Hệ tiêu hóa đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể. TS. BS Nguyễn Thị Lan Hương - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã liệt kê các thực phẩm có lợi và những thực phẩm cần tránh để bảo vệ hệ tiêu hóa.
Những thực phẩm tốt, có lợi cho hệ tiêu hóa
Để bảo vệ sức khỏe đường ruột, chế độ ăn uống giàu probiotic và thực phẩm lên men là chìa khóa giúp thúc đẩy vi khuẩn có lợi phát triển.
Sữa chua: Chứa nhiều probiotics giúp cân bằng vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa và giảm triệu chứng hội chứng ruột kích thích.
Kefir: Một loại sữa lên men chứa nhiều vi khuẩn có lợi, giúp bảo vệ hệ tiêu hóa và tăng cường miễn dịch.
Ngũ cốc nảy mầm: Giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa hơn so với ngũ cốc thông thường, giúp cơ thể hấp thụ khoáng chất tốt hơn.
Giấm táo: Giúp kích thích sản xuất axit dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa chất béo, carbohydrate và protein.
Trà Kombucha, kim chi: Chứa nhiều probiotic có lợi cho đường ruột nhờ quá trình lên men tự nhiên, giúp hỗ trợ tiêu hóa và giảm viêm nhiễm đường ruột.

Dưa bắp cải: Cung cấp vi khuẩn Lactobacillus giúp loại bỏ vi khuẩn có hại, giảm triệu chứng hội chứng ruột kích thích. Giàu các hợp chất như sulforaphane hỗ trợ ngăn ngừa tổn thương do oxy hóa và có thể hoạt động theo cách bảo vệ chống lại bệnh ung thư bao gồm cả ung thư đại trực tràng
Dầu dừa: Có tính kháng khuẩn, kháng virus, giúp cân bằng vi khuẩn trong đường ruột.
Cá hồi: Giàu omega-3, có tác dụng chống viêm, hỗ trợ chữa lành tổn thương trong hệ tiêu hóa.
Tỏi: Tỏi rất giàu chất dinh dưỡng bao gồm hợp chất hữu cơ sulfur và glycosides có tác dụng chống viêm. Đồng thời, thành phần germanium và selen trong tỏi giúp cơ thể chống đột biến tế bào, ngăn ngừa sự hình thành của các gốc tự do, hỗ trợ phòng ngừa ung thư hiệu quả.
Socola đen: Socola đen chứa nhiều hợp chất hữu cơ có hoạt tính sinh học như polyphenol, flavonoid và catechin giúp loại bỏ các gốc tự do.
Nước hầm xương: Cung cấp L-glutamine, glycine, arginine và khoáng chất hỗ trợ chống viêm, giúp chữa lành tổn thương đường ruột.
Hành tây: Giàu chất xơ hòa tan giúp thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi và cải thiện tiêu hóa.
Thực phẩm giàu chất xơ: Như atiso, đậu, quả mâm xôi và táo giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và giảm nguy cơ mắc bệnh đường ruột.
Những thực phẩm nên tránh để bảo vệ hệ tiêu hóa
Thực phẩm tái, sống: Những thực phẩm này có thể chứa vi khuẩn có hại, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột và gây rối loạn tiêu hóa.
Thực phẩm không rõ nguồn gốc: Các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh có thể chứa hóa chất độc hại, gây tổn thương đường ruột.
Rượu, bia và chất kích thích: Các loại đồ uống có cồn và cafein ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày.

Trái cây chứa nhiều axit: Cam, chanh và các loại trái cây có nhiều axit có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu chảy hoặc đầy hơi.
Hoa quả sấy khô: Chứa hàm lượng đường cao, có thể làm rối loạn hệ tiêu hóa, gây táo bón hoặc tiêu chảy.
Thực phẩm nhiều dầu mỡ và cay nóng: Các món chiên rán và gia vị cay nóng có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày và trào ngược axit.
TS.BS Nguyễn Thị Lan Hương khuyến cáo, nếu gặp các vấn đề tiêu hóa kéo dài, người dân nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.