Tránh nóng vội

GD&TĐ - Những ngày qua dư luận khá quan tâm đến chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (TCCDNN) của giáo viên.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sự quan tâm này xuất phát từ việc Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021 TT-BGDĐT quy định mã số, TCCDNN khi cơ quan quản lý chuyển xếp từ ngạch giáo viên hiện hành sang các hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng. Một trong những tiêu chuẩn để xếp hạng là có chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN. Thế nhưng hiện tại có không ít giáo viên còn “nợ” chứng chỉ này. Nhiều câu hỏi được đặt ra như có cần đi học để lấy chứng chỉ bồi dưỡng hay không? Có bị tụt hạng khi không có chứng chỉ? Thậm chí có ý kiến cho rằng cần loại bỏ tiêu chuẩn chứng chỉ này vì không cần thiết.  

Chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN là quy định chung với viên chức của các ngành, lĩnh vực, không riêng gì ngành Giáo dục. Luật Viên chức 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ TCCDNN đó và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo TCCDNN trước khi bổ nhiệm hạng. Còn Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cũng quy định chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo TCCDNN viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo TCCDNN cao hơn liền kề. Như vậy, việc các Thông tư của Bộ GD&ĐT quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN là bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; tính thống nhất trong quy định về quản lý viên chức.

Mặt khác, nội dung bồi dưỡng theo TCCDNN của các ngành nói chung và ngành Giáo dục nói riêng không đơn thuần chỉ có những kiến thức chuyên ngành. Trong quá trình bồi dưỡng, giáo viên còn có cơ hội nắm bắt thêm nhiều kiến thức về quản lý hành chính Nhà nước, hiểu được vị trí của mình. Đây là những kiến thức cần thiết cho viên chức, nhất là khi xét thăng hạng. 

Bàn về việc nên có hay không có một quy định đã được luật định như tiêu chuẩn chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN, có lẽ phải đợi đến lúc pháp luật về viên chức có chương trình sửa đổi. Vấn đề hiện nay là đội ngũ giáo viên cần hiểu không phải khi nào cũng phải đi học chứng chỉ này để không quá nôn nóng, áp lực. “5, 7 năm, thậm chí từ hạng III lên hạng II là 9 năm và hạng II lên hạng I là 6 năm mới phải đi học một lần. Ai có nhu cầu thăng hạng mới phải đi học”, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết. Giáo viên muốn giữ hạng cũng cần có chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN, tuy nhiên, với đối tượng này, các cơ quan quản lý đang cho nợ. Giáo viên có thể đợi đến khi có hướng dẫn cụ thể rồi đi học, tránh nôn nóng nghe theo quảng cáo rồi bị trục lợi.  

Thứ nữa, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các lớp bồi dưỡng theo TCCDNN để bảo đảm chất lượng của chương trình. Học phí các lớp bồi dưỡng cũng cần nên xem xét như thế nào để phù hợp với túi tiền của số đông nhà giáo. Vẫn biết bồi dưỡng theo TCCDNN đáp ứng nhu cầu tự thân của mỗi GV để tích lũy đủ tiêu chuẩn nhằm mục đích thăng hạng nên việc đóng học phí là đúng quy định. Tuy nhiên, hiện chi phí cho các khóa học này khá cao, so với mức lương giáo viên là con số cần cân nhắc. 

Thời gian qua, một số địa phương, cơ sở giáo dục từ các nguồn khác nhau có sự hỗ trợ nhất định kinh phí cho nhà giáo tham gia học bồi dưỡng TCCDNN GV. Đó là việc làm đáng khuyến khích. Bởi xét cho cùng, kiến thức nhà giáo tích lũy thêm không chỉ đơn giản gắn với việc cá nhân thầy cô được tăng lương do thăng hạng, mà rộng hơn, học sinh, nhà trường, địa phương cũng được lợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ