hướng cơ cấu gồm: Các cơ sở giáo dục đại học công lập đóng vai trò nòng cốt, chiếm khoảng 70% quy mô đào tạo; Trong mạng lưới, từ 50 đến 60 cơ sở giáo dục đại học đào tạo tới trình độ tiến sĩ, trong đó khoảng 50% phát triển theo định hướng nghiên cứu.
Thứ hai, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên đạt quy mô từ 180 đến 200 nghìn người học; trong đó khoảng 85% ở trình độ đại học và 15% ở trình độ cao đẳng, phân bố quy mô tại các vùng; dự kiến có từ 48 đến 50 cơ sở giáo dục đại học trong đó nêu rõ vai trò của các cơ sở giáo dục đại học chủ chốt đào tạo giáo viên (14 cơ sở) và các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc UBND cấp tỉnh và một số cơ sở giáo dục đại học khác.
Thứ ba, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo các lĩnh vực STEM đạt quy mô hơn 1 triệu người học, trong đó khoảng 7% trình độ thạc sĩ (và trình độ tương đương) và 1% trình độ tiến sĩ.
Tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển 5 cơ sở giáo dục đại học công lập có năng lực, uy tín hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu một số ngành, lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ then chốt, mũi nhọn để trở thành các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia về kỹ thuật và công nghệ, có chất lượng và uy tín ngang tầm khu vực, trong đó ĐH Bách khoa Hà Nội được xếp vào nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á.
Tiếp tục phát triển 3 trường đại học xuất sắc được thành lập theo hiệp định liên chính phủ giữa Việt Nam và một số quốc gia khác thành các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu với mức độ quốc tế hóa cao, trọng tâm là những ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiềm năng.
Thứ tư, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo các lĩnh vực trọng điểm khác, gồm: Phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, tăng quy mô đào tạo từ 180 nghìn đến 200 nghìn người học đại học. Hình thành, phát triển các mạng lưới cơ sở giáo dục đại học theo từng lĩnh vực trọng điểm, then chốt khác theo chiến lược phát triển đất nước, chiến lược phát triển các ngành kinh tế - xã hội, đặc biệt các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển theo chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Đảng.
Thứ năm, hình thành và phát triển các mạng lưới cơ sở giáo dục đại học theo vùng, tiểu vùng, lấy các đại học quốc gia, đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm làm nòng cốt, tăng cường liên kết trong mạng lưới và gắn kết với cơ sở nghiên cứu, khu vực công nghiệp và doanh nghiệp, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng và các địa phương lân cận.
Hình thành các trung tâm giáo dục đại học lớn trên cơ sở nâng cấp, phát triển và liên kết các cơ sở giáo dục đại học, khu đô thị đại học, cụm đại học tại 4 vùng đô thị lớn, gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Thứ sáu, mạng lưới giáo dục đại học số. Phát triển hệ thống giáo dục đại học số quốc gia, tạo đột phá thực hiện mục tiêu tăng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo; hình thành mạng lưới cơ sở giáo dục đại học theo ngành, lĩnh vực trọng điểm trên hệ thống giáo dục đại học số quốc gia.