Bộ Tứ ở thời điểm tế nhị

GD&TĐ - Cuộc gặp cấp cao năm nay của nhóm Bộ Tứ - bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia - được Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cuộc gặp cấp cao năm nay của nhóm Bộ Tứ - bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia - được Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì tổ chức ở thành phố quê hương của ông, hội tụ đầy đủ các Thủ tướng Narendra Modi, Fumio Kishida và Anthony Albanese.

Bản tuyên bố chung được bốn người này công bố sau sự kiện thể hiện sự đồng thuận quan điểm sâu rộng giữa họ với nhau về vai trò tương lai của nhóm Bộ Tứ và về những định hướng hoạt động của nhóm này trong thời gian tới.

Cứ theo bản tuyên bố chung ấy thì cuộc gặp rất thành công. Trong đó không hề đề cập cụ thể đến Trung Quốc nhưng gần như ở nội dung nào cũng thấy ẩn hiện cái bóng của quốc gia này.

Giới truyền thông quốc tế đưa tin ông Biden đã sử dụng những ngôn từ rất mạnh mẽ, thậm chí còn cả khá gay gắt để nói về Trung Quốc. Trong họp báo sau sự kiện, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nhắc đến Trung Quốc không dưới 20 lần.

Nhiều kết quả của cuộc gặp cấp cao năm nay của nhóm Bộ Tứ cũng theo mạch định hướng ứng phó Trung Quốc ở các khu vực như Đông Nam Á và Biển Đông, vùng Đông Bắc Á và Nam Á cũng như ở khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong đó, đáng chú ý hơn cả là việc nhóm Bộ Tứ nhất trí tăng cường hợp tác về an ninh và hậu thuẫn các đối tác của họ trong khu vực tăng cường tiềm lực an ninh. Bên ngoài không thể không rũ bỏ được cảm nhận là dường như nhóm Bộ Tứ dành ưu tiên cho việc ứng phó những thách thức an ninh từ Trung Quốc còn cao hơn cho việc cạnh tranh chiến lược trên mọi phương diện với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tình thế rất tế nhị hiện tại của nhóm Bộ Tứ làm cho điều này càng thêm đặc biệt. Đây là lần hội ngộ cuối cùng của bốn vị trên trong khuôn khổ nhóm Bộ Tứ. Ông Biden sẽ rời Nhà Trắng vào cuối tháng 1/2025. Ông Kishida cũng sẽ không còn là Thủ tướng Nhật Bản kể từ sau ngày 1/10 sắp đến.

Câu hỏi lớn đặt ra cho nhóm này là những người kế nhiệm ông Biden ở Mỹ và ông Kishida ở Nhật Bản sẽ coi trọng khuôn khổ diễn đàn Bộ Tứ như thế nào. Tương lai tới đây của nhóm phụ thuộc vào cả hai nhân sự mới đấy cho dù cả bốn người hiện tại đều quả quyết rằng nhân sự dẫu có thay đổi thế nào thì nhóm này không những chỉ tiếp tục tồn tại, mà còn sẽ có được vai vế còn cao hơn và ảnh hưởng hơn trên thế giới.

Để ứng phó với tác động tế nhị của thời điểm, bốn vị tham dự cuộc gặp cấp cao năm nay của nhóm đã nhất trí với nhau về 3 việc cụ thể để tiến trình Bộ Tứ của họ không bị đảo ngược hoặc ít nhất thì cũng rất khó có thể bị đảo ngược sau những sự thay đổi nhân sự sắp tới.

Thứ nhất là chủ ý tạo sự đã rồi và đặt những người kế nhiệm ông Biden và ông Kishida trước những sự đã rồi trong nhóm Bộ Tứ. Thứ hai là đưa ra những định hướng hoạt động và trọng tâm, ưu tiên chính sách mới mà trong đó đáng chú ý nhất là tập trung ứng phó những thách thức về chính trị và an ninh từ phía Trung Quốc ở tất cả các khu vực bộ phận của vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thứ ba là dụng ý gây dựng sự liên kết và tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông Biden và ông Kishida đều là những người cổ xúy và thôi thúc rất mạnh mẽ việc thể chế hóa hơn nữa khuôn khổ diễn đàn nhóm Bộ Tứ. Cuộc gặp cấp cao của nhóm vừa qua ở Mỹ đã làm những việc cần thiết để hướng nhóm vào thời kỳ bất định sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ