Vào cuối Thế chiến thứ hai, Hải quân Hoa Kỳ có hơn 6.000 tàu đang hoạt động, năm 1987 giảm xuống còn 590 và hiện tại chỉ là 297. Đồng thời Mỹ đã mất vị trí đầu tiên về quy mô hạm đội vào tay Trung Quốc, khi Bắc Kinh đã có 370 chiến hạm.
Khoảng cách ngày càng lớn giữa đôi bên xuất phát từ việc năng lực đóng tàu khác nhau: Hải quân Hoa Kỳ ước tính sản lượng của Trung Quốc trong ngành này gấp 232 lần so với họ. Ví dụ vào năm 2022, chỉ 5 tàu thương mại cỡ lớn được đặt đóng ở Mỹ trong khi con số tại Trung Quốc lên tới 1.794 chiếc.
"Sự thành công của một doanh nghiệp nằm khía cạnh kinh tế theo quy mô. Bạn đạt được điều đó khi sở hữu danh mục đơn đặt hàng lớn", tờ Defense One nhận xét.
Tình trạng suy giảm trong ngành đóng tàu của Mỹ bắt đầu từ sau Chiến tranh Lạnh, khi nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa do sự sụp đổ của Liên Xô.
Khi đối thủ không còn, trong số 8 nhà máy đóng tàu hải quân thuộc sở hữu nhà nước, chỉ còn lại 4 với cơ sở hạ tầng cũ kỹ, trong đó chỉ 2 nhà máy đủ năng lực chế tạo tàu ngầm hạt nhân (ở Virginia và Connecticut).
Hải quân Mỹ hiện nay không có thời gian để sửa chữa hoặc thay thế tàu ngầm hạt nhân một cách nhanh chóng khi chúng "già đi", do vậy quyết định cung cấp loại phương tiện tác chiến này cho Australia chỉ làm tăng áp lực lên ngành công nghiệp vốn đã bất ổn.
"Nhưng không chỉ có tàu ngầm hạt nhân mới rời khỏi đường trượt hạ thủy với tốc độ chậm đến mức đáng kinh ngạc như vậy", tờ Defense One nhắc nhở.
Chiếc tàu sân bay lớp Ford tiếp theo đã bị chậm tiến độ ít nhất 18 tháng, và khinh hạm FFG-62 (dẫn đầu lớp Constellation) chậm hơn 36 tháng. Nhìn chung, khối lượng công việc chính chậm hơn 3 năm.
Tình trạng này chỉ có thể được giải quyết bằng cách mở rộng năng lực sản xuất, tức là phải bơm nguồn vốn khổng lồ vào phát triển ngành đóng tàu và ứng dụng những công nghệ mới, chẳng hạn như robot hóa và in 3D kỹ thuật số các bộ phận kim loại.
"Chúng ta trở nên kém cạnh tranh hơn, và việc xây dựng lực lượng hải quân cũng như tàu chiến trở nên đắt đỏ hơn nhiều khi còn lại ít nhà máy chế tạo hơn", tờ Defense One bình luận.
Hạm đội tàu ngầm hạt nhân Mỹ đang suy giảm nhanh chóng, họ dự kiến sẽ đóng 10 chiếc mới, nhưng 19 tàu khác sẽ ngừng hoạt động. Như vậy Hải quân sẽ mất 9 tàu trong năm tài chính 2025.
Việc thiếu thủy thủ đoàn khiến việc kiểm soát toàn bộ đại dương trên thế giới là bất khả thi. Ví dụ khi xuất hiện mối đe dọa từ lực lượng Houthi, Mỹ buộc phải điều chuyển phần lớn hạm đội của mình sang Trung Đông, gửi toàn bộ các biên đội tác chiến tàu sân bay từ Thái Bình Dương sang, khiến Đài Loan (Trung Quốc) dễ bị tổn thương.
Một trong những vấn đề nữa là chất lượng công việc đi xuống. Ví dụ vào tháng 10 tại xưởng đóng tàu HII ở Virginia, đã phát hiện 26 tàu có mối hàn kém, chưa đạt chuẩn, đây là khó khăn do thiếu lao động có trình độ, khi nhiều công nhân tay nghề cao đã về hưu.
Trong bối cảnh đó, tuyên bố của Chuẩn Đô đốc đã nghỉ hưu Mark Montgomery, người đưa ra cái nhìn thực tế về ngành đóng tàu Mỹ có vẻ đáng chú ý:
"Tôi không chắc có thể đặt hàng đóng tàu khu trục ở Hàn Quốc hay Nhật Bản, mặc dù cả hai nước đều chế tạo những chiến hạm rất xuất sắc, nhưng tôi sẽ thuê đóng tàu phụ trợ hay tàu đổ bộ cỡ lớn ở đó. Việc đóng các tàu mới và sửa chữa chúng nên được ưu tiên thực hiện ở những địa điểm có chi phí rẻ hơn".