Nhu cầu tiêu dùng dịp Tết dự kiến tăng 15 đến 20%. |
Nhu cầu tăng cao
Theo đánh giá của lãnh đạo 2 thành phố “huyết mạch” là Hà Nội và TPHCM, do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, nhất là một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng nhích lên từ 15 - 20% so với các tháng bình thường trong năm.
Cụ thể, tại Hà Nội, nhu cầu một số mặt hàng như sau: Gạo khoảng 55.000 tấn/tháng; thịt lợn hơi khoảng 8.500 tấn/tháng; thịt gà khoảng 4.250 tấn/tháng; trứng gà, vịt khoảng 75 triệu quả/tháng; thủy hải sản tươi và đông lạnh khoảng 3.400 tấn/tháng; dầu ăn khoảng 4,2 triệu lít/tháng; rau củ tươi khoảng 65.000 tấn/tháng.
Trong đó, lượng hàng hóa Hà Nội tự cung cấp được là gạo khoảng 20.000 tấn/tháng; thịt lợn hơi có thể cung cấp đủ; thịt gà khoảng 2.125 tấn/tháng; trứng gà vịt khoảng 30 triệu quả/tháng; thủy hải sản tươi, đông lạnh khoảng 510 tấn/tháng; rau củ tươi khoảng 35.750 tấn/tháng.
Theo bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, mặc dù lượng cung cấp tại chỗ thiếu hụt, nhưng số còn lại thành phố đã chủ động liên kết với các địa phương khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương... để đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết.
Ngoài ra, trong dịp Tết, người dân sẽ tiêu thụ khoảng 1.500 tấn bánh mứt kẹo các loại, khoảng 100 triệu lít rượu, bia, nước giải khát. Nhu cầu sử dụng xăng, dầu trong tháng tết Giáp Ngọ tăng khoảng 20% so với năm trước, dự kiến khoảng 60 triệu lít.
Còn tại TPHCM, bà Lê Thị Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết: Tổng giá trị hàng hóa các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho hai tháng trước và sau tết Giáp Ngọ 2014 là 7.581,7 tỉ đồng, tăng 2.184,5 tỷ đồng (tương đương với 40,5%) so với tết Quý Tỵ 2013.
Trong đó, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 4.901 tỷ đồng, tăng 1.879 tỷ đồng (tương đương với 62,17%) so với tết Quý Tỵ năm 2013. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết, tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 3.790,9 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 2.450,5 tỷ đồng.
Giá cả biến động
Cùng với sức mua tăng, giá cả cũng nhích lên theo quy luật cung - cầu. Khảo sát của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, giá bán thịt lợn và gia cầm tăng khoảng 5 đến 10% do vào thời điểm giáp Tết, việc kiểm tra chất lượng gia súc gia cầm từ các nơi về Hà Nội được thắt chặt, các hộ chăn nuôi giữ lợn đến sát Tết để bán cho được giá nên nguồn cung ít đi.
Nhóm hàng lương thực (chủ yếu là gạo), đầu năm 2013 tình hình cung cầu tương đối ổn định nhưng đến tháng 10, 11, do miền Bắc vào thời điểm giáp hạt nên nguồn cung hạn chế, các tiểu thương thu gom gạo xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và do ảnh hưởng của cơn bão số 14 nên giá bán tăng 5 đến 10%.
Hiện giá bán mặt hàng gạo đã ổn định nhưng dự kiến sẽ tăng trong dịp Tết do nhu cầu tiêu dùng gạo ngon, gạo nếp tăng cao. Nhóm hàng rau, củ, quả, mặc dù thời điểm cuối tháng 10, đầu tháng 11 đã giảm (khoảng 8%) so với tháng 7 (do có nhiều biến động như bão liên tiếp xảy ra trên diện rộng ảnh hưởng đến nguồn cung) nhưng thời điểm trước và sau Tết nhu cầu tiêu dùng tăng nên giá mặt hàng rau sẽ vẫn giữ ở mức cao.
Đồng quan điểm trên, bà Đào cho biết, thời điểm gần cuối năm giá cả một số nguyên liệu thường biến động do tết Dương lịch và tết Nguyên đán cách nhau chỉ một tháng. Tuy nhiên, với gần 7.600 điểm bán hàng bình ổn (trong đó có hơn 3.200 điểm bán hàng lương thực, thực phẩm) và 665 chuyến xe bán hàng lưu động khắp địa bàn, thành phố sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Cũng theo bà Đào, thời gian phục vụ nghỉ tết năm nay kéo dài 9 ngày nhằm ổn định thị trường sau tết Giáp Ngọ 2014, các hệ thống phân phối trong chương trình sẽ được mở cửa phục vụ khách hàng từ ngày mùng 2 Tết, đồng thời DN tăng cường thực hiện các chuyến bán hàng lưu động tại các quận, huyện ngoại thành, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, kí túc xã, bệnh viện để phục vụ người lao động có thu nhập thấp…
Chú trọng bình ổn
Bà Nguyễn Thuý Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, tuy mặt bằng giá trong 11 tháng qua không có sự đột biến nhưng việc đảm bảo cân đối cung cầu đối với một số mặt hàng dự báo có biến động giá vẫn phải tiếp tục được chú trọng, đặc biệt là việc đưa hàng về nông thôn nhằm đảm bảo giúp bà con nông dân mua hàng đúng giá.
Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng cần được điều chỉnh, có sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong quản lý giá cả, chất lượng hàng hoá… Còn theo một lãnh đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, năm nay tình hình kinh tế của thành phố có nhiều chuyển biến tích cực và có dấu hiệu ấm dần lên. Do vậy, việc chuẩn bị lượng hàng hóa cho dịp cuối năm và tết Giáp Ngọ cũng không thể chủ quan, xem nhẹ.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường tết của các địa phương nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa vẫn tỏ ra lo ngại đối với dự báo một số nhóm hàng thiết yếu sẽ tăng giá trong dịp Tết. Bà Thoa cho biết, năm nào cũng vậy, dù chuẩn bị chu đáo nhưng thời điểm gần Tết vẫn có những cơn “sốt” giá khan hàng cục bộ, như bài học về sự tăng giá của nhóm mặt hàng trứng trong năm vừa qua.
Trong năm nay, qua rà soát của Bộ Công Thương thì nhóm mặt hàng trứng gia cầm vẫn có tốc độ tăng giá hơn các mặt hàng khác. Riêng với mặt hàng gạo, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc theo dõi giá cả và bình ổn thị trường gạo.
Hiện Hiệp hội Lương thực Việt Nam và một số địa phương đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện, theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời xử lý khi có biến động bất thường. Bên cạnh đó, để tránh tình trạng “sốt” giá không phải do thiếu hàng hóa mà do những người đầu cơ gây ra, các cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố cần tăng cường kiểm tra kiểm soát những DN chiếm thị phần lớn.
Theo Hải quan